Tại miền Bắc giá giảm thêm 3.000 đ/kg
Giá lợn hơi tại miền Bắc tiếp tục giảm sâu. Trong đó, tại Vĩnh Phúc giảm mạnh 3.000 đ/kg xuống 42.000 đồng; Hải Dương giảm 2.000 đồng xuống 43.000 đ/kg.
Tại Lào Cai, Hà Nội giá giảm 1.000 đồng xuống lần lượt 45.000 đồng và 41.000 đ/kg. Duy nhất tại Bắc Giang, giá lợn hơi phục hồi trở lại mức 45.000 đồng ngay sau khi giảm 2.000 đồng xuống 43.000 đ/kg trong ngày hôm qua.
Các địa phương khác giá lợn hơi không thay đổi, Hưng Yên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định đang ở mức 41.000 - 42.000 đ/kg - mức giá phổ biến trong khu vực.
Tại miền Trung, Tây Nguyên biến động trái chiều
Trong khi giá lợn hơi tại Thanh Hóa giảm sâu 3.000 đồng xuống 43.000 đ/kg và Ninh Thuận giảm 1.000 đồng xuống 49.000 đ/kg; thì Khánh Hòa và Ninh Thuận giá đồng loạt tăng 2.000 đồng lên 46.000 đ/kg.
Những tỉnh, thành khác giá lợn hơi tương đối ổn định. Mức giá thấp nhất tại Hà Tĩnh, đạt 39.000 đ/kg. Tại Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định lợn hơi đang được giao dịch trong khoảng 45.000 - 46.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và khu vực Tây Nguyên như Đắk Lắk, Lâm Đồng vẫn duy trì ở mức 49.000 - 51.000 đ/kg.
Tại miền Nam duy trì xu hướng giảm
Giá lợn hơi tại Vĩnh Long giảm 2.000 đồng xuống 51.000 đ/kg; Cần Thơ, Trà vinh, Đồng Tháp đồng loạt giảm 1.000 đồng xuống 52.000 - 53.000 đ/kg. Tại Bình Dương giảm khoảng 500 đồng xuống 50.000 đ/kg.
Trảng Bom giá lợn xuống còn 51.000 đồng. Các địa phương còn lại, giá không thay đổi so với ngày hôm qua, dao động trong khoảng 52.000 - 56.000 đ/kg.
Mặc dù đà giảm tại khu vực đã kéo dài sang ngày thứ hai liên tiếp, song với biên độ giảm không quá lớn như miền Bắc nên giá lợn hơi tại khu vực vẫn đạt trên ngưỡng 50.000 đ/kg.
Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng lợn về chợ trong ngày 27/2/2019 đạt 5.000 con và tình hình buôn bán của thương lái tương đối thuận lợi.
Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 6 tỉnh, thành phố
Tính đến ngày 27/2/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện của 6 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam).
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngày 22 - 27/2/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện 1 hộ chăn nuôi lợn rừng tại khu Đầm Lấm, phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên – Hà Nội. Toàn bộ 25 con lợn rừng nuôi dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với địa phương tổ chức xử lý tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, lấy mẫu lợn của các hộ xung quanh xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Đến nay, không có phát sinh heo bệnh tại địa phương này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông tin thêm, tính đến ngày 27/2/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện của 6 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 2.349 con (với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 172.505 kg) và đã gây ra tổn thất hàng chục tỷ đồng.
Trong sáng 28/2/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sẽ làm việc với lãnh đạo Bộ NNPTNT về vấn đề “Thống nhất các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi”.
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 26/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.
Đáng chú ý, tại nước láng giềng Trung Quốc, theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 3/8/2018 đến ngày 26/2/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 110 ổ dịch xuất hiện tại 28 tỉnh. Tổng cộng đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Hiện tại Quảng Ninh chưa phát hiện thêm trường hợp nào nhiễm bệnh, nhưng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định, TP Uông Bí là địa phương có nguy cơ bị xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi (ASF) rất cao. Nguyên nhân, Uông Bí nằm trên đường vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn từ các tỉnh, thành lân cận vào Quảng Ninh; và nhu cầu nhập lợn và sản phẩm từ lợn ở nơi khác về Uông Bí cũng khá cao khi tổng đàn lợn của thành phố chỉ vào khoảng 7.000 con.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet