Cụ thể, hiện giống lúa RVT có giá dao động từ 5.200 – 5.500 đồng/kg, giống Đài Thơm 8, OM 7347, OM 4900, OM 5451 từ 4.500 - 4.800 đồng/kg. Song, so với cùng kỳ năm trước thì giá lúa vẫn còn thấp hơn từ 400- 500 đồng/kg, nhưng với giá lúa hiện tại hoạt động thu mua lúa gạo có chiều hướng nhộn nhịp trở lại.
Nguyên nhân bởi từ sau khi Chính phủ chỉ đạo thu mua tạm trữ lúa gạo, giá lúa thương phẩm ở Bạc Liêu tăng và đã có dấu hiệu “giải tỏa” tâm lý đầu ra hạt lúa, nhà nông rất phấn khởi.
Một nông dân ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cho biết, vụ lúa Đông Xuân này gia đình gieo cấy được 0,5 ha, khoảng 20 ngày nữa thu hoạch, với giá lúa tăng nhẹ trong những ngày qua đã giải tỏa được tâm lý đầu ra, khả năng đến thời điểm thu hoạch giá lúa còn tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, chính sách thu mua lúa tạm trữ của Chính phủ hiện nay chỉ mang tính giải pháp nhất thời và giá lúa tăng cũng nhất thời, nhiều khả năng một bộ phận người trồng lúa không hưởng lợi từ chính sách này.
Bởi lịch thời vụ các vụ lúa ở Bạc Liêu thường trễ so với các tỉnh trong khu vực khoảng 1 tháng. Cụ thể, vụ lúa Đông Xuân này Bạc Liêu dự kiến thu hoạch dứt điểm đến cuối tháng 4, trong khi các tỉnh lân cận đang cho thu hoạch rộ, nếu kế hoạch thu mua lúa tạm trữ của Chính phủ kết thúc sớm, thì nhiều người dân khó bán được lúa trong đợt thu mua tạm trữ này.
Vụ lúa Đông Xuân 2018-2019, tỉnh Bạc Liêu xuống giống hơn 48.000 ha, đến nay đã thu hoạch hơn 1.600 ha, năng suất 6,0 – 8,0 tấn/ha.
Tổng sản lượng lúa cả vụ ước đạt khoảng 280.000 tấn.
Trong những ngày cuối tháng 2 (từ 22/2 – 28/2/2019), gạo xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu sang các thị trường Singapore, Thái Lan và một số thị trường khác trong đó có Saudi Arabia, Philippines , Canada …
Tham khảo giá gạo xuất khẩu của tuần Việt Nam trong tuần (từ 22/2 – 28/2/2019)

Nguồn: TCHQ

Về tình hình sâu bệnh trên cây trồng theo nguồn tin từ tintucnongnghiep, trong tuần đến ngày 5/3/2019  cụ thể như sau:
+ Tại các tỉnh Bắc Bộ, trưởng thành sâu đục thân 2 chấm tiếp tục vũ hóa, bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, ốc bươu vàng, chuột, tuyến trùng rễ… gây hại cục bộ.
+ Các tỉnh Bắc Trung Bộ: Chuột, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn… sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa mới gieo cấy.
+ Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn lá, bệnh đạo ôn cổ bông... hại cục bộ trên lúa Mùa giai đoạn ngậm sữa đến thu hoạch; bọ trĩ, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ... hại nhẹ trên lúa Đông Xuân muộn giai đoạn mạ đến đẻ nhánh.
+ Các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL: Rầy nâu phổ biến trưởng thành, trứng. Những khu vực chuẩn bị xuống giống lúa Hè Thu theo dõi chặt diễn biến rầy nâu vào đèn, xuống giống tập trung “né rầy”. Bệnh đạo ôn gây hại trên trà lúa Đông Xuân và lúa Mùa, giai đoạn đẻ nhánh, đòng trỗ. Lưu ý ốc bươu vàng trên lúa giai đoạn sạ; bệnh bạc lá, chuột, sâu cuốn lá nhỏ gây hại ở giai đoạn trỗ đến chín.
Với tình hình sâu bệnh như trên, bà con nông dân cần lưu ý bón phân, dùng thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu hại lúa.
 Nguồn: VITIC tổng hợp 

Nguồn: vinanet