Do DAP là nguyên liệu chính sản xuất phân tổng hợp NPK (còn gọi là phân 3 màu) gồm Urê, DAP và Kali nên các doanh nghiệp sản xuất phân bón buộc phải kéo giá phân NPK tăng theo từ 300-500 ngàn đồng/tấn tùy theo công thức hàm lượng phối trộn, trong đó NPK 20-20-15 tăng mạnh nhất từ 400-500 ngàn đồng/kg. Tất nhiên, việc tăng này cuối cùng là người nông dân "thua thiệt toàn tập".

Trong các loại phân bón, ngoài Urê và Kali thì DAP cũng là loại phân bón rất quan trọng phục vụ SXNN. Ngoài việc sử dụng làm thành nguyên liệu phối trộn NPK như nói ở trên, DAP còn được cho là một loại phân đơn chủ yếu bón cho lúa, cây ăn trái, rau màu, cây công nghiệp, đặc biệt đối với đất nhiễm phèn thì DAP vừa có tác dụng hạ phèn, kiến tạo bộ rễ ra chồi đâm nhánh tốt cho cây trồng nên nông dân rất ưa chuộng.

Trên thị trường hiện đang có các loại phân bón DAP phổ biến gồm DAP 16-44 (đạm 16%; lân 44%) và DAP 18-46 của Trung Quốc; DAP 18-46 của Nga và Hàn Quốc; riêng Việt Nam có DAP 16-45 của Nhà máy phân bón DAP Vinachem Đình Vũ (Hải Phòng) và Nhà máy SX Phân bón DAP Lào Cai. Trong đó, phân DAP Trung Quốc chiếm thị phần lớn.

Khảo sát nhanh tại chợ phân bón Trần Xuân Soạn (quận 7, TP.HCM) cho thấy, giá DAP vào tuần lễ trước, đứng đầu là DAP 18-46 của Hàn Quốc giá khoảng 12.500 đồng/kg; thứ hai của Nga là 9.500 đồng/kg; tiếp theo DAP 18-46 của Trung Quốc khoảng 9.000 đồng; còn DAP 16-44 là 8.800 đồng. Cuối cùng là DAP 16-45 của hai đơn vị Đình Vũ và Lào Cai khoảng 8.000 đồng/kg.

Như vậy, trên thị trường giá DAP trong nước vẫn còn thấp, lý do chính theo phản ảnh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón là do tâm lý nông dân vẫn còn ưa chuộng "hàng ngoại"; thứ hai, hàng DAP trong nước thường hay chậm tan, màu sắc (DAP có các màu xanh, vàng, đen, nâu) hay bị thay đổi khi để lâu, trong khi phân ngoại thì màu sắc tương đối ổn định hơn.

Hiện nay, giá DAP nói chung đã tăng từ 1.500 đồng/kg trở lên, nhưng thị trường chưa hút hàng mạnh do nước lũ ở vùng ĐBSCL đang lên, vùng Tây Nguyên lại chưa vào giai đoạn bón phân đợt 3. Dự báo vào đầu tháng 9, mặt hàng DAP này mới thực sự "nhảy múa".

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng phân bón DAP, MAP nhập khẩu trong giai đoạn 2013-2016 là 1-1,2 triệu tấn mỗi năm. Năm 2016, lượng nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc với hơn 921.000 tấn, chiếm gần 84% thị phần, tiếp đến là Hàn Quốc, Nga...

Phân DAP Trung Quốc có hai loại là 18-46 và 16-44, trong đó loại DAP 18-46 sau khi test mẫu để tính công thức trước khi đưa nguyên liệu này vào SX phân bón NPK thì thấy thường hụt từ 0,1%-0,5% của cả hai chỉ tiêu Đạm và Lân.

Nguồn: nongnghiep.vn