Mặt hàng sữa loại III giao dịch trên sàn CME (giao tháng 11) kết thúc phiên 31/10 đã tăng 7 cents so với giá mở cửa, đạt 16,65 USD/CWT (tạ), các kỳ hạn khác không phát sinh nhiều giao dịch và đóng cửa đều giảm. Cụ thể, kỳ hạn tháng 12 giảm 8 cents xuống 15,98 USD/CWT, các kỳ hạn giao hàng nửa đầu năm 2018, giảm từ 4-16 cents, đóng cửa ở mức giá trung bình là 15,48 USD/CWT.
Đối với mặt hàng sữa loại IV, giao dịch thâm chí trầm lắng hơn, kết thúc phiên, kỳ hạn giao tháng 11 giảm 17 cents xuống còn 13,98 USD/CWT, hợp đồng giao tháng 1/2018 đóng cửa giảm 12 cents xuống mức giá 14,11 USD/CWT.
Không nằm ngoài xu hướng, sữa bột khô không béo (Non-fat Dry milk) hợp đồng giao tháng 2/2018 đã giảm 0,025 cents/pound xuống còn 75,625 cents/pound, trong phiên giá đã có lúc rơi 1,52% tương đương mức giá 74,5 cents/pound nhưng cuối phiên đã phục hồi.
Hai mặt hàng tăng giá là phô mai và sữa bột khô (whey dry milk), tuy nhiên mức biến động rất nhẹ. Sữa bột khô kỳ hạn giao tháng 2/2018 mở cửa ở mức 30 cents/pound, kết thúc phiên lên 30,1 cents/pound.
Các chuyên gia dự báo, giá sữa sẽ có xu hướng tiếp tục tăng lên ít nhất cho đến giáng sinh, đặc biệt hơn khi nhu cầu từ Trung Quốc đối với các mặt hàng này đang ngày càng lớn. Nhu cầu của Trung Quốc trong vòng 1 năm qua đã tăng thêm ít nhất 9%, trong đó tốc độ nhập khẩu trong thời gian từ tháng 5-tháng 7/2017 đã đạt 15%. Phần còn lại của châu Á và các nước châu Mỹ cũng trở thành động lực thúc đẩy giá sữa.
Tại châu Âu, giá bơ và sữa đã có giai đoạn phục hồi sau những năm rơi vào khủng hoảng, tuy nhiên, với việc gia tăng sản lượng sản xuất tại khu vực, chuyên gia của Fonterra, New Zealand dự báo hàng tồn kho sẽ được cân bằng khá nhanh và giá sẽ trở lại cân bằng, đặc biệt sự khan hiếm của bơ giai đoạn vừa qua sẽ chỉ là tạm thời.

 

Nguồn: Thùy Dương/ndh.vn, CME