Tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, giá thực phẩm hôm nay tiếp tục tăng nhẹ so với cuối tuần. Cụ thể, tại chợ Thủ Đức, giá các mặt hàng tăng nhẹ từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Điển hình như, bắp cải tím 34.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; bí đỏ 20.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; bí xanh 38.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; cải bó xôi 38.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; bông cải trắng 55.000 đồng/kg; bông cải xanh 45.000 đồng/kg, đậu ve 35.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.
Tương tự tại ĐBSCL, giá nhiều mặt hàng thực phẩm cũng tăng nhẹ so với hôm qua. Cụ thể, giá cải ngọt 26.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; cải xanh 26.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; mồng tơi 32.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; rau muống 24.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; xà lách 32.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg; hành lá 45.000 đồng/kg. Trong khi giá hành tăng cao, thì giá hẹ lại giảm. Theo các hộ trồng hẹ tại hai xã Long Phước và Phước Hậu, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, nếu như những năm trước nhiều hộ dân trồng hẹ làm giàu từ loại cây màu này bởi giá bán luôn luôn ổn định mức từ 9.000 đồng đến 15.000 ngàn đồng/kg thì hiện tại giá hẹ xuống thấp. Cụ thể tại Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hậu nông dân bán hẹ chỉ với giá 5.000 đồng/kg, bà con trồng hẹ cho biết năng suất bình quân lứa hẹ thứ nhất khoảng 1,5 tấn/công với giá bán như trên trừ đi chi phí mua hẹ giống và công chăm sóc nông dân không thu lãi.
Với mặt hàng thủy sản, tại ĐBSCL, giá cá tra nguyên liệu duy trì ổn định ở mức thấp. Giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang dao động từ 18.500 - 19.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, cùng với đó, nguồn nguyên liệu dư thừa khiến giá cá giảm mạnh. Trong khi đó, giá tôm thẻ thương lái mua tại đầm ổn định, nguồn cung ở mức thấp. Cụ thể, giá tôm thẻ size 20 con tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau đang dao động ở mức 175.000 - 178.000 đồng/kg, size 30 con dao động từ 128.000 - 130.000 đồng/kg, size 40 con dao động từ 122.000 - 125.000 đồng/kg.
Cũng theo congthuong.vn, giá lúa gạo trên thị trường không có biến động so với cuối tuần qua. Cụ thể, trên thị trường giao dịch quốc tế, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chào bán hôm nay giữ ổn định ở mức 483 - 487 USD/tấn với gạo 5% tấm. Nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu đang tốt, nhu cầu cao trong khi nguồn cung khan hiếm, các thị trường như Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Bangladesh đều gặp nhiều khó khăn do lũ lụt và dịch bệnh. Tại thị trường trong nước, giá gạo hiện neo ở mức cao. Cụ thể, giá gạo NL IR 504 ở mức 9.150 đồng/kg; gạo OM 5451 ở mức 10.450 đồng/kg; gạo TP IR 504 ở mức 10.700 đồng/kg; giá gạo tấm IR 504 cũng ở mức 8.800 đồng/kg. Với mức giá này, hiện giá gạo trong nước đã tăng 200 - 300 đồng/kg so với cuối tuần trước. Riêng giá lúa, ghi nhận giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL hôm nay duy trì ở mức ổn định so với cuối tuần. Cụ thể, lúa tươi Jasmine đang được thu mua ở mức 6.300 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.000 đồng/kg; lúa OM 9577, OM 9582 6.100 đồng/kg; lúa OM 6976 ở mức 6.000 đồng/kg; đài thơm 8 có giá 6.300 đồng/kg; nàng hoa 9 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 6.100 đồng/kg.
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 81.000 - 86.000 đồng/kg và ghi nhận tăng giảm trái chiều tại một số tỉnh, thành, cùng giao dịch ở mức 85.000 đồng/kg. Tại miền Nam giá lợn hơi ghi nhận mức tăng giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tại một số địa phương và được giao dịch trong khoảng 80.000 - 87.000 đồng/kg. Tại miền Trung- Tây Nguyên không ghi nhận thay đổi mới so với ngày hôm qua và được thương lái thu mua trong khoảng 79.000 - 87.000 đồng/kg. Giá lợn hơi giảm kéo giá thịt lợn tại chợ truyền thống giảm khoảng 10.000 đồng/kg, dao động từ 130.000-150.000 đồng/kg. Hiện thịt ba chỉ có giá 150.000 đồng/kg, thịt mông sấn giá 130.000 đồng/kg,…. Tại các siêu thị, giá thịt lợn cũng được điều chỉnh giảm nhẹ do giá từ các nhà cung cấp, phân phối đã giảm khoảng 5%. Mặc dù giá lợn hơi, giá thịt lợn trên thị trường giảm nhưng sức mua trên thị trường vẫn chưa tăng do giá vẫn ở mức cao gấp đôi so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi. Thời gian qua, nhiều người tiêu dùng dịch chuyển nhu cầu, đó là sử dụng các thực phẩm thay thế thịt lợn với giá rẻ hơn phù hợp với túi tiền chi tiêu của mình.

Để kích cầu tiêu dùng, theo ghi nhận từ trang Vietnambiz.vn, tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày cuối tháng 8/2020, nhiều nhà bán lẻ, doanh nghiệp đã tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Các đơn vị kinh doanh cho rằng, song song với chung tay phòng chống COVID-19, thì đây cũng là thời điểm thuận lợi để mang hàng Việt đến với người tiêu dùng cả nước, nhất là góp phần tạo đầu ra cho nông sản nội địa.

Ở một số siêu thị, nhằm tiếp tục chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng, tại các điểm bán thuộc Saigon Co.op đang thực hiện giảm giá trực tiếp đa dạng sản phẩm nhu yếu như sữa, rau củ, quả, thịt, cá, gạo, nước mắm... trong 3 tuần liên tiếp và tính từ ngày 20/8/2020. Điển hình, vào 3 ngày đầu tuần hàng chục mặt hàng được áp dụng "Mua 2 tính tiền 1", còn 3 ngày cuối tuần có chương trình "Siêu ưu đãi" áp dụng mức giảm giá trung bình hơn 80%.

Tương tự Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản Vissan triển khai giảm giá với mức 20% dành cho mặt hàng thịt lợn VietGAP và thịt bò Australia tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op và Aeon Citimart. Người tiêu dùng mua hàng trực tiếp tại hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan cũng được hưởng mức giá ưu đãi ở một số mặt hàng như thịt lợn xay, ba rọi lợn, sườn non lợn, cốt lết lợn... Chương trình áp dụng từ nay đến ngày 2/9/2020, tùy sản phẩm. Bên cạnh đó, Vissan còn hỗ trợ khách hàng với chương trình khuyến mãi giảm giá 15% sản phẩm nước xương hầm áp dụng từ ngày 26/8 đến ngày 12/9/2020 tại toàn bộ hệ thống siêu thị Coopmart trên toàn quốc. Đồng thời, giảm giá lên đến 15% thực phẩm chế biến áp dụng từ nay đến ngày 27/8/2020 cho tất cả khách hàng mua trực tiếp tại chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh .

 Cùng với việc triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, một số nhà bán lẻ, doanh nghiệp còn áp dụng phong phú ưu đãi cho khách hàng thành viên. Tại LOTTE Mart, khách hàng thành viên mua sắm vào 3 ngày cuối tuần với hóa đơn từ 400.000 đồng được mua hàng với giá ưu đãi đặc biệt, tùy theo ngành hàng. Tương tự khi khách hàng mua sắm sản phẩm mang thương hiệu Speed L của LOTTE Mart trong khung giờ vàng có thể nhận được giá ưu đãi lên đến 50%. Chương trình này còn áp dụng tặng quà cho khách hàng có hóa đơn từ 500.000 đồng.

Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, sức mua tại chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tương đối ổn định nhưng tại nhiều hệ thống siêu thị đã giảm 10% đối với mặt hàng lượng thực, thực phẩm. Riêng lượng khách hàng vào hệ thống siêu thị mua sắm cũng giảm 50% do người dân hạn chế tiếp xúc nơi đông người và thực hiện quy định phòng chống dịch COVID-19. Hiện tại, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh đã và đang đẩy mạnh kênh mua sắm online và cạnh tranh bằng cách tung ra thị trường các sản phẩm mới, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng như không chỉ giao hàng tận nhà, mà còn với thời gian nhanh chóng và theo khung giờ yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả những giải pháp này, doanh nghiệp phải chuyển đổi khâu vận hành, nhân sự, đầu tư thiết bị...

Liên quan đến giải pháp kích cầu tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng, để duy trì sản xuất và lấy lại đà tăng trưởng, nhà bán lẻ, doanh nghiệp cần tận dụng mọi cơ hội thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Đối với thị trường nội địa, nhà bán lẻ, doanh nghiệp phải chinh phục người tiêu dùng bằng cách đa dạng giải pháp tạo chuyển biến tích cực trong nâng cao giá trị hàng Việt và tiêu chuẩn hàng hóa, từng bước khẳng định thương hiệu Việt.

Nguồn: VITIC