Nguyên nhân do lượng vải thiều cuối vụ ít trong khi nhu cầu tiêu thụ lớn. Những ngày qua, thời tiết nắng nóng, vải bị rám, nứt vỏ nhiều nên nông dân đang khẩn trương thu hoạch để hạn chế ảnh hưởng. Chỉ từ 1-2 ngày tới, nông dân sẽ thu hoạch xong toàn bộ diện tích còn lại, sớm hơn 10 ngày so với vụ trước. Vì vụ vải thiều Thanh Hà kết thúc sớm nên vải thiều ở nơi khác cũng được vận chuyển về lấy thương hiệu để bán nhưng giá thấp hơn vải Thanh Hà chính gốc.
Kể từ đầu vụ đến nay, tỉnh Bắc Giang đã xuất khẩu 9 tấn vải thiều, trong đó 5 tấn vải thiều đầu tiên xuất sang Mỹ và 4 tấn đi Australia, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho biết.
Ngoài ra, một số thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… cũng đang được xúc tiến, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu đạt khối lượng lớn là Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm… Giá thu mua vải thiều đã qua sơ chế, cắt cuống, đạt chất lượng cao nhất để xuất khẩu sang các thị trường này trung bình đạt 85 nghìn đồng/kg.
Được biết, vụ vải thiều năm nay, nhiều hộ đã áp dụng sản xuất hữu cơ, quy trình VietGAP, GlobalGAP, ít sử dụng phân hóa học nên chất lượng có sự khác biệt rõ rệt.
Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cấp 18 mã vùng cho 394 hộ sản xuất vải thiều tại 7 xã của huyện Lục Ngạn với tổng diện tích 217,89 ha. Theo đó, sản phẩm từ các khu vực này đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường “khó tính” bậc nhất thế giới.
Không chỉ xuất khẩu, vải thiều cũng tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa. Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, hiện có 3 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thu mua chế biến vải thiều gồm: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Lục Ngạn), Hệ thống Siêu thị BigC Bắc Giang và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang).
Theo đó, các đơn vị thu mua hơn 1 nghìn tấn vải tươi để chế biến thành: Cùi vải đông lạnh, vải đóng hộp xuất khẩu sang thị trường các nước Đức, Úc, Pháp; riêng Hệ thống siêu thị Siêu thị BigC Bắc Giang làm các loại nước uống, bánh có nhân vải thiều… bày bán tại siêu thị phục vụ người dân trong tỉnh.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vifoco, Nguyễn Xuân Việt cho biết, vụ này, đơn vị sẽ chế biến hơn 400 tấn cùi vải đông lạnh và vải đóng hộp để xuất sang Đức. Dự kiến, tổng giá trị vải chế biến của công ty xuất đi đạt 500 nghìn USD, cao hơn nhiều lần so với vải bình thường. Đến thời điểm này, công ty đã chế biến được 200 tấn.
Việc thực hiện thu mua chế biến quả vải thiều giúp tăng giá trị hàng hóa; kéo dài thời gian sử dụng và giảm áp lực tiêu thụ quả vải tươi. Vì vậy, việc thu hút các doanh nghiệp chế biến tham gia vào tiêu thụ sản phẩm là bài toán tối ưu giúp người dân phát triển sản xuất.
Được biết, ngoài 3 doanh nghiệp trên, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) cũng đang thu mua với số lượng lớn vải thiều Lục Ngạn để chế biến xuất khẩu.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Báo Hải Dương, Báo Bắc Giang

Nguồn: Vinanet