Bộ Thương mại Indonesia ngày 11/1/2018 cho biết sẽ nhập khẩu gạo trở lại để tăng lượng dự trữ, trong bối cảnh giá lương thực thiết yếu này tăng cao trong những tuần gần đây.
Chỉ một ngày sau đó, ngày 12/1, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương nước này, ông Oke Nurwan cho biết, Indonesia đã cấp phép nhập khẩu 500.000 tấn gạo trong năm 2018 với lý do "Giá gạo trung bình tăng vượt mức trần, và thiếu gạo dự trữ".
 Đợt nhập đầu tiên trong khối lượng này dự kiến sẽ tiến hành vào cuối tháng 1. Chính phủ Indonesia chỉ định công ty PT Perusahaan Perdagangan Indonesia tiến hành nhập khẩu theo giấy phép này.
Bộ trưởng Thương mại Enggartiasto Lukita cho biết: "Cần phải nhập khẩu nhưng sẽ chỉ nhập loại chất lượng cao để không ảnh hưởng tới nông dân cũng như ngành sản xuất lúa gạo của chúng tôi". Và dự kiến gạo sẽ nhập là loại 0 đến 5% tấm, hoặc chất lượng cao hơn, mua của Việt Nam và Thái Lan. 
Trước đây, trong khi Indonesia liên tục phát đi những thông tin rằng sản lượng gạo trong nước tăng, dự trữ đã đủ và không nhập khẩu nữa, thì Phó Tổng thống Jusuf Kalla đã từng yêu cầu Cơ quan Hậu cần Quốc gia (Bulog) xem xét nhập khẩu gạo để hạ nhiệt thị trường trong nước. Ông này đã nói rằng: "Việc nhập khẩu gạo không bị cấm, nhưng chúng tôi phải nghiên cứu xem có cần nhập hay không, trong bối cảnh giá tăng không ngừng". 
Tuy nhiên chỉ đến lúc này, khi giá tăng rất mạnh, Indonesia mới quyết định nhập khẩu.
Theo Trung tâm Thông tin Giá lương thực Chiến lược Quốc gia (PIHPSN), giá gạo chất lượng trung bình trên thị trường Indonesia đã lên tới 14.100 Rupiah (99 US cent)/kg, cao hơn nhiều so với mức giá sàn quy định là 9.450 Rupiah. Giá cao nhất là ở West Papua (14.250 Rp/kg), giá thấp nhất là ở West Nusa Tanggara (9.740 Rp/kg), nhưng vẫn cao hơn mức trần. 
Bộ trưởng Thương mại Indonesia, Anggartiasto Lukita, đã quy kết cho các thương gia tội găm giữ gạo dự trữ khiến giá tăng trên thị trường này. 
Chính phủ Indonesia vẫn đang theo dõi để can thiệp vào thị trường khi thấy cần thiết. Chủ tịch Cơ quan Hậu cần quốc gia (Bulog) cho biết đã chuẩn bị 950.000 tấn gạo để đưa vào thị trường trong năm 2018. 
Chính phủ Indonesia đã tiến hành mở rộng hệ thống phân phối gạo để đảm bảo cung cấp tới nhiều khu vực, nhiều đối tượng hơn nhằm hạ nhiệt thị trường này. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động phân phối gạo ra thị trường đã được thực hiện từ tháng 11/2017 tới nay nhưng giá gạo ở Indonesia vẫn cao do nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu. 
Động thái này diễn ra không lâu sau khi mới đây Bộ Nông nghiệp Indonesia tuyên bố nước này không cần nhập khẩu gạo nữa vì lượng dự trữ lên tới 3 triệu tấn tính tới tháng 12/2017, dư sức đáp ứng nhu cầu 2,6 triệu tấn. 
Vụ trưởng Vụ Phát triển Nguồn nhân lực nông nghiệp, Gunung Kidul District, đã khẳng định: "Chúng tôi không cần nhập khẩu gạo, và như các bạn thấy, từ tháng 12 đến tháng 1, nhiều khu vực trên đất nước Indonesia sẽ thu hoạch lúa". 
Ông này cho biết Indonesia sẽ dư thừa 0,4 triệu tấn gạo, có thể sẽ được đưa vào kho dự trữ; đồng thời Chính phủ đang khuyến khích tăng diện tích đất trồng lúa vào mùa khô (tháng 7 – tháng 9). Chính phủ sẽ hỗ trợ nông dân trong việc cải thiện hệ thống tưới tiêu, theo đó Bộ Nông nghiệp đã phát triển hệ thống kênh mương tưới nước cho hơn 24 nghìn ha đất trồng lúa (dự kiến cho 4,3 triệu tấn lúa), đồng thời trợ cấp lúa giống để trồng trên 12,1 triệu ha, 27,64 triệu tấn phân bón, và bảo hiểm nông nghiệp cho 1,2 triệu ha đất trồng lúa. 
Tuy nhiên, Trang Thejakartapost ngày 11/1 vừa qua lại đưa tin, số liệu từ Bulog cho thấy dự trữ gạo hiện chỉ đạt 950.000 tấn, phần lớn là gạo chất lượng thấp để dùng trong trường hợp trợ cấp cho các gia đình có thu nhập thấp. Hãng Antara cũng đưa tin rằng dự trữ gạo thương mại hiện chỉ còn 11.000 tấn. 
Những số liệu này đáng tin cậy hơn bởi mấy năm gần đây Indonesia rất hạn chế nhập khẩu gạo mới mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào loại lương thực này.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), để giảm phụ thuộc vào gạo và ngô nhập khẩu, Indonesia đã tăng mạnh nhập khẩu lúa mì lên vị trí nước nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới, không chỉ để làm lương thực mà còn dùng trong chăn nuôi.
Việc giá lúa mì giảm trong khi giá ngô cao cũng là nguyên nhân khiến Indonesia tăng nhập khẩu lúa mì. Indonesia phát đi thông báo rằng cung gạo của họ đã gần đủ đáp ứng nhu cầu, và tiêu thụ gạo liên tiếp sụt giảm trong khi tiêu thụ lúa mì tăng lên vì người dân ngày càng sử dụng nhiều các thực phẩm làm từ bột mì. Nhưng sau đó do nhập khẩu lúa mì tăng mạnh quá, Chính phủ nước này lại ra những chính sách hạn chế nhập khẩu lúa mì chăn nuôi để tăng cường và mở rộng sản xuất ngô trong nước. Để giải quyết những vấn đề của thị trường thức ăn chăn nuôi do hạn chế nhập lúa mì, Indonesia đã cho nhập khẩu lúa mì chất lượng kém để pha trộn với các thành phần thức ăn chăn nuôi khác. 
Giới chuyên gia nhận đinh, chừng nào Indonesia vẫn còn theo đuổi mục tiêu tự cung tự cấp ngũ cốc thì thị trường ngũ cốc nước này sẽ còn biến động mạnh. 
Nguồn: Vân Chi/CafeF, Trí thức trẻ