Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá tăng 2 USD lên 373-377 USD/tấn, từ mức thấp nhất 17 tháng của tuần trước.
“Nhu cầu từ khách hàng châu Phi tăng lên trong mấy ngày qua”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh (miền Nam Ấn Độ) cho biết. Một số thương gia khác cũng khẳng định gạo Ấn Độ hiện đang cạnh tranh tốt vì đồng rupee yếu đi.
Rupee Ấn Độ đã mất hơn 13% giá trị kể từ đầu năm tới nay, và đã xuống mức thấp mới trong lịch sử vào đầu tuần này, giúp tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu nước này.
Triển vọng xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ thiếu chắc chắn mặc dù đã tăng 23% trong tài khóa 2018 và 24% trong 4 tháng đầu tài khóa 2019. Lý do bởi một số diễn biến bất lợi tại một số thị trường tiêu thụ chủ chốt như Liên minh châu Âu thắt chặt các quy định về dư lượng thuốc trừ sâu (đã khiến cho xuất khẩu gạo basmati sang thị trường này giảm 58% về khối lượng và 40% về trị giá trong giai đoạn tháng 1-7/2018); Iran gần đây mua mạnh, nhưng xuất khẩu sang thị trường này gần đây đã gặp một số trục trặc do một số nhà nhập khẩu khó khăn trong việc thanh toán, và sắp tới sẽ còn khó khăn hơn khi Iran bị Mỹ cấm vận (từ tháng 11/2018), khiến Ấn Độ có nguy cơ bị mất thị trường xuất khẩu tương đương khoảng 4 triệu tấn gạo basmati của nước này (72% tổng nhập khẩu vào Iran trong tài khóa 2018). Tiếp đến, Saudi Arabia cũng theo bước EU thắt chặt các quy định về dư lượng thuốc trừ sâu (mặc dù chưa có thông báo chính thức). Saudi Arabia cùng Iran chiếm khoảng 60-70% tổng xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ.
Trong tài khóa 2017/18, xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ đạt 26,87 tỷ rupee, tăng 23% so với 21,51 tỷ rupee của tài khóa trước, mặc dù khối lượng chỉ tăng nhẹ, từ 3,98 triệu tấn lên 4,06 triệu tấn. 4 tháng đầu tài khóa hiện tại, khối lượng xuất khẩu vẫn giữ ở 1,57 triệu tấn (so với 1,56 triệu tấn cùng kỳ năm trước), nhưng trị giá vẫn tăng 14% lên 11,58 tỷ rupee.
Để giải quyết những khó khăn trên, Chính phủ Ấn Độ đang tăng cường tuyên truyền và kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu trong gạo basmati.
Trong khi đó, tại nước láng giềng Bangladesh, sản lượng gạo vụ Boro (trồng vào mùa Hè) đạt 19,5 triệu tấn, cao hơn so với mục tiêu 19 triệu tấn, vì nông dân tăng diện tích trồng lúa khi thấy giá gạo lên cao. Năm ngoái, sản lượng gạo vụ Boro của nước này giảm hơn một nửa so với thông thường.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá vững ở 395-405 USD/tấn, thấp hơn chút ít so với mức 400-405 USD/tấn cách đây một tuần.
Mặc dù triển vọng có nhu cầu từ Philippines sau siêu bão Mangkhut, song giá gạo Việt Nam vẫn không tăng vì giá gạo Thái Lan giảm. “Nếu tăng thêm nữa, khách hàng sẽ chuyển hướng sang chỉ mua của Thái Lan”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho hay.
Một số thương gia ước tính sản lượng vụ Hè Thu này của Việt Nam vào khoảng 1,8 triệu tấn, chỉ bằng một nửa năm ngoái. Vụ Hè Thu chủ yếu dùng tiêu thụ nội địa, tức là phải chờ đến tháng 3 năm sau mới thu hoạch vụ lớn – chủ yếu dành cho xuất khẩu.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm giá vững ở 390-393 USD/tấn (FOB Bangkok), không thay đổi so với cách đây một tuần.
Nhu cầu gạo Thái hiện đang vững, song các thương gia hy vọng sẽ tăng trong tương lai gần bởi nhiều khu vực bị thiên tai, nhất là Philippines và Indonesia.
Tại Philippines, giá gạo tiếp tục cao kỷ lục trong tháng 9/2018. Theo Cơ quan Thống kê Philippines (PSA), giá gạo xát kỹ bán buôn trung bình tăng 17% lên 45,51 peso/kg trong tuần thứ hai của tháng 9/2018 so với một năm trước, gạo xát kỹ bán lẻ trung bình cũng lên đến 48,93 peso/kg, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái; giá gạo xát thường bán buôn đạt 43,13 peso/kg, tăng 21% so với năm trước, xát thường bán lẻ trung bình cũng tăng 20% lên 45,71 peso/kg; giá lúa trung bình tăng từ mức 19,62 peso/kg trong năm ngoái lên 23,04 peso/kg. Tuần qua, giá lúa cũng tăng 0,26%.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Philipppines Emmanuel Piñol, sản lượng gạo năm nay chắc chắn không đạt mục tiêu 19,8 triệu tấn do thiên tai (nhiều cơn bão lớn). Lượng gạo tồn kho của nước này tiếp tục giảm, chỉ đạt 1,52 triệu tấn trong tháng 8/2018, thấp hơn 25% so với 2,02 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái, và cũng giảm 24% so với 1,99 triệu tấn cách đây một tháng.
Tại Philippines, siêu bão Mangkhut mới đây đã gây thiệt hại khoảng 250.730 tấn lúa, cao hơn 60% so với mức dự kiến của Bộ Nông nghiệp nước này, và điều đó khiến cho tình hình thị trường lúa gạo Philippines càng thêm căng thẳng, bởi ngay cả trước khi bão xảy ra, giá gạo đã tăng rất mạnh trong thời gian dài.
Ngày 13/9/2018, Tổng Công ty Thương mại Quốc tế (PITC) thuộc Bộ Thương mại Philippines đề xuất cho nhập khẩu bổ sung 150.000 tấn gạo theo hình thức liên chính phủ.
Tại Indonesia, nội bộ đang mâu thuẫn về việc nhập khẩu gạo. Trong khi Giám đốc điều hành Cơ quan Hậu cần Quốc gia (Bulog) khẳng định không cần nhập khẩu gạo cho tới tháng 6/2019, thậm chí không cần sử dụng tới lượng gạo dự trữ trong kho của đơn vị này, thì Bộ trưởng Thương mại Enggartiasto Lukita lại yêu cầu nhập khẩu thêm gạo vì giá trong nước đang có xu hướng tăng lên.
Bulog cho biết dự trữ gạo của đơn vị hiện đạt 2,4 triệu tấn, dự kiến sẽ tăng lên 3 triệu tấn vào cuối mùa khô.

Nguồn: Vinanet