Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, các thương gia đã dừng ký hợp đồng xuất khẩu mới vì thiếu nhân lực lao động và sự gián đoạn về hậu cần do lệnh cách ly toàn quốc trong vòng 21 ngày - ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc giao hàng theo những hợp đồng đã ký.
“Gạo không được chuyển từ các cánh đồng tới nhà máy hoặc từ nhà máy tới cảng biển”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Kakinada, miền Nam Ấn Độ, cho biết. Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ cũng đã không được cập nhật trong 2 tuần vừa qua. Trước khi lệnh cách ly toàn quốc có hiệu lực, Ấn Độ đã bán gạo đồ 5% tấm với giá khoảng 365 USD/tấn tính theo giá FOB.
Theo các nhà xuất khẩu, khoảng 400.000 tấn gạo non-basmati và 100.000 tấn gạo basmati cho các đơn hàng giao hàng trong tháng 3 - tháng 4 đã bị mắc kẹt tại các cảng hoặc trong đường ống vì lệnh đóng cửa cả nước. Ông Prem Garg, Chủ tịch Tập đoàn Lal Mahal, cho biết khối lượng xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm 4 - 5 lần so với trước khi thực hiện lệnh phong tỏa. Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu gạo non-basmati sang Bangladesh, Nepal, Benin và Senegal, và gạo basmati cao cấp được xuất sang Iran, Arab Saudi và Iraq.
Với việc Campuchia, Việt Nam và Myanmar dừng xuất khẩu gạo, nhu cầu gạo Ấn Độ tăng cao, nhưng thương nhân không được ký hợp đồng mới, ông Nitin Gupta, phó chủ tịch tập đoàn thương mại gạo Olam India, cho biết. Theo ông Gupta, "Sau khi phong toả cả nước, nhu cầu đối với gạo Ấn Độ sẽ rất lớn, vì quốc gia Nam Á đang có lợi thế nhờ giá cả cạnh tranh". Vì có lượng tồn trữ khổng lồ, Ấn Độ có thể bắt đầu kiếm lợi nhuận nhờ nhu cầu một khi tình trạng thiếu lao động giảm bớt. Ấn Độ có khả năng sản xuất 117,47 triệu tấn gạo trong năm mùa vụ 2019 - 2020 so với mức tiêu thụ hàng năm khoảng 100 triệu, với tồn kho quốc gia là 31 triệu tấn.
Tại nước láng giềng của Ấn Độ là Bangladesh, Chính phủ quyết định tạm dừng cho xuất khẩu gạo thường vì giá gạo trong nước đã tăng lên mức cao nhất 2 năm do người dân mua mạnh để tích trữ.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong thời gian qua cũng tạm dừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Do đó, cũng đã 3 tuần qua không có giá gạo xuất khẩu cập nhật.
Về diễn biến của chính sách xuất khẩu gạo, sau khi lấy ý kiến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, căn cứ ý kiến tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 31/3/2020 về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương phương án, số lượng xuất khẩu gạo tháng 4/2020 như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 sẽ vào khoảng 800 nghìn tấn. Lượng được phép xuất khẩu này giảm 40% so với lượng xuất khẩu tháng 4 và tháng 5 năm 2019; giảm 35,7% so với cùng kỳ giai đoạn năm 2018; giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2017. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan theo thẩm quyền khẩn trương quyết định, triển khai thực hiện phương án xuất khẩu gạo nêu trên và các quy định hiện hành; bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình hình dịch Covid-19, giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân, các tổ chức kinh doanh có liên quan; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm giá tăng lên 555–580 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2013, so với 560-570 USD/tấn cách đây một tuần. Nguyên nhân do thiếu cung vì hạn hán kéo dài từ nhiều tháng nay. Các nhà xuất khẩu Thái Lan đang theo dõi tình hình ở các nước xuất khẩu khác để “xem Covid-19 ảnh hưởng như thế nào đối với các đối thủ cạnh tranh (như Việt nam và Ấn Độ), từ đó suy đoán xem thị trường thế giới sẽ thiếu bao nhiêu gạo nếu các nước khác không thể xuất khẩu”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết. Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho rằng tình hình hiện nay có thể đẩy giá gạo tăng thêm nữa.
Tai Philippines, dự trữ gạo quốc gia đã giảm 1,9% trong tháng 3/2020 so với cùng tháng năm ngoái, xuongs 2,178 triệu tấn. Trong đó, dự trữ của các gia đình là 981.020 tấn (giảm 5,1%), của các doanh nghiệp tăng 2,9% đạt 751.810 tấn và của Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) giảm 2,1% xuống 481.810 tấn. So với tháng 2/2020, tồn trữ gạo trên toàn quốc giảm 8,3%.
Giá bán buôn gạo xát kỹ tuần qua tăng 0,3% so với tuần trước đó, đạt 41,26 peso/kg, giá bán buôn gạo xát thường tăng 0,7% lên 33,01 peso/kg và giá bán lẻ tăng 0,5% lên 36,36 peso/kg.
Australia đang lo ngại sẽ thiếu gạo. Trang Skynews đưa tin, Thượng nghị sĩ Perin Davey cho biết, nguồn cung cấp lương thực của Australia nhình chung sẽ không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vì nước này có đủ lương thực cung cấp cho 75 triệu dân. Tuy nhiên, gạo là một trường hợp ngoại lệ vì khô hạn mấy năm qua đã ảnh hưởng tới việc trồng lúa ở lưu vực sông Murray (thuộc bang New South Wales), khiến sản lượng lúa của vùng này giảm từ trung bình 800.000 tấn/năm xuống chỉ 50.000 tấn/năm. Australia tiêu thụ khoảng 300.000 tán gạo mỗi năm.

Nguồn: VITIC tổng hợp từ Reuters và một số nguồn khác