Tại Ấn Độ, gạo 5% tấm duy trì ở mức 380-385 USD/tấn như cách đây một tuần do nhu cầu từ khách hàng Châu Phi thấp.
“Trong mấy tuần vừa rồi, nhu cầu gạo xuất khẩu thấp. Khách hàng Châu Phi không hoạt động tích cực trên thị trường”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu Ấn Độ cho biết.
Xuất khẩu gạo Ấn Độ từ tháng 4 đến tháng 12/2018 đã giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước đó, xuống 8,46 triệu tấn.
Trong khi đó tại Bangladesh, Chính phủ tiếp tục đưa ra những giống lúa cũng như công nghệ mới với nỗ lực tăng sản lượng gạo trong nước và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm giá tăng lên 383- 405 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 382 – 398 USD/tấn cách đây một tuần mặc dù nhu cầu yếu và nguồn cung trên thị trường bắt đầu tăng. Lý do bởi đồng baht mạnh lên.
Thái Lan tiếp tục hy vọng Philippines sẽ tham gia mua, nhưng đồng baht mạnh so với USD cản trở khách hàng tìm tới nguồn cung này.
Baht Thái đã tăng hơn 4% từ đầu năm tới nay, khiến cho giá gạo xuất khẩu quy ra USD tăng lên.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm hiện ở mức 340 USD/tấn, tương tự như cách đây một tuần, trong bối cảnh đang màu thu hoạch và xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó. Lượng tồn kho gạo nếp gia tăng khiến giá loại này giảm sút.
Tháng này là lúc thu hoạch lúa cao điểm. Chính phủ đã quyết định thu mua 200.000 tấn gạo để đưa vào kho dự trữ và ngăn giá giảm.
Vtv đưa tin, trong buổi làm việc sáng 18/2/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và một số doanh nghiệp Trung Quốc đã thống nhất việc nhập khẩu ngay 100.000 tấn gạo nếp của Việt Nam trong thời gian tới. Phía đại diện Trung Quốc cho biết, đây chỉ là mức khởi đầu của năm 2019, việc nhập khẩu gạo chính ngạch từ Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hơn nữa.
Doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ mong muốn tiếp xúc với doanh nghiệp Việt Nam lớn, chính thống, có khả năng đáp ứng đơn hàng lớn qua con đường chính ngạch. Năm 2018, tổng sản lượng gạo việt Nam xuất sang Trung Quốc gần 1,3 triệu tấn trong đó 50% là gạo nếp. Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực Việt Nam làm việc ngay với doanh nghiệp Trung Quốc về việc thu mua 100.000 tấn gạo.
Trong bối cảnh giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đang đi xuống, ngoài việc Bộ NN&PTNT gặp gỡ trực tiếp các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, sắp tới, sẽ có đoàn công tác trực tiếp sang Philippines để tìm đầu ra bền vững cho gạo Việt Nam.
Một số thông tin khác
Sri Lanka áp giá bán lẻ tối đa với gạo từ tháng 4/2019
Bộ Nông nghiệp Sri Lanka quyết định áp giá bán lẻ tối đa đối với gạo Nadu và Samba, có hiệu lực từ ngày 1/4/2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp P. Harrison cho biết hôm 17/2/2019.
Theo ColomboPage, trong cuộc họp với các hiệp hội nông dân ngày 17/2/2019 tại Anuradhapura, Bộ trưởngHarrison cho biết mức giá tối đa cho một kg gạo Nadu là 80 rupee Sri Lanka và gạo Samba là 85 rupee. Bộ trưởng đã thảo luận với các hiệp hội nông dân và chủ sở hữu nhà máy gạo quy mô nhỏ và lớn để mua thóc ở mức giá đảm bảo từ người nông dân. Các quan điểm đã được bày tỏ rằng người dân nên được phép mua thóc với giá đảm bảo.
Bộ trưởng Harrison cho biết tất cả các bên đồng ý nên áp dụng mức giá tối đa và vì vậy đã đạt được thỏa thuận về vấn đề này. Ông cho biết quyết định áp giá bán lẻ tối đa đối với gạo theo đó sẽ được đưa ra trong thời gian tới.
Nhập khẩu gạo Philippines dự báo đạt kỉ lục trong năm 2019
Philippines có thể ghi nhận khối lượng gạo thu mua từ nước ngoài lớn nhất trong năm nay ở mức 4 triệu tấn sau khi thông qua dự luật tự do hóa nhập khẩu gạo.
Hôm 19/2/2019, ông Tomas Escarez, quyền quản trị viên của Cơ quan lương thực quốc gia (NFA) Philippines, cho biết cơ quan này đã nhận được hơn 200 đơn đăng kí từ các thương nhân và nhà nhập khẩu tiềm năng. Tổng khối lượng từ các đơn này được cho là đạt 2 triệu tấn, với 20% trong số đó đã chuyển đến nước này.
Bên cạnh đó, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty AgriNurture, ông Antonio Tiu, đã xác nhận với Inquirer rằng thỏa thuận với Vinafood II, nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất Việt Nam, vẫn sẽ tiếp tục trong năm nay. Vinafood II đồng ý cung cấp độc quyền 2 triệu tấn gạo hạt dài trị giá gần 1 tỷ USD hàng năm cho ANI.
Không giống như ở Việt Nam và Thái Lan, nơi nông dân có thể sản xuất một kg gạo ở mức 6 peso, nông dân Philippines cần chi tới 12 peso cho một kg.
Iraq nhập khẩu trực tiếp khoảng 120.000 tấn gạo Việt Nam

Vietnambiz dẫn nguồn tin Business Recorder cho biết, Iraq đã mua hơn 100.000 tấn gạo từ Việt Nam thông qua một thỏa thuận trực tiếp.

Cụ thể, Bộ thương mại Iraq đã mua khoảng 120.000 tấn gạo từ Việt Nam theo một thỏa thuận trực tiếp mà không có phiên đấu thầu quốc tế được ban hành, thương nhân tại châu Âu và Trung Đông hôm thứ Ba (20/1) cho biết.
Người bán được cho là Tổng Công ty Lương thực miền Bắc Vinafood 1, doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.
Iraq đã không tổ chức một phiên đấu thầu quốc tế để mua gạo trong vài tháng với các thành phần trong thị trường cho rằng quốc gia này đã chuyển sang mua nhiều hơn thông qua các cuộc đàm phán tư nhân.
Xuất khẩu gạo Nhật Bản tìm thấy mảnh đất màu mỡ tại Trung Quốc

Sau khi tăng gấp 10 lần trong một thập kỉ, xuất khẩu gạo của Nhật Bản được dự báo tiếp tục tăng trưởng, với sự quan tâm đặc biệt đối với thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, Trung Quốc.

Dữ liệu từ chính phủ Nhật Bản cho thấy xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 76% so với năm trước lên 524 tấn trong 2018. Mức tăng trưởng này đã thúc đẩy tổng khối lượng xuất khẩu của Nhật Bản lên mức kỉ lục 13.794 tấn, tăng 17%.
Trung Quốc vẫn chỉ chiếm 4% xuất khẩu của Nhật Bản, vì các quy định nghiêm ngặt của Bắc Kinh chỉ cho phép gạo chế biến tại một số cơ sở được ủy quyền. Cho tới năm ngoái, cảng Nhật Bản duy nhất nhận được sự cho phép của Trung Quốc là Yokohama.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng 5 năm ngoái, Bắc Kinh đã thông qua các cơ sở xay xát ở tỉnh Hyogo và Hokkaido.
Trung Quốc tiêu thụ gạo nhiều gấp 20 lần so với Nhật Bản và là thị trường quan trọng đối với người trồng lúa ở quốc gia mặt trời mọc, khi họ hi vọng sẽ bán được nhiều hơn ra nước ngoài trong năm nay.

Nguồn: Vinanet