Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam, từ tháng 9 đến đầu tháng 10 là thời điểm cuối cùng nông dân thu hoạch thanh long chính vụ. Những ngày này, các nhà vườn gấp rút cắt trái cây để bán cho thương lái, doanh nghiệp đóng hàng xuất khẩu.
Theo một nông dân cho biết, hiện giá thanh long quanh mức khoảng từ 5.000 – 8.000 đồng/kg – mức giá này cao hơn so với chính vụ năm trước và trái cây được thương lái thu mua đều nên người làm vườn có lãi.
Hiện nay, thanh long Bình Thuận được thương lái và các doanh nghiệp đóng tại Bình Thuận thu mua để xuất khẩu qua Trung Quốc. Một lượng ít trái cây ở vườn VietGAP, GlobalGAP được xuất khẩu qua các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản.
Thị trường chính của thanh long Bình Thuận vẫn là Trung Quốc. Mỗi năm, khoảng 95% trái cây được tỉnh Bình Thuận xuất khẩu qua nước này, 5% còn lại là tiêu thụ trong nước và xuất đi những quốc gia khó tính khác.
Theo một chủ cơ sở thu mua thanh long cho biết, mỗi ngày thu mua trên 50 tấn trái rồi phân loại, đóng gói để một doah nghiệp đến nhận hàng đưa đi Trung Quốc.
Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, từ nhiều năm qua, cây thanh long trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương. Cây trồng đã giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định, trở nên giàu có.
Theo cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thanh long Bình Thuận, cùng với việc khai thác thị trường Trung Quốc, tỉnh Bình Thuận đang tổ chức sản xuất theo hướng chất lượng cao để mở rộng thêm thị trường như Nhật Bản, New Zealand, Úc, Mỹ...
Để mở rộng thị trường, tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân canh tác theo mô hình VietGAP, GlobalGAP. Tỉnh Bình Thuận hiện có 29,5 nghìn ha thanh long và trong số này có 9 nghìn ha VietGAP, trên 1 nghìn ha GlobalGAP. Theo kế hoạch, đến năm 2020, diện tích thanh long VietGAP sẽ lên 10 nghìn ha và GlobalGAP sẽ tăng gấp đôi diện tích hiện tại.
Với gần 50.000 ha, sản lượng trên 1 triệu tấn/năm, Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất thanh long lớn nhất châu Á. Để giá cả và đầu ra của trái thanh long không bấp bệnh, vừa qua Hội thảo tìm giải pháp phát triển chuỗi giá trị thanh long đã được tổ chức tại Tiền Giang do Bộ NN&PTNT tổ chức. Tại hội thảo nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ thanh long bền vững.
Theo Viện Cây ăn quả Miền Nam, khó khăn lớn nhất đối với sản phẩm thanh long của nước ta là chủ yếu bán trái tươi (hơn 80%). Chuỗi chế biến sau thu hoạch vẫn còn thiếu và yếu. Đặc biệt, việc liên kết thành một chuỗi giá trị vẫn bị bỏ ngỏ. Giải pháp được chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra là các địa phương phải xây dựng lại những vùng trồng, lấy hợp tác xã làm hạt nhân để chuyển giao khoa học, công nghệ và kỹ thuật, hướng đến sản xuất sạch. Cùng với đó, Chính phủ cần tạo điều kiện về vốn để hỗ trợ các nhà máy chế biến sâu, kết nối vào kênh nhà hàng, siêu thị... vì đây là những phân khúc tiêu thụ có giá cả và đầu ra rất tốt.

Nguồn: VITIC