Theo nguồn tin từ báo Phapluatonline, không chỉ gà công nghiệp mà gà tam hoàng, gà ta, gà lai Đông Tảo… đang giảm mạnh khiến người chăn nuôi khốn khổ. Ngay cả gà hơi công nghiệp bán ra chỉ còn khoảng 11.000 – 14.000đồng/kg, thậm chí còn thấp hơn giá một số loại rau.
Ghi nhận tại một số chợ lẻ trên địa bàn TP.HCM như bà Chiểu, chợ Thị Nghè, chợ Hoàng Hoa Thám cho thấy giá gà vẫn không giảm dù giá gà bán tại trang trại khu vực Đông Nam bộ giảm mạnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân không kích cầu được nhu cầu tiêu dùng khiến gà tồn trong các trang trại tăng cao.
Theo đó giá gà ta tại các chợ giao động từ 100.000-120.000 đồng/kg; gà công nghiệp 60.000-65.000 đồng/kg.
Một tiểu thương kinh doanh gà tại chợ Bà Chiểu cho biết, bản thân cũng không nghe nói gì về giá gà hơi giảm mạnh so với trước đây. Hiện vẫn mua loại gà này với gia 80.000 – 90.000 đồng/kg, sau đó về làm sạch thì phải tính công, cộng chi phí vận chuyển… nên bán ra giá 110.000 đồng/kg. Vậy nên không có lý do gì để bán giá rẻ hơn.
Trong khi đó tại một số siêu thị giá gà ta loại nguyên con hàng bình ổn thị trường 84.000 đồng/kg, gà ta mái 120.000 đồng/kg. Gà công nghiệp được pha lóc thành má đùi giá 45.000 đồng/kg; đùi góc tư giá 59.000 đồng/kg; đùi tỏi 77.000 đồng/kg…
Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, Nguyễn Văn Ngọc cho rằng cho rằng do qua nhiều khâu trung gian.
Đại diện Công ty Gà Bình Minh cho biết giá gà hơi rớt giá như vậy một phần do gà nhập khẩu nhiều, rẻ gần một nửa so với gà trong nước. Hơn nữa do nhiều hộ bị dịch tả heo châu Phi chuyển sang nuôi gà khiến cung vượt cầu nên xảy ra chuyện rớt giá. Mặt khác, nhiều người nuôi heo chuyển sang nuôi gà không có kinh nghiệp nên đã mua các con giống trôi nổi. Khi mua phải giống không chuẩn, cho ra gà không chất lượng. Vì vậy, gà này không thích hợp cho những doanh nghiệp mua gà lông mà chỉ những cơ sở giết mổ ưa chuộng vì trọng lượng lớn, giá rẻ.
Theo đại diện một siêu thị giải thích, các nhà cung cấp của các hệ thống siêu thị đã ký hơp đồng bao tiêu với hộ nuôi hoặc tự nuôi theo quy trình khép kín nên không giảm giá theo các hộ nuôi tự phát. Điều này cũng nhằm đảm bảo ổn định chi phí cho những người chăn nuôi tham gia trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, siêu thị vẫn áp dụng khuyến mãi một số mặt hàng 10%-15%. Riêng việc giảm giá chung cho các mặt hàng bình ổn thị trường thì các hệ thống cần chờ đánh giá diễn biến thị trường. Sau đó Sở Tài chính sẽ có phương án điều chỉnh giá phù hợp. Đại diện siêu thị Emart thì cho biết đang theo dõi tình hình giá gà giảm trên thị trường hiện nay để có sự điểu chỉnh phù hợp. Trong thời gian qua lượng gà tiêu thụ tại siêu thị tăng cao. Tháng 7 sản lượng tiêu thụ tăng gấp ba lần và tháng 8 tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Về thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam, theo nguồn tin từ báo Nông nghiệp Việt Nam, lãnh đạo Cục Thú y khẳng định: Thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam đã được kiểm soát chặt chẽ. Theo số liệu thống kê của Cục Thú y, 8 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 100.000 tấn thịt gà các loại, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Việc kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thịt gà nhập khẩu cũng như các loại thịt động vật khác nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam được kiểm soát chặt theo đúng quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y thế giới. Theo đó, các nhà máy giết mổ, chế biến thịt gà của các nước có nhu cầu xuất khẩu sang Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sau đó gửi hồ sơ của từng nhà máy cho Cục Thú y. Cục Thú y tiến hành thẩm định, kiểm tra, đánh giá hồ sơ đăng ký xuất khẩu của từng nhà máy (kết hợp với kiểm tra thực tế khi cần thiết). Nếu các nhà máy đạt yêu cầu thì mới được đưa vào danh sách được phép xuất khẩu thịt vào Việt Nam (việc thẩm định, đánh giá được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu).
Việc kiểm dịch sản phẩm thịt gà nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN-PTNT, tất cả các lô hàng thịt đông lạnh nhập khẩu đều được lưu giữ ở khu vực cửa khẩu nhập và được các cơ quan thú y cửa khẩu kiểm tra, kiểm soát. Các cơ quan thú y cửa khẩu lấy mẫu các lô hàng thịt nhập khẩu để xét nghiệm các chỉ tiêu lý hóa, cảm quan, vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm và gây bệnh theo quy định, nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm các yêu cầu mới được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Bên cạnh đó, định kỳ, Cục Thú y chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu xây dựng kế hoạch giám sát, tổ chức lấy mẫu kiểm tra các chất tồn dư trong thịt nhập khẩu. Kết quả kiểm tra, giám sát năm 2018: Có 399/399 (100%) lượt mẫu thịt lợn, 616/616 (100%) lượt mẫu thịt bò, 315/315 (100%) lượt mẫu thịt trâu, 716/716 lượt mẫu thịt gà kiểm tra các chất tồn dư đạt yêu cầu. Còn kết quả kiểm tra, giám sát trong 8 tháng đầu năm 2019 cho thấy, có 132/132 (100%) lượt mẫu thịt gà, 85/85 (100%) lượt mẫu thịt lợn, 180/180 (100%) lượt mẫu thịt trâu bò nhập khẩu từ các nước kiểm tra các chất tồn dư đều đạt yêu cầu.
Nguồn: VITIC/Nông nghiệp Việt Nam, Pháp luật online

Nguồn: Vinanet