Tuy nhiên, trên thực tế, giá gạo trong nước chỉ biến động tăng nhẹ trong thời gian ngắn.

Theo phân tích của một số chuyên gia ngành gạo, với số lượng gạo trúng thầu vừa qua tại Philippines, giá 370 USD/tấn loại 25% tấm, đó là chưa tính đến chi phí bao bì, chế biến, giám định và vận chuyển. Nếu tính cả các chi phí này và cả phí vận chuyển đến tận kho của Philippines, thì giá gạo tăng lên từ 420 - 430 USD/tấn.

Như vậy, doanh nghiệp trúng thầu phải giải quyết bằng hai phương án, hoặc đã có sẵn số lượng trong kho rồi mới tham dự đấu thầu, hoặc sẽ phải mua nguyên liệu với giá cao trong khoảng thời gian ngắn.

Ông Trương Thanh Phong, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Cố vấn Tập đoàn Golden Resources Development International LTd. H.K cho biết, vụ lúa Hè Thu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch gần xong, chỉ còn một vài nơi chưa thu hoạch nhưng phải chạy lũ sớm.

Trong khi đó, vụ Thu Đông đến 2 tháng nữa mới có thể bắt đầu thu hoạch. Với điều kiện sản xuất như vậy, sản lượng lúa Hè Thu sẽ giảm và chất lượng không cao nên giá lúa thời điểm này sẽ tăng nhưng không nhiều.

Theo thông tin của các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, hiện giá lúa mà thương lái thu mua của người nông dân dao động từ 5.600 - 6.000 đồng/kg đối với giống lúa thơm, còn giống OM có giá dao động từ 4.900 - 5.300 đồng/kg tùy loại. Với mức giá thu mua hiện nay, thì giá lúa tăng bình quân khoảng 250 đồng/kg so với trung tuần tháng 7.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong thời gian tới vẫn còn nhiều gói thầu từ các nước Iraq, Bangladesh cũng như Sri Lanka giữa hai vụ lúa Hè Thu và Thu Đông của Việt Nam và vụ chính của Thái Lan.

Những gói thầu sắp tới là khá lớn, điển hình như Sri Lanka sẽ đấu thầu 500.000 tấn; trong đó 300.000 tấn theo thỏa thuận của Chính phủ và 200.000 tấn theo nhập khẩu tư nhân; thị trường Bangladesh nhập khẩu 50.000 tấn gạo đồ; Iraq nhập khẩu 30.000 tấn gạo trắng 5% tấm.

Tuy nhiên, theo tính toán của các thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam, vụ chính tháng 8 và tháng 9 của Thái Lan có thể đạt 4 triệu tấn gạo. Nên có thể có sự cạnh tranh mạnh về giá giữa gạo Thái Lan và gạo Việt Nam trong quý III này.

Ông Trương Thanh Phong cho biết, với những quyết định nhập khẩu và đấu thầu của các quốc gia trên thì gạo của Việt Nam vẫn có thể tiêu thụ tốt cho đến cuối năm 2017. Thế nhưng, để có thể tiếp tục tham gia đấu thầu các hợp đồng tập trung này thì phía Việt Nam phải chuẩn bị kỹ hơn nữa.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần nắm thông tin chặt chẽ nhất để hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia đấu thầu với giá tốt nhất, mang lại lợi nhuận cao nhất cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đây cũng là mang lại lợi nhuận cho ngành gạo trong nước, mặc dù trước mắt vẫn phải tiếp tục cạnh tranh với Thái Lan.

Theo ông Lâm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, Bến Tre, hiện tại gạo cấp cao của Việt Nam vốn khó cạnh tranh với gạo cấp cao của Thái Lan, còn gạo cấp thấp thì không thể cạnh tranh với Ấn Độ.

Trong khi vụ lúa của Việt Nam đang đối phó với lũ thì Thái Lan lại được dự báo có sản lượng lớn. Với điều kiện nước tưới, đất đai thuận lợi để mở rộng diện tích, thì dự báo sản lượng gạo của Thái Lan sẽ tăng vọt.

Trước tháng 8, giá gạo bán ra của Thái Lan là 420 USD/tấn, thời điểm này chỉ còn 403 USD/tấn. Dự báo giá gạo xuất khẩu của Thái Lan sẽ còn giảm khi vào thu hoạch rộ chính vụ và có thể xuống còn 390 USD/tấn. Với mức giá này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo Việt Nam phải tính kỹ lưỡng chi phí và tỷ lệ hao hụt để thu mua gạo cho xuất khẩu.

Nguồn: BNEWS/TTXVN