Thời gian qua, giá tôm nguyên liệu và cá tra liên tục giảm. Cụ thể, tôm thẻ chân trắng ướp đá giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg, cá tra giảm 5.000 - 8.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá tôm nguyên liệu và cá tra tăng cao so với các tháng đầu năm.
Cụ thể, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, khu vực ĐBSCL giá 95.000đ; Khu vực miền Trung, 100.000 - 115.000đ; Khu vực miền Bắc 100.000 - 120.000đ/kg. Tôm sú loại 40 con/kg giá 183.000 - 255.000đ/kg; tăng mạnh nhất là tôm thẻ loại 30 - 40 con/kg với giá 140.000 - 160.000đ/kg, tăng 25.000đ/kg so với tháng 8/2019.
Theo VoV.vn, nguyên nhân khởi sắc trở lại, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, trước thực trạng khó khăn về giá, sức tiêu thụ giảm nên người nuôi và doanh nghiệp giảm diện tích nuôi.
Một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Ecuador... tiếp tục được mùa tôm, chi phí sản xuất thấp, nguồn cung dồi dào làm giảm giá tôm. Trong khi đó, giá thành sản xuất tôm nguyên liệu nước ta vẫn cao hơn các nước khác. Một số doanh nghiệp nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ có giá rẻ hơn dẫn đến tôm nguyên liệu trong nước bị cạnh tranh, dư cung.
Đối với cá ba sa, do giá duy trì ở mức cao liên tục trong 2 năm 2017 - 2018, nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi đầu tư nguồn lực mở rộng diện tích nuôi, làm giá giảm. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu tăng rào cản kỹ thuật. Trung Quốc siết chặt quản lý nhập khẩu biên mậu; tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Một số quốc gia nuôi cá tra khác như Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh đã đầu tư phát triển cá tra, đặc biệt Indonesia bắt đầu xây dựng, quảng bá dòng cá tra sạch và chiếm lĩnh thị trường Trung Đông. Saudi Arabia vẫn đóng cửa đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam, trong đó có sản phẩm cá tra.
Vì thế ông Trần Đình Luân đưa ra giải pháp phát triển tôm và cá tra theo hướng giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng để tăng khả năng cạnh tranh.
10 tháng năm 2019, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 7,09 tỷ USD, giảm nhẹ gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi cá ngừ tăng 12,7%, các mặt hàng chủ lực khác đều sụt giảm. Đặc biệt, xuất khẩu tôm giảm 6,4%, cá tra giảm 10%. Dự kiến cả năm nay xuất khẩu tôm sẽ đạt 4,1 tỷ USD; cá tra đạt 2,3 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm đạt khoảng 9,4 - 9,6 tỷ USD.
Cảnh báo và chiến lược phát triển từng thị trường thủy sản
Nửa đầu năm nay, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tại các thị trường cao, nguồn cung từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập khẩu tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái. Giá tôm của ta xuất sang các nước đều giảm 1 USD/kg so với năm 2018. Tại Anh giảm từ 12 USD xuống 11 USD, tại Đức giảm từ 10,8 USD xuống 9,8 USD, tại Hà Lan giảm từ 11 USD xuống 9,57 USD/kg. Tại thị trường Nhật Bản, giá trung bình xuất khẩu cũng giảm từ 12 USD xuống 11 USD. Tuy nhiên, so với các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, giá tôm vào EU của Việt Nam vẫn cao hơn 15 - 20% (1 - 2 USD/kg); so với các nguồn cung tôm châu Á và Mỹ Latinh cho thị trường Mỹ, giá tôm Việt Nam vẫn ở mức cao nhất.
Xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ cần thống nhất duy trì tốc độ tăng trưởng không quá lớn so với tốc độ phát triển của ngành. Nếu không, rủi ro về bị áp thuế có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, từ Chính phủ Mỹ hoặc từ nguyên đơn. Nó đòi hỏi sự chia sẻ vì quyền lợi chung, không thể vì lợi ích ngắn hạn làm ảnh hưởng toàn ngành.
Thị trường EU, tận dụng thế mạnh là hàng chế biến cao cấp bình thường có mức thuế cao như tôm luộc (thuế cơ bản 20%, có GSP còn 7%), còn ta có hiệp định thương mại tự do thuế 0%. Sản phẩm này đối thủ bị thuế cao, sự chênh lệch giá thành nhập khẩu lớn.
Còn cá tra, cần có chiến lược quốc gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, khi thị trường đã chiếm lĩnh 32% giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam và dự báo có thể tăng lên đến 35% thị phần.
Xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vào nửa cuối năm khi lượng tồn kho giảm, nhu cầu tăng và sản lượng tôm ở Ấn Độ được dự báo giảm 20 - 30% do ảnh hưởng thời tiết và do giá giảm, ngoài ra các doanh nghiệp Việt Nam có thể đã kịp nắm bắt tình hình và điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc.
Nguồn: VITIC