Xuất khẩu hải sản tăng khoảng 10% trong năm 2019
Theo vov.vn, dự kiến, xuất khẩu hải sản của Việt Nam năm 2019 tăng khoảng 10% so với năm 2018. Xuất khẩu hải sản đạt 2,9 tỷ USD trong 11 tháng năm 2019, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng tháng 11/2019 đạt gần 282 triệu USD, tăng 2% so với tháng 11/2018. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ 59,4 triệu USD, tăng 5,3%, xuất khẩu cá biển khác (trừ cá ngừ) đạt 143,3 triệu USD, tăng 6,3%. Tuy nhiên, xuất khẩu mực, bạch tuộc và nhuyễn thể lại giảm lần lượt 19,3% và 14,8%.
Xuất khẩu cá ngừ đạt 668,9 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 44,5% trong tổng giá trị cá ngừ của Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường. EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2, chiếm 19,2%. Lũy kế 11 tháng năm 2019, xuất khẩu mực, bạch tuộc đạt 531,2 triệu USD. Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 39,9% tổng số mực, bạch tuộc xuất khẩu của Việt Nam.
Xuất khẩu hải sản sang EU vẫn bị tác động bởi thẻ vàng IUU, tuy nhiên, các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác. Dự kiến tháng 6/2020, Ủy ban Châu Âu sẽ cử đoàn thanh tra lần 3 sang làm việc về việc thực hiện các khuyến cáo đưa ra đối với thủy sản Việt Nam.
Cuối năm xuất khẩu tôm và cá ngừ đảo chiều nhích nhẹ
Thông tin từ baodautu.vn, theo Vasep, sau mấy tháng giảm liên tục, xuất khẩu tôm và cá ngừ tháng 11 đảo chiều tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018.
Tháng 11/2019, xuất khẩu tôm tăng 1,5% đạt gần 309 triệu USD. Luỹ kế 11 tháng năm nay đạt 3,1 tỷ USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 11/2019, trong Top 9 thị trường chính nhập khẩu tôm Việt Nam, xuất khẩu tôm đồng loạt tăng ở 7 thị trường chính trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia tăng trưởng hai con số, 2 thị trường vẫn giảm là Nhật Bản và Hàn Quốc. xuất khẩu sang EU sau khi sụt giảm trong nhiều tháng cũng đã tăng trong tháng 11. Cụ thể, tháng 11/2019 tăng 1,3% đạt 55,7 triệu USD. Trong 3 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối EU (Anh, Hà Lan, Đức), trong tháng 11/2019, xuất khẩu sang Anh và Đức tăng lần lượt 3% và 10%, xuất khẩu sang Hà Lan giảm 20,7%.
EU chiếm khoảng 31% tổng nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 21% xuất khẩu tôm của Việt Nam. Nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020.
Tháng 11 xuất khẩu tôm sang Mỹ cũng tăng, tính chung 11 tháng năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 1,3% đạt 601,5 triệu USD. VASEP nhận định, kết quả khả quan về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ trong POR 13 đã góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này. xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ dự kiến tăng khoảng 5% trong quý cuối năm nay.
VASEP cũng cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 11/2019 đạt hơn 54,4 triệu USD, tăng 17,6%. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong số 6 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam. Tính chung 11 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt hơn 493 triệu USD, tăng 9,6%.
VASEP nhận định, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn cuối năm 2019 và đầu năm 2020 dự kiến vẫn duy trì đà tăng trưởng do nhu cầu nhập khẩu tôm nguyên liệu và chế biến từ Trung Quốc vẫn cao để phục vụ Tết Nguyên đán. Xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc vào những tháng cuối năm. xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm 2019 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018.
Xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 59 triệu USD
Theo VASEP, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 11/2019 đạt hơn 59 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường chính trong tháng này cũng đã khởi sắc. Cụ thể, tháng 11/2019, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng trưởng tốt sau khi chững lại trong tháng 10. Giá trị xuất khẩu tăng 15,6% so với cùng kỳ. Xu hướng thị trường cá ngừ Mỹ năm nay tích cực hơn, đặc biệt tại phân khúc cá ngừ tươi sống đông lạnh. Do đó, nhập khẩu cá ngừ của Mỹ từ các nguồn cung chính hầu hết đều tăng trong giai đoạn này.
Cùng với Mỹ, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN trong tháng 11 tăng trưởng cao bất ngờ, tăng gần 114% so với cùng kỳ năm 2018. Nhờ đó tổng giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này trong 11 tháng đã tăng 4,6% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân của sự tăng trưởng mạnh trong tháng 11, VASEP cho rằng, do Thái Lan tăng nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam. Riêng trong tháng 11, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Thái Lan tăng 98%.
Ở thị trường Nhật Bản, nếu như năm ngoái, xuất khẩu khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản giảm liên tục trong những tháng cuối năm thì năm nay xu hướng tăng trưởng tích cực hơn. Tháng 11, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản tăng 58% so với cùng kỳ, nhờ đó tính tổng 11 tháng xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn tăng 11,7%.
Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu cá ngừ chế biến sang Nhật Bản. Hiện Việt Nam đang là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các nước Đông Nam Á xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang thị trường này. Việt Nam hiện đang xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm loin cá ngừ mắt to hấp đông lạnh, cá ngừ đóng túi làm thức ăn cho vật nuôi… sang thị trường này trong thời gian gần đây.
Giá tôm năm 2020 sẽ được cải thiện
Vietnambiz.vn đưa tin, theo Tổng Cục Thủy sản, cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Theo Tổng Cục Thủy sản, diện tích nuôi cả nước trong năm 2019 ước đạt 720 nghìn ha, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 750 nghìn tấn, bằng 98,3% so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng tôm sú là 270.000 tấn, tôm chân trắng 480.000 tấn. Cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Trong 2020, Tổng Cục Thủy sản đặt mục tiêu tôm nước lợ 730 nghìn ha, tăng nhẹ 10.000 ha so với năm 2019.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), sau khi giảm liên tục trong ba tháng 8, 9, 10, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 11 đảo chiều tăng nhẹ so với cùng kì năm 2018.
Tháng 11, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng nhẹ 1,5% đạt gần 309 triệu USD. Tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm đạt 3,1 tỉ USD, giảm 5,7% so với cùng kì năm ngoái. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2019, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 69,9%, tôm sú chiếm 20,6% và còn lại là tôm biển.
VASEP nhận định xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc vào những tháng cuối năm. Xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm 2019 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỉ USD, giảm 4% so với năm 2018.
Tổng Cục Thủy sản cho biết giá tôm giống vẫn giữ mức ổn định ở mức từ 70-120 đồng/con. Tính đến hết 30/11, số lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu là 198.414 con, không đổi so với cùng kì năm ngoái. Tôm bố mẹ được nhập chủ yếu từ Mỹ, Singapore và Thái Lan.
Thủy sản Việt Nam có nguy cơ không vào được EU
Theo vtv.vn, các DN thủy sản đang đứng ngồi không yên khi EU vừa đưa ra quy định mới về việc siết chặt chất Ethoxyquin, chất chống oxy hóa giúp bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản.
Từ ngày 31/3/2020, EU quy định Ethoxyquin sẽ không được sử dụng trong tất cả các loại thức ăn thủy sản. Như vậy, các doanh nghiệp thủy sản trong nước rất khó xuất khẩu vào EU vì hiện các sản phẩm thức ăn thủy sản đều sử dụng chất này để bảo quản.
Trước tình hình này, Tổng Cục Thủy sản đã có văn bản khẩn yêu cầu ngành nông nghiệp các địa phương, VASEP cùng các đơn vị sản xuất thức ăn phải tăng cường thông tin hướng dẫn và có kế hoạch sản xuất phù hợp với quy định mà EU đưa ra.

Nguồn: VITIC