Thịt lợn sạch của Nga sẽ về Việt Nam từ tuần sau
Theo vtv.vn, lô hàng thịt lợn của Nga dự kiến sẽ về Việt Nam vào tuần sau. Theo đó, sẽ có 500.000 tấn thịt lợn đông lạnh Nga sang Việt Nam trong năm 2020. Đây là thông báo từ Tập đoàn Miratorg, một trong những nhà cung cấp thịt gia súc và gia cầm lớn nhất Liên bang Nga, tại cuộc làm việc với Bộ NN&PTNT vào chiều tối 6/3 tại Hà Nội. Thịt lợn từ Nga sẽ được vận chuyển bằng đường sắt, lâu nhất trong 30 ngày là đến Việt Nam nên giá bán rất cạnh tranh. Từ năm 2021, nếu Việt Nam cần, tập đoàn sẽ cung cấp nhiều thịt lợn hơn thay vì chỉ 500.000 tấn/năm.
Tập đoàn Miratorg có 93 cơ sở chăn nuôi theo mô hình chuỗi an toàn khép kín từ giống, thức ăn đến chế biến thịt. Các lò mổ của tập đoàn này có công suất 520 con/h, đạt an toàn sinh học cấp 4, cấp gần cao nhất theo tiêu chuẩn của Nga. Việc thịt lợn an toàn của Nga được nhập về sẽ góp phần bình ổn thị trường thịt lợn Việt Nam đang có dấu hiệu "làm giá" trong tuần qua.
Nhập khẩu thịt vào Việt Nam có cần Hiệp định Thú y?
Thông tin từ nongnghiep.vn, theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), không nhất thiết phải có ký kết hiệp định thú y giữa hai nước mới được phép xuất nhập khẩu thịt làm thực phẩm với Việt Nam.
Sau khi Ban điều hành giá của Chính phủ yêu cầu liên Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT phối hợp trong quý 1/2020 nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt lợn nhằm bình ổn giá lợn hơi trong nước, rất nhiều bạn đọc, doanh nghiệp quan tâm tới cơ hội kinh doanh ở lĩnh vực này.
Cục Thú y cho biết, việc xuất nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật (thịt) để làm thực phẩm giữa Việt Nam và các nước đầu tiên phải đáp ứng các điều kiện về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và theo yêu cầu cụ thể của từng đối tác xuất nhập khẩu, không nhất thiết phải ký kết Hiệp định về Thú y giữa hai nước. Cụ thể, điều kiện và quy trình nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật từ các nước vào Việt Nam phải theo đúng quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y thế giới
Để đạt mục tiêu nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn trong quý 1/2020, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn hàng có giá cả hợp lý tại các nước có thế mạnh xuất khẩu thịt.
Đặc biệt, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, bởi thuế nhập khẩu thịt tại một số nước vào Việt Nam hiện đang ở mức khá cao. Ngoài ra, phía Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi do đặc thù việc tiêu thụ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu thời gian quay vòng vốn thường lâu hơn thịt lợn ấm truyền thống.
Xuất khẩu rau, quả sang Hoa Kỳ: Tiềm năng còn rất lớn
Theo congthuong.vn, đến nay, 6 loại trái cây tươi đã được XK sang Hoa Kỳ, bao gồm xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa và thanh long. Bên cạnh đó, nhiều loại rau, quả khác đang được Việt Nam tiếp tục đàm phán để XK sang thị trường tiềm năng này
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Công Thương cho thấy, trong 10 thị trường XK rau, quả lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2020 thì Hoa Kỳ xếp thứ 4. Tháng 1/2020, kim ngạch XK rau, quả Việt Nam sang thị trường này đạt 10.933 nghìn USD, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù XK rau, quả giảm nhưng tỷ trọng XK sang Hoa Kỳ vẫn tăng 3,9% so với tháng 1/2019.
Mặc dù XK các loại quả của Việt Nam trong cơ cấu chủng loại quả mã HS 081090 của Hoa Kỳ tăng trưởng đều qua các năm, nhưng vẫn còn quá thấp so với nhu cầu thực tế tại thị trường này. Do đó, Cục XNK nhận định, DN XK trong nước vẫn còn cơ hội gia tăng thị phần trong thời gian tới.
Hoa Kỳ hiện là thị trường NK rau, quả lớn thứ 2 của Việt Nam sau Trung Quốc. Năm 2019, XK mặt hàng rau, quả của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 150 triệu USD, tăng 7,2% so với 2018.
Xuất khẩu cao su tăng vọt gần 145% trong nửa đầu tháng 2/2020
Thông tin từ cafef.vn, trong 15 ngày đầu tháng 02/2020, xuất khẩu cao su của cả nước đạt 42,69 nghìn tấn, trị giá 62,43 triệu USD, tăng 144,9% về lượng, và tăng 139,3% về trị giá so với 15 ngày trước đó; tăng 99,3% về lượng và tăng 124,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu cao su 15 ngày đầu tháng 02/2020 bình quân ở mức 1.462 USD/tấn, giảm 2,3% so với 15 ngày trước đó, nhưng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/02/2020, xuất khẩu cao su của cả nước đạt 132,62 nghìn tấn, trị giá 193,54 triệu USD, giảm 25,8% về lượng và giảm 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019; giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.459 USD/tấn, tăng 14,5% so với mức giá xuất khẩu trung bình của cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu cao su của Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc, nên bất kỳ sự biến động nào về nhu cầu cao su của thị trường này cũng tác động lớn tới ngành cao su Việt Nam. Dự báo, quý 1/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, do cây cao su đang bước vào mùa thấp điểm (từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm), sản lượng giảm nên những rủi ro về xuất khẩu cũng hạn chế phần nào. Theo thống kê, quý I của năm 2018 và năm 2019, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 15% - 20% tổng lượng cao su xuất khẩu sang thị trường này cả năm.

Nguồn: VITIC