Thủ tướng yêu cầu giảm giá thịt heo
Theo vietnambiz.vn, mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản chỉ đạo gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Bộ ngành liên quan về tình hình giá thịt heo. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Thông tin và Truyền thông nghiên cứu nội dung báo cáo và kiến nghị của Tổng cục Thống kê để phục vụ hoạt động tham mưu, chỉ đạo điều hành; bảo đảm sớm giảm giá thịt heo theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Bộ Công Thương và các cơ quan chỉ đạo cung cấp đầy đủ số lượng, chất lượng đảm bảo giá cả cho người dân không được để tăng giá, trong khi giá thành sản xuất thịt heo thấp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng cục Thống kê chủ động cung cấp thông tin, đề xuất các giải pháp để bảo đảm kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao và gửi Bộ Tài chính (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá) để tổng hợp báo cáo chung và gửi các Bộ, cơ quan liên quan.
Tăng nhập khẩu để kiểm soát giá thịt lợn
Theo bnews.vn, ngày 11/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình nguồn cung và kiểm soát giá thịt lợn. Tổng sản lượng thịt các loại nhập khẩu từ các nước tính đến ngày 29/2 là 65.865 tấn; trong đó thịt lợn và sản phẩm thịt lợn là 13.816 tấn, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019; thịt trâu, bò và sản phẩm thịt trâu, bò cũng tăng đạt 12.459 tấn. Riêng thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu giảm và đạt hơn 26.656 tấn.
Về đàm phán tăng nhập khẩu thịt lợn từ các nước, từ cuối năm 2019, Bộ đã phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan hỗ trợ, thúc đẩy nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ và các nước Braxin, Đức, Liên bang Nga, Australia... Tháng 1/2020, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thú y làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của Lào và Campuchia để xúc tiến các thủ tục nhập khẩu lợn sống từ các nước này theo nguyên tắc bảo đảm tuân thủ các quy định và không có nguy cơ về dịch bệnh.
Bên cạnh đó, trong chuyến công tác của Bộ sang Hoa Kỳ (từ ngày 24-28/2) để thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước có nội dung tăng nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ.
Mới đây, ngày 6/3, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp và làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Miratorg của Liên bang Nga về hợp tác thúc đẩy xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông lâm thủy sản; trong đó có nội dung Tập đoàn này dự kiến cuối tháng 3/2020 sẽ có các lô hàng thịt lợn xuất khẩu sang Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 10/3, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018).
Ngành nông nghiệp chuẩn bị cho nhu cầu lương thực, thực phẩm sau dịch COVID-19
Theo vietnambiz.vn, sau dịch bệnh bao giờ cũng có nhu cầu lương thực, thực phẩm lớn, có thể nói là nhu cầu bùng nổ, vì vậy, cần chuẩn bị để có nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 5,34 tỉ USD, giảm 2,8% so với cùng kì năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 4,3 tỉ USD, giảm 6,7% so với cùng kì năm 2019. Thặng dư thương mại 2 tháng đạt 1,02 tỉ USD, tăng 18,4% so với cùng kì năm trước.
Dự báo thời gian tới, kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm. Các nền kinh tế chủ chốt đối mặt với nhiều khó khăn. Sự bùng phát của dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới.
Trong khi đó, ngành nông nghiệp trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng tới ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, dịch tả heo châu Phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên vẫn gây khó khăn cho công tác tái đàn.
Theo Bộ NN&PTNT dịch COVID-19 đã thành đại dịch, hết sức nguy hiểm, gây ra hai vấn đề bao trùm là đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân trên toàn cầu và làm rối loạn nền kinh tế thế giới. Dịch này tác động đến hầu hết các quốc gia. Do đó nhiệm vụ đặt ra là đảm bảo hạn chế thấp nhất thách thức nêu trên đồng thời đảm bảo tăng trưởng.
Nuôi cá tra gặp khó
Theo thông tin từ congthuong.vn, giá cá tra giảm sâu suốt từ đầu năm 2019 đến nay khiến người nuôi gặp khó, một số hộ nuôi đã bỏ ao, chờ giá lên mới tiếp tục thả mới.
Diễn biến giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL là một biểu đồ đi xuống. Trong đó, mức giá cao nhất vào giữa tháng 2/2019, khoảng 34.000 - 34.500 đồng/kg. Sau đó, giảm dần và rơi xuống mức thấp nhất vào cuối tháng 11/2019, từ 19.000-19.500 đồng/kg. Tháng 12/2019, giá cá tăng nhẹ thêm khoảng 1.000 đồng/kg, lên mức từ 20.000-20.500 đồng/kg. Theo đó, giá cá nguyên liệu đã giảm khoảng 44% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, đến giữa tháng 2/2020, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL dao động ở mức 19.500 đồng/kg. Thậm chí có nơi, giá ở mức 17.500 đồng/kg, giảm 42,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân do Trung Quốc là thị trường cá tra lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên việc XK sang thị trường này đang bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Giá cá tra phile đông lạnh XK cũng biến động tăng, giảm theo giá cá nguyên liệu. Trong đó, mức giá XK cao nhất rơi vào tháng 2 và 3/2019 với mức 2,95-2,98 USD/kg. Tuy nhiên, quý IV/2019, giá XK đã giảm xuống còn khoảng 2,2 USD/kg.
Trước tình hình trên, VASEP khuyến cáo người nuôi chủ động giảm khoảng 10% sản lượng so với năm 2019, để sản lượng cá tra năm 2020 ở mức 1,2 triệu tấn.

Nguồn: VITIC