Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 11/2019 sụt giảm 7,6% so với tháng 10/2019, nhưng tăng 14,5% so với cùng tháng năm 2018, đạt 958,25 triệu USD.
Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 9,53 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, riêng sản phẩm gỗ xuất khẩu đạt 6,93 triệu USD, chiếm 72,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 11 tháng đầu năm nay có 3 thị trường tiêu thụ nhiều nhất gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, với kim ngạch trên 1 tỷ USD đó là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản; trong đó, xuất sang Mỹ đạt 4,73 tỷ USD, chiếm 49,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 35,2% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang Nhật Bản 1,2 tỷ USD, chiếm 12,6%, tăng 15,7%; xuất khẩu sang Trung Quốc 1,04 tỷ USD, chiếm 10,9%, tăng 4,3%.
Nhìn chung, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 11 tháng đầu năm nay sang đa số các thị trường tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, xuất khẩu sang thị trường Áo tăng mạnh nhất 48,7%, đạt 1,63 triệu USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu còn tăng mạnh ở một số thị trường như: Saudi Arabia tăng 42,6%, đạt 34,89 triệu USD; Hy Lạp tăng 38,4%, đạt 3,45 triệu USD; Séc tăng 30,8%, đạt 2,24 triệu USD.
Ngược lại, xuất khẩu giảm mạnh ở một số thị trường: Thổ Nhĩ Kỳ giảm 78,8%, đạt 2,07 triệu USD; Hồng Kông giảm 44,6%, đạt 4,02 triệu USD; Malaysia giảm 32,1%, đạt 64,37 triệu USD.
Theo phân tích của các chuyên gia, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cùng với việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA) đã góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam. Đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực chế biến gỗ tăng rất nhanh, đặc biệt kể từ năm 2018 trở lại đây; trong số các quốc gia đầu tư, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là quốc gia có số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư lớn. Tính đến hết tháng 9/2019, ngành gỗ Việt Nam nhận được 67 dự án đầu tư mới, với tổng số vốn đầu tư trên 581 triệu USD, cao hơn 2,3 lần so với tổng vốn đăng ký cả năm 2018.
Để mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp FDI đã quyết định tăng vốn đầu tư, trong đó Hồng Kông (Trung Quốc) là vùng lãnh thổ có số lượt tăng vốn nhiều nhất với 10 lượt tăng vốn, tăng gấp 3 lần so với năm 2018; tiếp đến là Trung Quốc, Mỹ và British Virgin Island. Tổng số vốn tăng trong 9 tháng năm 2019 đạt 200,4 triệu USD, cao hơn gần 1,8 lần số vốn tăng của năm 2018.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Mỹ áp thuế từ 10 - 25% với sản phẩm gỗ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ khiến các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc hầu như không thể chịu nổi. Để tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ, họ buộc phải chuyển dịch đầu tư sang các nước khác, trong đó điển hình là Việt Nam. 
Thị phần xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 11 tháng đầu năm 2019 

Nguồn: VITIC