Giá TĂCN & NL thế giới tháng 6/2020 tăng tháng đầu tiên trong 5 tháng so với tháng trước đó và cùng tháng năm ngoái. Tính chung, giá TĂCN & NL thế giới quý 2/2020 giảm so với quý trước đó, với giá ngô giảm 13,26%, đậu tương giảm 5,06% và lúa mì giảm 8,31%, song bột cá tăng 0,76%. Nguyên nhân chính do nhu cầu toàn cầu tăng làm lu mờ thông tin điều kiện thời tiết thuận lợi hỗ trợ năng suất cây trồng ngô và đậu tương tại Mỹ và dự kiến sản lượng ngô của Mỹ – nước xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới – niên vụ 2020/21 sẽ đạt mức cao kỷ lục 406,29 triệu tấn, tăng 17% so với ước tính niên vụ trước. Mặc dù dịch tả lợn Châu Phi đã khiến hơn 1/2 số lượng đàn lợn của Trung Quốc – nước tiêu thụ TĂCN & NL hàng đầu thế giới - bị tiêu hủy, song ngành chăn nuôi của nước này đã dần hồi phục đẩy nhu cầu TĂCN & NL tăng và hỗ trợ giá.
Ngô: Trong tháng 6/2020, giá ngô tại Chicago ở mức 145,8 USD/tấn, tăng 1,6% so với tháng 5/2020, song giảm mạnh 25,26% so với tháng 6/2019. Tính chung trong quý 2/2020, giá ngô giảm 13,26% so với quý trước đó. Nguyên nhân chính là do giá dầu thô tăng mạnh khiến nhu cầu ethanol sản xuất từ ngô tăng, mặc dù dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2020/21 tăng mạnh so với ước tính niên vụ trước đó.
Lúa mì: Giá lúa mì biến động trái chiều, giảm tại thị trường Chicago và EU, duy trì vững tại Nga do nguồn cung toàn cầu dồi dào, trong khi nhu cầu giảm bởi đại dịch Covid-19 lây lan mạnh. Trên sàn Chicago, giá lúa mì trong tháng 6/2020 giảm 1,55% so với tháng 5/2020 và giảm 3,2% so với tháng 6/2019 xuống 215,3 USD/tấn. Tính chung, giá lúa mì trong quý 2/2020 giảm 8,31% so với quý 1/2020 song tăng 5,75% so với quý 2/2019. Đồng thời, giá lúa mì kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Euronext (Pháp) giảm 1 euro tương đương 0,5% xuống 180,25 euro (202,91 USD)/tấn, do thời tiết mưa, giảm bớt lo ngại khô hạn khu vực châu Âu ảnh hưởng đến năng suất cây trồng lúa mì. Xuất khẩu lúa mì mềm của EU từ tháng 7/2019 đến 15/6/2020 đạt 33,06 triệu tấn.
Trong khi đó, giá xuất khẩu lúa mì loại 12,5% protein của Nga kỳ hạn tháng 7/2020 trong tuần tính đến ngày 12/6/2020 đạt 205 USD/tấn, FOB, tăng 0,5 USD/tấn so với tuần trước đó. Kể từ đầu niên vụ 2019/20 đến tuần kết thúc ngày 12/6/2020, Nga đã xuất khẩu 35,6 triệu tấn ngũ cốc, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó bao gồm 30,4 triệu tấn lúa mì.
Đậu tương: Trái với xu hướng giá lúa mì, giá đậu tương trên sàn Chicago trong tháng 6/2020 tăng 0,53% so với tháng 5/2020, song giảm 0,97% so với tháng 6/2019, xuống 359,2 USD/tấn. Tính chung, giá đậu tương trong quý 2/2020 giảm 5,06% so với quý trước đó, song tăng 1,64% so với quý 2/2019. Nguyên nhân chính do Trung Quốc – nước tiêu thụ TĂCN hàng đầu thế giới – nới lỏng các hạn chế sau nhiều tháng đóng cửa do virus corona gây ra. Cùng với đó, số đàn lợn của Trung Quốc đã dần hồi phục sau dịch tả lợn châu Phi bùng phát làm giảm hơn 1/2 số đàn lợn của nước này. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ giá. Trung Quốc cũng đặt mua một số lô hàng đậu tương của Mỹ trong năm nay để thực hiện cam kết theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã ký hồi đầu năm 2020.
Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong tháng 5/2020 tăng 27,4% lên 9,38 triệu tấn so với 7,36 triệu tấn tháng 5/2019. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/2019 (9,54 triệu tấn) và tăng so với 6,714 triệu tấn tháng 4/2020, phần lớn nhập khẩu từ nước cung cấp hàng đầu – Brazil – sau khi thời tiết tại nước Nam Mỹ này được cải thiện.
Xuất khẩu đậu tương Brazil trong tháng 4/2020 đạt 16,3 triệu tấn – mức cao kỷ lục 1 tháng và tăng so với 9,4 triệu tấn tháng 4/2019. Kỷ lục trước đó là 12,35 triệu tấn được thiết lập vào tháng 5/2018. Brazil – nước xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới – đã xuất khẩu 11,64 triệu tấn đậu tương trong tháng 3/2020.
Sản lượng đậu tương Trung Quốc năm 2020 sẽ đạt 18,1 triệu tấn, tăng 13,3% so với năm trước đó, trong khi khối lượng đậu tương nghiền ở mức 87,5 triệu tấn. Tiêu thụ đậu tương của Trung Quốc sẽ tăng đều đặn và tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu trong 10 năm tới.
Nhập khẩu đậu tương Trung Quốc trong năm 2020 dự kiến sẽ đạt 94 triệu tấn, tăng lên 96,62 triệu tấn năm 2025 và 99,52 triệu tấn năm 2029. Trung Quốc là nước mua và tiêu thụ đậu tương lớn nhất thế giới, thường nhập khẩu hàng triệu tấn đậu tương mỗi năm để nghiền thành khô đậu tương làm thức ăn chăn nuôi.
Bột cá: Giá bột cá tại thị trường Peru trong tháng 6/2020 tăng 0,56% so với tháng 5/2020, song giảm 8,47% so với tháng 6/2019 xuống 1.393,4 USD/tấn. Tính chung, giá bột cá trong quý 2/2020 tăng 0,76% so với quý 1/2020, song giảm 8,14% so với quý 2/2019. Nguyên nhân do nhu cầu bột cá giảm bởi dịch tả lợn châu Phi đã khiến một số lượng lớn đàn lợn ở hầu hết các châu lục suy giảm mạnh.
Cung – cầu: Mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục gia tăng, song Trung Quốc vẫn tăng mua nông sản của Mỹ như đã cam kết trong thỏa thuận thương mại đã ký hồi tháng 1/2020.
Cùng với đó là dịch bệnh tại một số quốc gia trên thế giới đã được kiểm soát và các biện pháp hạn chế được nới lỏng, song lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai gia tăng, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và kéo nhu cầu giảm. Trong đó, thị trường TĂCN & NL bị ảnh hưởng nặng nề, khiến hoạt động sản xuất cũng như hoạt động chăn nuôi bị đình trệ, giao thông tắc nghẽn gây ra sự khan hiếm cục bộ, mặc dù nguồn cung toàn cầu dồi dào khi hầu hết các nước sản xuất lớn kết thúc vụ thu hoạch bội thu.
Dự báo: Giá TĂCN & NL thế giới tháng 7/2020 sẽ tăng, khi đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu đã được kiểm soát và mới đây Trung Quốc tuyên bố có thể ngăn chặn được sự bùng phát mới của virus corona. Điều này thúc đẩy nhu cầu sản phẩm chăn nuôi tăng, cũng như thúc đẩy nhu cầu TĂCN & NL tăng.

Nguồn: VITIC