Dẫn nguồn thông tin từ Tổng cục Thống kê, vụ lúa đông xuân năm nay mặc dù diện tích gieo trồng tăng nhưng do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài trong giai đoạn lúa sinh trưởng dẫn đến năng suất và sản lượng toàn vụ giảm. Theo báo cáo của các địa phương, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước đạt 3.123,9 nghìn ha, tăng 21,8 nghìn ha so với vụ đông xuân trước; năng suất đạt 65,5 tạ/ha, giảm 0,9 tạ/ha; sản lượng toàn vụ đạt 20,5 triệu tấn, giảm 133,1 nghìn tấn.
Tính đến trung tuần tháng 9/2019, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.558,1 nghìn ha, bằng 96,5% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.075,9 nghìn ha, bằng 97,4%; các địa phương phía Nam đạt 482,2 nghìn ha, bằng 94,5%. Diện tích gieo cấy lúa mùa miền Bắc năm nay đạt thấp, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 497 nghìn ha, giảm 19,6 nghìn ha so với vụ mùa năm trước; Trung du và miền núi phía Bắc đạt 421,5 nghìn ha, giảm 2,6 nghìn ha; Bắc Trung Bộ đạt 157,4 nghìn ha, giảm 6,3 nghìn ha. Nguyên nhân chủ yếu do các địa phương chuyển một phần diện tích trồng lúa sang sử dụng cho mục đích khác[1]. Một số địa phương có diện tích lúa mùa giảm nhiều: Hà Nội giảm 5,4 nghìn ha; Thanh Hóa giảm 5,2 nghìn ha; Hải Phòng giảm 2,8 nghìn ha; Phú Thọ giảm 2,3 nghìn ha. Đến nay trà lúa mùa sớm ở miền Bắc đang trong giai đoạn chắc hạt và chín, đã thu hoạch được 176,5 nghìn ha, bằng 117,2% cùng kỳ năm 2018; năng suất ước tính đạt 50,2 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha.
Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 2.009,3 nghìn ha, giảm 43,7 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước do các địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển đổi mùa vụ[2], trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.569,1 nghìn ha, giảm 35,4 nghìn ha. Tính đến ngày 15/9/2019, các địa phương đã thu hoạch được 1.859 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 92,5% diện tích gieo cấy và bằng 98% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1.431,9 nghìn ha, chiếm 91,3% và bằng 98,4%. Theo báo cáo của các địa phương, năng suất lúa hè thu cả nước năm nay ước tính đạt 54,8 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2018, nhưng do diện tích gieo cấy giảm nên sản lượng chung toàn vụ hè thu 2019 ước tính đạt 11 triệu tấn, giảm 197 nghìn tấn, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 8,7 triệu tấn, giảm 96,6 nghìn tấn. Một số địa phương có diện tích gieo cấy lúa hè thu giảm nhiều: Kiên Giang giảm 14,4 nghìn ha; Tiền Giang giảm 11,9 nghìn ha; Bình Thuận giảm 4,7 nghìn ha; Đồng Tháp giảm 2,3 nghìn ha.
Đến giữa tháng Chín, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 607,1 nghìn ha lúa thu đông, bằng 104% cùng kỳ năm trước do năm nay nước lũ lên muộn và chậm nên tiến độ xuống giống vụ thu đông năm nay nhanh hơn năm trước. Một số địa phương có diện tích gieo cấy lúa thu đông tăng so với cùng kỳ năm trước: An Giang tăng 25 nghìn ha; Kiên Giang tăng 5 nghìn ha; Long An tăng 2,9 nghìn ha. Hiện tại lúa thu đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang ở giai đoạn trổ đều và bắt đầu cho thu hoạch.
Gieo trồng cây hoa màu đạt thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của thời tiết và do hiệu quả kinh tế đem lại không cao nên nông dân hạn chế gieo trồng. Tính đến giữa tháng Chín, cả nước gieo trồng được 960,9 nghìn ha ngô, bằng 96,7% cùng kỳ năm trước; 110,6 nghìn ha khoai lang, bằng 98%; 169,7 nghìn ha lạc, bằng 96%; 43,9 nghìn ha đậu tương, bằng 95,4%; 978,7 nghìn ha rau, đậu, bằng 101,7%.
Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước tính đạt 3.519,3 nghìn ha, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm cây công nghiệp đạt 2.205,5 nghìn ha, giảm 1%; nhóm cây ăn quả đạt 1.028 nghìn ha, tăng 7,5%; nhóm cây lấy quả chứa dầu đạt 177,9 nghìn ha, tăng 3,9%; nhóm cây gia vị, dược liệu đạt 49,2 nghìn ha, giảm 5,2%. Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản lượng điều ước tính đạt 284,9 nghìn tấn, tăng 6,9%; cao su đạt 823,8 nghìn tấn, tăng 4,6%; hồ tiêu đạt 269,1 nghìn tấn, tăng 2,4%; dừa đạt 1.211,4 nghìn tấn, tăng 2,1%; chè búp đạt 828,1 nghìn tấn, tăng 2,8%. Sản lượng thu hoạch một số cây ăn quả chủ yếu: Sản lượng xoài 9 tháng năm nay đạt 716,8 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; thanh long đạt 788,8 nghìn tấn, tăng 24,2%; cam đạt 472,8 nghìn tấn, tăng 10,4%; bưởi đạt 433,9 nghìn tấn, tăng 7,5%; chôm chôm đạt 308,2 nghìn tấn, tăng 2,9%; chuối đạt 1.761,5 nghìn tấn, tăng 1,7%; nhãn đạt 485,8 nghìn tấn, tăng 0,6%. Riêng sản lượng vải 9 tháng đạt 255,1 nghìn tấn, giảm 34,4%.
Đàn trâu cả nước trong tháng 9/2019 tiếp tục giảm 2,8% so với cùng thời điểm năm 2018 do hiệu quả kinh tế không cao và diện tích chăn thả bị thu hẹp. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 9 tháng ước tính đạt 70,5 nghìn tấn, tăng 3,1% (quý III đạt 19,3 nghìn tấn, tăng 3,4%). Đàn bò phát triển khá với mức tăng trong tháng đạt 2,4% do thuận lợi về giá cả và thị trường tiêu thụ, người chăn nuôi có lãi ổn định; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng 9 tháng đạt 264,9 nghìn tấn, tăng 4,2% (quý III đạt 72,4 nghìn tấn, tăng 5,3%); sản lượng sữa bò 9 tháng đạt 768,7 nghìn tấn, tăng 9,3% (quý III đạt 260,4 nghìn tấn, tăng 11,6%). Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt do có thị trường tiêu thụ, không có dịch bệnh lớn xảy ra, người chăn nuôi yên tâm mở rộng quy mô đàn, đặc biệt khi dịch bệnh ở lợn diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ thịt và trứng gia cầm tăng mạnh do người dân chuyển sang sử dụng thay thế thịt lợn. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước trong tháng Chín tăng 10,5% so với cùng thời điểm năm 2018; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng 9 tháng ước tính đạt 931,4 nghìn tấn, tăng 13,5% (quý III đạt 253 nghìn tấn, tăng 19,2%); sản lượng trứng gia cầm 9 tháng đạt 9,2 tỷ quả, tăng 10% (quý III đạt 2,4 tỷ quả, tăng 11,5%). Hiện nay, thời tiết đang ở thời điểm giao mùa, mưa nhiều, độ ẩm cao là môi trường thuận lợi để các chủng vi rút tồn tại, phát sinh, người chăn nuôi cần sử dụng các biện pháp để vệ sinh chuồng trại và tăng sức đề kháng cho đàn gia cầm, xử lý nhanh chóng khi phát sinh dịch bệnh, tránh nguy cơ lây lan, đề phòng dịch cúm gia cầm quay trở lại. Chăn nuôi lợn vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Đàn lợn cả nước tính đến tháng 9/2019 giảm 19% so với cùng thời điểm năm 2018; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng ước tính đạt 2,5 triệu tấn, giảm 9% (quý III đạt 709,3 nghìn tấn, giảm 17%), trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng chịu thiệt hại lớn nhất, ước tính tổng đàn lợn của vùng tháng 9/2019 giảm 38,3% so với cùng thời điểm năm 2018.
Tính đến thời điểm 17/9/2019, cả nước không còn dịch lở mồm long móng và dịch tai xanh trên lợn; dịch cúm gia cầm còn ở Bến Tre; dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 7.612 xã, 642 huyện của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ghi chú:
[1] Tại các tỉnh phía Bắc, diện tích chuyển sang đất phi nông nghiệp (xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình thủy lợi...) là 2,3 nghìn ha; diện tích chuyển sang cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản là 4,2 nghìn ha; diện tích đất không sản xuất (bỏ hoang do khó khăn trong khâu tưới tiêu và do bị nhiễm mặn) là 15,3 nghìn ha.
[2] Trong đó: Diện tích chuyển sang đất phi nông nghiệp (xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình thủy lợi...) là 2,4 nghìn ha; diện tích chuyển sang trồng cây hàng năm khác là 6,2 nghìn ha; diện tích chuyển sang trồng cây lâu năm là 14,5 nghìn ha; diện tích chuyển sang nuôi trồng thủy sản là 3,3 nghìn ha; diện tích đất không sản xuất do ảnh hưởng của nắng nóng, khô hạn là 7,4 nghìn ha.

Nguồn: VITIC