Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá hiện khoảng 371-374 USD/tấn, so với 373-376 USD/tấn cách đây một tuần.
Giá giảm liên tiếp khiến nhiều khách hàng trì hoãn việc mua vào với hy vọng giá sẽ còn giảm nữa. Việc Trung Quốc tích cực bán gạo tồn trữ cho các khách hàng Châu Phi càng làm gia tăng áp lực giảm giá lên gạo Ấn Độ.
Trong khi đó, Bangladesh đã tạm hoãn quyết định xóa bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo kéo dài đã khá lâu. Thời gian hoãn sẽ kéo dài tới lúc thu hoạch xong vụ lúa Hè. Vụ trưởng Vụ Khuyến nông Bangladesh cho biết, cơn lốc xoáy Fani đã gây thiệt hại tới vụ lúa Hè Thu (vụ Boro) – 55.600 ha.
Ngày 2/5/2019, Reuters trích dẫn lời một quan chức của bộ lương thực Bangladesh cho biết nhà sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới sẽ xem xét lệnh cấm xuất khẩu gạo lâu dài trong vòng vài tuần sau khi vụ thu hoạch lúa mùa kết thúc.
Vụ gieo trồng mùa hè, còn được gọi là Boro, thường đóng góp hơn một nửa sản lượng lúa hàng năm của Bangladesh, khoảng 35 triệu tấn.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá hiện ở mức 365 USD/tấn, không thay đổi so với cách đây một tuần. Hoạt động giao dịch lúc này không sôi động bởi giá vẫn tương đối cao, theo đánh giá của một số thương gia. Tuy nhiên, giới kinh doanh lúa gạo hy vọng sẽ tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc vào cuối năm nay. Được biết, một phái đoàn các nhà nhập khẩu gạo Trung Quốc đang tới các tỉnh ĐBSCL để tìm kiếm cơ hội mua gạo.
Ai Cập cũng đang tìm mua ít nhất 20.000 tấn gạo loại 10 và 12% tấm, kỳ hạn giao từ 25/7 đến 20/8/2019.
Nguồn cung gạo tại Việt Nam dự báo sắp tăng khi bước vào vụ thu hoạch Hè Thu – cuối tháng này.
Gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này giá ổn định ở 385 -400 USD/tấn, FOB Bangkok, so với 385 – 402 USD/tấn tuần trước.
Nhu cầu nhìn cung vẫn thấp, nhưng các thương gia dự báo giá có thể sẽ tăng lên do hạn hán trong khi vụ gieo trồng lúa mới sẽ bắt đầu vào tháng này.
Hôm 6/5/2019, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết xuất khẩu gạo của Campuchia sang Trung Quốc đã tăng vọt sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp thuế lên gạo nhập khẩu từ quốc gia Đông Nam Á này.
Tháng 1, EU đã áp dụng thuế quan trong ba năm đối với gạo nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar nhằm hạn chế nhập khẩu gia tăng từ hai quốc gia này và để bảo vệ các nhà sản xuất của EU như Italy. Campuchia đã gửi đơn khiếu nại lên Tòa án Công lý châu Âu để phản đối thuế quan, nói rằng biện pháp bảo vệ này không liên quan đến bất kì hành vi không công bằng nào và dựa trên sự khái quát hóa và sử dụng dữ liệu không đầy đủ. Sau khi bị áp thuế, xuất khẩu gạo đã xay xát của Campuchia sang EU trong tháng 2 chỉ đạt 10.080 tấn, giảm 57,8% so với tháng trước đó.
Tuy nhiên, WB cho biết “Sự sụt giảm về xuất khẩu gạo Campuchia sang EU đã được bù đắp nhiều hơn nhờ hoạt động xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc gia tăng". Xuất khẩu gạo Campuchia sang Trung Quốc tăng 45,6%, đạt 270.000 tấn, và ước tính tiếp tục tăng 2% trong hai tháng đầu năm.
WB cho biết nếu chính sách "Mọi thứ trừ vũ khí" (EBA) mà EU dành cho Campuchia bị tạm dừng, Campuchia sẽ ghi nhận mức sụt giảm tối đa về giá trị xuất khẩu sang EU là 654 triệu USD.

Nguồn: VITIC/Reuters

Nguồn: Vinanet