Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đứng vị trí thứ nhất về xuất khẩu rau quả của Việt Nam, nhưng xuất khẩu rau quả sang thị trường này quý đầu năm chỉ đạt 680 triệu USD, giảm tới 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu rau quả sang hầu hết các thị trường còn lại đều tăng như: Thái Lan đạt 57,8 triệu USD (chiếm 4,7% thị phần, tăng 244,1%); Hàn Quốc đạt 54,6 triệu USD (chiếm 4,5%, tăng 25,4%); Hoa Kỳ đạt 49,2 triệu USD (chiếm 4%, tăng 8,2%), Nhật Bản đạt 46,2 triệu USD (chiếm 3,8%, tăng 26,4%); Hà Lan đạt 28 triệu USD (chiếm 2,3%, tăng 28,3%);…
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, nếu xét theo các mặt hàng chính, nguyên nhân giảm kim ngạch xuất khẩu là do một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm tính đến hết tháng 3 như: Dưa hấu đạt 24,8 triệu USD (chiếm 2,8%, giảm 32,4%); nhãn đạt 16,7 triệu USD (chiếm 1,8%, giảm 81%); sầu riêng đạt 14,1 triệu USD (chiếm 1,6%, giảm 74,8%)...
Tại thị trường trong nước, diễn biến thị trường tháng 4 thay đổi tùy theo từng loại trái cây. Hiện là thời điểm các tỉnh miền Tây thu hoạch rộ xoài, trong khi tình hình tiêu thụ khó khăn do ảnh hưởng bệnh Covid-19, giá xoài giảm sâu. Tại Đồng Tháp, giá tại ruộng của loại xoài Cát Chu là 3.500 - 4.500 đ/kg; xoài cát Hòa Lộc 15.000 - 17.000 đ/kg.
Tuy nhiên, đối với mặt hàng dưa hấu tại một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, giá cải thiện so với thời điểm đầu mùa. Với giá bán đầu vụ là 4.000 đ/kg, hiện nay lên 7.000 đ/kg. Theo người dân địa phương, năm nay nắng nóng nhiều, mưa ít phù hợp cho cây dưa hấu phát triển, sâu bệnh ít nên cho quả to, đều đẹp.
Tương tự, giá sầu riêng có xu hướng tăng lên mức 65.000 - 75.000 đ/kg, gấp đôi so với tháng 2. Hạn mặn khiến sầu riêng các tỉnh ĐBSCL thiệt hại nặng nề nên sản lượng sầu riêng năm nay dự báo giảm mạnh, giá bán ra đang ở mức cao...
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương có liên quan, để định hướng thay đổi phương thức xuất khẩu và tìm thị trường mới cho các mặt hàng nông sản Việt Nam.
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua các cửa khẩu phụ tại các tỉnh biên giới phía Bắc bị gián đoạn do Trung Quốc phong tỏa trao đổi hàng hóa biên mậu theo hình thức cư dân biên giới để dập dịch Covid-19. Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương đã đưa ra các biện pháp tháo gỡ kịp thời, song nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tìm hướng đi mới cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Trong đó, khuyến nghị người nông dân điều tiết sản lượng, ít nhất là không sử dụng các cách thức để gia tăng sản lượng vào thời hiện tại để tránh dư nguồn cung lớn, xem xét chuyển sang sản xuất các loại nông sản dễ tiêu thụ hơn. Khuyến nghị các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới khi tình hình thông quan hàng hóa còn khó khăn do dịch Covid-19 tác động, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch, hoặc đối tác phía Trung Quốc có khả năng nhận hàng.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã trở lại bình thường, nhưng tiến độ thông quan chưa được cải thiện nhiều do hai bên vẫn tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh và lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng, lượng xe vận chuyển hàng hóa cả xuất và nhập khẩu thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hiện chỉ còn tương đương khoảng 40% so với trước thời điểm dịch bệnh.
Để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản, đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không gây ảnh hưởng quá mức đến sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương, Thủ tướng đã cho phép tiếp tục xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam (Lạng Sơn) và lối mở Km3+4 (Móng Cái, Quảng Ninh) theo quy định của pháp luật, trên nguyên tắc bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, hiện phía Trung Quốc mới chỉ mở lại thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu một phần qua Cửa khẩu Tân Thanh áp dụng chính sách tiểu ngạch biên giới có hợp đồng giao nhận hàng hóa, hình thức trao đổi cư dân biên giới chưa mở lại, nên xuất khẩu nông sản qua Lạng Sơn vẫn gặp rất nhiều khó khăn do hình thức trao đổi cư dân tại các chợ biên giới vẫn là phương thức xuất khẩu chủ yếu đối với một số chủng loại nông sản của Việt Nam, trong đó có nhiều loại trái cây tươi (thanh long, dưa hấu, mít, xoài...). Trong khi đó, khối lượng hàng hóa nông sản, trái cây các doanh nghiệp vận chuyển lên biên giới phía Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông giai đoạn 2019 - 2022 (AHKFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 20/2/2020 có những tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hoá nói chung, mặt hàng rau quả của Việt Nam nói riêng sang thị trường Hồng Kông. Các chuyên gia dự báo triển vọng xuất khẩu rau quả sang thị trường Hồng Kông tương đối khả quan, đặc biệt là thời điểm hậu Covid-19. Các mặt hàng trái cây của Việt Nam có tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị phần sang Hồng Kông là thanh long, sầu riêng, xoài, dừa, bưởi...
Hiện nay, Trùng Khánh có nhu cầu lớn đối với hàng nông sản thực phẩm, do đây là “Thủ phủ của Lẩu”. Thành phố này chủ yếu nhập khẩu hoa quả nhiệt đới chủ yếu là thanh long, dưa hấu, nhãn, bưởi… với số lượng rất lớn, do mùa hè nắng nóng khiến cho người tiêu dùng có nhu cầu cao. Những sản phẩm khác như cà phê, hoa quả sấy khô của Việt Nam hiện đã có mặt tại các siêu thị hàng nhập khẩu có uy tín của Trùng Khánh như: cà phê G7, hoa quả sấy khô...
Theo đánh giá của các chuyên gia, Trùng Khánh nằm ở phía Tây Nam Trung Quốc, được coi là hành lang quan trọng kết nối Đông Nam Á với Trung Á, Nam Á. Với dân số trên 31 triệu người (năm 2019), tổng thu nhập GDP tính đến hết quí I/2020 đạt hơn 498,7 tỉ NDT, tương đương với gần 72,3 tỉ USD, thành phố này được xem là thị trường tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là những mặt hàng thuộc các lĩnh vực nêu trên.
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 18/6, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với Ủy ban Thương mại Trùng Khánh, Ủy ban Xúc tiến thương mại Trùng Khánh (CCPIT Trùng Khánh) khai mạc Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thủy sản và thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc (Trùng Khánh) 2020.
Sự kiện trên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh giao thương với Trùng Khánh, một trong số 4 thành phố lớn trực thuộc trung ương của Trung Quốc.

Nguồn: VITIC