Dẫn nguồn tin từ báo Tuổi trẻ, giá trứng gà hiện chỉ còn ở mức bình quân 1.400 - 1.450 đồng/quả, tăng gấp đôi so với mức thấp nhất các tháng trước.
Với mức giá này, người chăn nuôi được cho là vẫn đang lỗ 100 - 200 đồng/quả bán ra, vì thế không ít người đã buộc phải giảm đàn, bỏ chuồng.
Trong khi đó, theo các chợ đầu mối ở TP.HCM, giá heo mảnh (đã mổ, không đầu) bán ra tại chợ hiện ở mức thấp với 37.000 - 45.000 đồng/kg tùy loại. Heo nái chỉ còn 16.000 đồng/kg. Lượng heo về chợ nhiều ngày qua tăng ở mức cao, tại Bình Điền phổ biến trên 300 tấn heo và phụ phẩm heo/ngày và Hóc Môn 5.600 - 5.800 con/ngày.
Ở các mặt hàng rau, những chủng loại giảm giá như bắp cải tròn hiện bán ra 13.000 đồng/kg, bầu 8.000 đồng/kg, cà chua Đà Lạt 6.000 - 8.000 đồng/kg, cải xanh 10.000 đồng/kg, củ cải trắng và xà lách búp Đà Lạt 6.000 đồng/kg, dưa leo 8.000 đồng/kg, khổ qua và đậu cove trắng 10.000 - 12.000 đồng/kg.
Một số mặt hàng vẫn giữ ở mức cao và kéo dài trong nhiều tuần qua như hành tây Đà Lạt 40.000 đồng/kg, ớt hiểm đỏ 54.000 - 56.000 đồng/kg, bí đỏ Trà Vinh 18.000 đồng/kg, khoai tây hồng Đà Lạt 25.000 đồng/kg.
Do sản lượng về nhiều, giá sầu riêng đã giảm so với đầu vụ, hiện ở mức 45.000 - 60.000 đồng/kg tùy loại. Giá thanh long vẫn ở mức cao với trên dưới 30.000 đồng/kg, nhãn xuồng 60.000 đồng/kg, quýt đường 45.000 - 50.000 đồng/kg.
Theo nguồn tin VnExpress, nếu các năm trước, trái cây và hải sản của Mỹ vào Việt Nam với giá đắt đỏ, thì 6 tháng đầu năm đồng loạt đi xuống do tác động từ chiến tranh thương mại.
Là hải sản nằm trong top đầu về đắt đỏ, cua hoàng đế Alaska đông lạnh cách đây 2 năm về Việt Nam có giá hơn triệu đồng một kg thì nay chỉ còn vài trăm nghìn đồng. Hàng đông lạnh được nhiều cửa hàng bán với giá 650.000 đồng một kg, còn hàng sống gần 2 triệu đồng.
Cùng với cua hoàng đế, tôm hùm Alaska của Mỹ cũng giảm giá mạnh, hàng ồ ạt về với số lượng lớn. Cụ thể, tôm hùm bán tươi sống và đông lạnh khoảng 340.000 đồng một con loại 500 gram, một triệu đồng một con loại 1-4 kg.
Ngoài hải sản ở vùng Alaska, các nông sản của Mỹ cũng ồ ạt về Việt Nam với giá thấp, điển hình là đậu nành, thịt heo, cherry... Trong đó, giá thịt heo Mỹ nhập khẩu đang rẻ hơn 15% so với hàng Việt; đậu nành sau khi trừ chi phí vận chuyển, giá bán lẻ cũng chỉ bằng một nửa hàng Việt. Riêng cherry đang có giá bán thấp hơn 40% so với năm ngoái.
Cụ thể, một kg sườn non nguyên tảng của Mỹ 117.000 - 190.000 đồng, còn hàng Việt 140.000 - 240.000 đồng (tùy thương hiệu). Một túi đậu nành Mỹ 500 gram chỉ có giá 10.000 đồng, trong khi đậu nành Việt Nam cùng trọng lượng giá 20.000 đồng. Với cherry, nếu các năm trước hàng Mỹ về Việt Nam có giá 400.000 - 600.000 đồng một kg thì nay được các cửa hàng nhập khẩu bán 230.000 - 350.000 đồng.
Theo các thương nhân làm xuất nhập khẩu, sở dĩ nông, thủy sản của Mỹ về Việt Nam thời gian gần đây rẻ vì hàng Mỹ bị siết chặt khi sang Trung Quốc do chiến tranh thương mại, dẫn đến nguồn cung dư thừa. Trước tình hình đó, doanh nghiệp Việt đã tăng mua hàng từ Mỹ, đẩy lượng hàng nhập về Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ.
Chia sẻ trên South China Morning Post mới đây, một thương nhân ở Thượng Hải nhiều năm nhập khẩu cherry cho biết, các sản phẩm cherry từ Mỹ qua Trung Quốc liên tục gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã cắt đứt kinh doanh với đối tác Mỹ, thậm chí hoàn trả các chi phí thanh toán trước. Hơn một nửa số hàng cherry của Mỹ sẽ không được xuất sang Trung Quốc và đây sẽ là thiệt hại lớn cho nông dân nước này. Với sản phẩm tôm hùm, đậu nành, thịt heo cũng đang gặp tình trạng 50-80% kim ngạch xuất sang Trung Quốc bị xóa sổ.
Để "giải cứu" nông dân, cuối tháng 7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố gói hỗ trợ 16 tỷ USD cho những nông dân chịu thiệt hại từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu. Theo đó, chương trình của Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ chi 14,5 tỷ USD để trả trực tiếp cho nông dân. Ngoài ra còn có chương trình thu mua lương thực 1,4 tỷ USD và xúc tiến thương mại 300 triệu USD.
Các khoản hỗ trợ sẽ bắt đầu được triển khai từ tháng 8. Chương trình này - vốn đã được công bố hồi tháng 5 - sẽ kéo dài qua mùa thu và mùa đông nếu Mỹ không giải quyết được chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Báo Tuổi trẻ, VnExpress

Nguồn: Vinanet