Kể từ cuối tháng 8, sầu riêng xuất khẩu ở Đăk Lăk bước vào chính vụ. Từ khi vươn lên thành ngành hàng nghìn tỷ, sầu riêng đã trở thành hướng phát triển mới của bà con nơi đây. Cũng chính vì được mùa, được giá, những năm qua khi sầu riêng liên tục phá kỷ lục về giá bán, đạt đến hơn 90.000 đồng/kg vào cuối vụ năm ngoái. Nhưng đến năm nay, những lo âu đã bắt đầu xuất hiện khi quy mô diện tích vườn tăng, giá bán lại giảm chỉ còn bằng một nửa, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2018.
Theo nguồn tin từ VOV – Tây Nguyên, dù trời mưa, những chuyến xe công nông, máy cày, xe máy 2 sọt chở sầu riêng vẫn kìn kìn chở tới các cơ sở thu mua, được mở dọc theo Quốc lộ 26, địa phận xã Ea Kênh và Ea Yông, huyện Krông Păk. Phía trong các cơ sở, các nhân viên chia thành từng tốp, người thì cầm cán dao, gõ từng trái sầu riêng để thẩm định độ già của trái, người thì cầm bình sơn, bút sơn đánh dấu, rồi mới chuyển vào khu vực chờ cân.
Một thương lái mang sầu riêng đến nhập cho đại lý cho biết, giá sầu riêng vụ này thấp hơn năm ngoái rất nhiều mà việc thu mua, tuyển lựa cũng rất khắt khe. Loại sầu riêng da xanh giá cao nhất năm nay cũng chỉ được 42.000 đồng/kg hoặc hơn chút đỉnh. Sầu riêng loại da lút không phun thuốc giá có 39.000 đồng/kg và sầu riêng nào phun thuốc họ không mua. Mọi năm bao nhiêu sầu riêng đưa đến họ mua hết bấy nhiêu, năm nay họ xem xét kĩ càng và muốn bán được rất khó khăn.
Theo Chủ tịch UBND xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, năm nay diện tích sầu riêng kinh doanh ở xã tăng gấp 5 lần so với vụ 2018, do có 400 ha nữa bắt đầu cho thu hoạch. Ông Vinh cho rằng, việc giá sầu riêng khá thấp ở thời điểm hiện tại không phải do vấn đề cung cầu. Thực tế, thì thương lái luôn nêu khó khăn ở thị trường Trung Quốc để mua giá thấp ở đầu vụ. Như năm ngoái, giá khởi điểm chỉ có 55.000 - 60.000 đồng/kg nhưng cuối vụ tăng tới 91.000 đồng/kg. Để người trồng sầu riêng không bị ép giá, các xã có sầu riêng ở Krông Păk đều có những tổ công tác liên ngành, trực suốt ngày đêm xử lý kịp thời các biểu hiện tiêu cực.
Krông Păk là huyện có nhiều sầu riêng đang kinh doanh nhất tỉnh Đắk Lắk. Năm ngoái, diện tích này khoảng 1.000 ha nhưng năm nay tăng thêm khoảng 500 ha, cho tổng sản lượng hơn 20.000 tấn. Cùng với tăng diện tích, sầu riêng ở Đắk Lắk còn liên tục tăng giá trong những năm qua, từ mức chỉ dưới 30.000 đồng/kg đã tăng lên tới hơn 90.000 đồng/kg vào cuối vụ 2018.
Vụ sầu riêng 2019 này là lần đầu tiên trái sầu riêng quay đầu giảm giá. Dù mức giá hiện tại vẫn đảm bảo cho thu nhập cao, lợi nhuận lớn nhưng vẫn khiến nông dân cảm nhận được nguy cơ khủng hoảng thừa. Cảm nhận này càng rõ ràng khi ở tỉnh rộ lên phong trào nhà nhà trồng sầu riêng; tốc độ tăng diện tích sầu riêng từ 2017 trở lại đây, cao gấp 3 lần so với giai đoạn trước đó.
Ngược lại với trái sầu riêng, dừa khô giá đã tăng mạnh trở lại. Sau một thời gian dài giảm xuống mức thấp, giá trái dừa khô ở tỉnh Bến Tre hiện tăng bình quân 20.000 đồng/chục 12 trái so với cách nay khoảng 2 tuần.
Hiện dừa khô được nông dân bán ngay tại vườn cho thương lái đang ở mức 50.000-55.000 đồng/chục; giá thu mua tại nhiều doanh nghiệp và cơ sở chế biến dừa xuất khẩu trong tỉnh ở mức 60.000 - 70.000 đồng/chục. Riêng dừa trồng theo mô hình hữu cơ được một số doanh nghiệp thu mua ở mức 75.000 - 80.000 đồng/chục.
Giá tăng do nhiều đơn vị, doanh nghiệp và tiểu thương đẩy mạnh thu mua phục vụ sản xuất các sản phẩm xuất khẩu và thời điểm này nguồn cung dừa khô nguyên liệu tại nhiều địa phương trong tỉnh cũng giảm. Nguyên nhân do trước đó giá thấp, nhiều nhà vườn trồng dừa không đầu tư đúng mức cho vườn dừa; một số diện tích dừa bị lão hóa người dân đốn bỏ để chuyển sang các loại cây ăn trái khác hiệu quả hơn.
Cùng với đó, giá dứa tăng tại vùng Đồng Tháp Mười cũng tăng vọt – mức tăng cao nhất trong 2 năm qua.
Hiện tại, giá dứa loại I có giá trên 10.000 đồng/1kg, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Dứa loại II, giá cũng trên 6.000 đồng/kg, với mức giá này mỗi kg dứa cho lãi từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Tân Phước là địa phương trồng chuyên canh cây dứa ở tỉnh Tiền Giang. Toàn huyện có hơn 13.000 ha cây dứa, cho sản lượng khoảng 250.000 tấn/năm, đây cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích cây dứa. Tuy giá dứa ở mức cao nhưng nông dân địa phương đang lo ngại, năm nay nếu lũ không về thì năng suất dứa giảm và phải đối phó với hạn mặn.
Những thông tin liên quan
Cam Úc đổ bộ thị trường Việt Nam
Dẫn nguồn tin từ Báo NLĐ, theo Tổ chức Horticulture Innovation Australia (Đổi mới trồng trọt Úc), dự kiến năm 2019, nước này sẽ xuất sang Việt Nam 4.694 tấn cam Navel, tăng 108% so với năm 2018 (2.253 tấn), trở thành thị trường tăng trưởng lớn nhất của các nhà xuất khẩu cam Úc. Ngoài cam, Việt Nam còn cho phép nhập khẩu nho, anh đào (cherry) và quýt từ Úc.
Việt Nam mở cửa trở lại cho cam Úc vào cuối năm 2015, khi đó thuế suất nhập khẩu là 10%, đến nay chỉ còn 3% và sẽ về 0% vào năm 2020. Ngoài thuế, do có nhiều nhà bán lẻ tham gia nhập khẩu cam Úc trực tiếp với số lượng lớn nên giá cam Úc bán cho người tiêu dùng cũng giảm từ mức hơn 100.000 đồng/kg vào năm 2015 còn khoảng 70.000 đồng/kg ở thời điểm hiện tại.
Không chỉ Úc, trái cây Mỹ cũng đang đổ bộ thị trường Việt Nam và có mặt ở nhiều phân khúc. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã nhập từ Mỹ khoảng 20.000 tấn các loại, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2018 bao gồm: cherry, lê, nho, táo và việt quất. Giá các loại trái cây này cũng giảm rất mạnh so với trước.
Trong khi ngành xuất khẩu rau quả Việt Nam 7 tháng đầu năm tăng trưởng âm thì nhập khẩu rau quả lại tăng 40%-50%. Các nguồn nhập chính là: Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Úc… Về mở cửa thị trường xuất khẩu, Úc vừa chính thức cho phép nhập khẩu nhãn tươi từ Việt Nam với nhiều điều kiện ngặt nghèo.
EU ngừng nhập khẩu một số trái cây tươi của Canada từ ngày 1/9
Dẫn nguồn tin từ TTXVN, Liên minh châu Âu (EU) sẽ ngừng nhập khẩu cherry và một số loại trái cây tươi khác của Canada, các quy định này không áp dụng đối với hoa quả sấy khô và đông lạnh. Theo thông cáo của Cơ quan Kiểm định Thực phẩm Canada (CFIA), Liên minh châu Âu (EU) sẽ ngừng nhập khẩu cherry (còn gọi là quả anh đào) và một số loại trái cây tươi khác của Canada bắt đầu từ ngày 1/9 tới, khi khối này thi hành các quy định nhập khẩu mới liên quan đến sâu bệnh.
Trong thông cáo trên, CFIA cho hay các quy định hạn chế nhập khẩu nói trên cũng áp dụng đối với các loại trái cây và rau quả như táo, lê, nam việt quất, việt quất, ớt chuông, khoai tây và cà chua.
Hiện CFIA đang nỗ lực làm việc để đề xuất các biện pháp giảm thiểu rủi ro do sâu bệnh đối với các loại trái cây xuất khẩu sang thị trường EU.
Các quy định mới của EU không áp dụng đối với hoa quả sấy khô và đông lạnh, đồng thời cũng không áp dụng đối với các container vận chuyển bằng đường biển tới EU với các vận đơn đề trước ngày 1/9.
Ngành nông nghiệp Canada vẫn đang phải đối mặt với những ảnh hưởng từ các bất đồng thương mại khác, trong đó có như tranh chấp hiện nay giữa Canada và Trung Quốc về mặt hàng cải dầu, thịt lợn và thịt bò.
Bà Beth Cavers, một nhà quản lý thuộc Hiệp hội Cherry B.C., cho biết lệnh cấm sắp tới của EU sẽ không ảnh hưởng đến vụ thu hoạch cherry năm này, khi loại trái cây này đã được đóng gói và vận chuyển ngay.
Tuy nhiên, theo bà Beth Cavers, chính sách của EU có thể tác động nghiêm trọng đến vụ thu hoạch năm 2020 nếu vấn đề không được giải quyết.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet