EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 được kỳ vọng là một trong những động lực quan trọng nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường cho các hàng hóa của Việt Nam, bao gồm cả gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều hiệp hội gỗ trên cả nước, EVFTA mặc dù đem lại những ưu đãi về thuế song sẽ không tạo được các động lực mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU trong tương lai.
Báo cáo "Tác động của Hiệp định EVFTA tới các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU" vừa được công bố nêu rõ, hiện nay Việt Nam xuất khẩu tổng số 253 mặt hàng gỗ vào EU với kim ngạch trên 500 triệu USD mỗi năm. Trước khi EVFTA có hiệu lực, 117 mặt hàng (tương đương với 46,2%) đã có mức thuế nhập khẩu vào EU ở mức 0%.
Điều đáng chú ý là, mặc dù chỉ chiếm dưới 50% trong tổng số các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu vào EU hàng năm, kim ngạch xuất khẩu hàng năm các mặt hàng thuộc nhóm này khoảng 500 triệu USD, tương đương khoảng gần 90% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu tất cả các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào khối này. "Điều này có nghĩa rằng về phương diện thuế, EVFTA được thực thi sẽ không có tác động đối với nhóm các mặt hàng này", ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan. Tiếp đó, trong 253 mặt hàng xuất khẩu vào EU có 104 mặt hàng có mức thuế từ 1,7% đến 6% trước EVFTA. Các mức thuế với nhóm mặt hàng này được đưa về 0% ngay sau khi EVFTA có hiệu lực.
Tuy vậy, theo ông Đỗ Xuân Lập, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nhóm này hàng năm chỉ khoảng 50 triệu USD, tương đương dưới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tất cả các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào EU. Do vậy, việc đưa mức thuế về 0% khi EVFTA có hiệu lực cũng sẽ không có nhiều ý nghĩa đối với nhóm 104 mặt hàng này. Bên cạnh đó, trong các nhóm mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam có 2 mặt hàng chịu mức thuế 6% trước khi EVFTA được ký kết. Mức thuế này sẽ được đưa về 0% trong thời gian 4 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu nhóm các sản phẩm này chỉ chiếm khoảng dưới 0,4%, tương đương khoảng 2 triệu USD trong tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam vào EU. Thay đổi mức thuế về 0% đối với nhóm này sẽ không có nhiều ý nghĩa trong việc mở rộng thị trường cho nhóm hàng này.
Cuối cùng, có 30 mặt hàng gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU phải chịu mức thuế trong khoảng 7-10% tùy theo mặt hàng trước khi EVFTA có hiệu lực. Các mức thuế này được đưa về 0% trong thời hạn 6 năm kể từ khi EVFTA đi vào thực hiện. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu hàng năm các mặt hàng này rất nhỏ, khoảng 5 triệu USD, tương đương dưới 1% trong tổng kim ngạch các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất vào EU. "Tương tự như những nhóm mặt hàng nêu trên, thay đổi về thuế khi EVFTA có hiệu lực sẽ không có ý nghĩa đối với nhóm sản phẩm này", ông Lập nói.
Nhìn lại tổng thể "bức tranh" xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào EU, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng được hưởng các ưu đãi về thuế khi EVFTA có hiệu lực không cao (trên dưới 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu). Điều này dẫn đến thực hiện EVFTA sẽ không tạo ra nhiều tác động tích cực trong việc nâng cao cạnh tranh, mở rộng thị trường cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam tại thị trường này trong tương lai. Tuy nhiên, ông Lập cũng nhấn mạnh đây chỉ là những đánh giá trên phương diện thuế.
Nội dung của EVFTA bao gồm các lĩnh vực rộng hơn thuế như phát triển bền vững, xóa bỏ rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mở rộng đầu tư công, sở hữu trí tuệ…Do đó, thực thi EVFTA có tiềm năng trong việc thay đổi các lĩnh vực này trong tương lai. Ngoài ra, EVFTA đi vào thực thi cũng tạo tiềm năng trong việc quảng bá, thúc đẩy mở rộng thị trường cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam...
Báo cáo "Tác động của Hiệp định EVFTA tới các mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu và EU" là sản phẩm của nhóm nghiên cứu các hiệp hội gồm: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) và Tổ chức Forest Trends. Nguồn thông tin trong báo cáo được tính toán dựa trên các dữ liệu thống kê xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Việt Nam và Hiệp định EVFTA.

Nguồn: Haiquanonline