Bên lề sự kiện ra mắt app, website bán hàng trực tuyến KPhucSinh, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, người được mệnh danh là “vua” hồ tiêu Việt Nam, đã có những chia sẻ về câu chuyện kinh doanh của doanh nghiệp mình trong đại dịch Covid-19 cũng như những hướng đi tiếp theo.

2020 là năm khó khăn với xuất khẩu nói chung và cà phê, hồ tiêu Việt Nam nói riêng. Trong năm vừa rồi, tình hình xuất khẩu 2 mặt hàng này tại công ty như thế nào, tăng trưởng ra sao so với trước?

Quả thực chưa năm nào hồ tiêu và cà phê lại “xơ xác” như năm 2020. Bão tới, Covid-19 tới, kinh doanh khó khăn. Nhiều nhà nhập khẩu nhập hàng về vẫn để hàng trong kho là sự thật. Việc kinh doanh năm vừa rồi thực sự khó khăn. Dù thế, thế giới này rộng lớn mà, không bán cho người này thì bán cho người kia. Doanh nghiệp chúng tôi phải tìm mọi cách để mà bán được hàng. Vì thế mà doanh số của năm nay so với 2019 không bị sụt giảm bao nhiêu. Chúng tôi vẫn có lợi nhuận vì cố gắng sản xuất, xuất khẩu ngày đêm. Đơn xuất khẩu vẫn rất nhiều, Việt Nam đang thặng dư xuất khẩu nên cơ hội hoàn toàn vẫn có.
Theo ông Phan Minh Thông, "vua" hồ tiêu Việt Nam, công ty nông nghiệp không chỉ là "chân lấm tay bùn" mà còn sáng tạo, thăng hoa. Ảnh: N. Đan.
Vậy ông đặt mục tiêu ra sao với thị trường nội địa cũng như xuất khẩu cho năm 2021?
Chúng tôi xác định 2021 là năm đầy khó khăn. Mọi khó khăn của những giai đoạn trước bóp chặt dần. Sau dịch Covid-19, như mọi người thấy đấy, khó khăn hiển hiện trong từng hoạt động thường nhật nhất: Chợ thay vì họp cả ngày thì họp nửa ngày rồi khó khăn trong nhiều mặt, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác cũng vậy… Châu Âu có dịch một cái là không ít doanh nghiệp thấy sản xuất ở châu Âu đắt chuyển sang sản xuất ở Việt Nam để giảm chi phí. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách để xuất khẩu, phát triển. Phúc Sinh không nằm ngoài số đó. Chúng tôi phải đa dạng trong chế biến cũng như phát triển thị trường siêu thị, trực tuyến. Chúng tôi kết nối với hàng trăm nhà sản xuất, bán hàng, phân phối lớn và trực tiếp nhập khẩu để đa dạng hoá các mặt hàng trên cùng một app.
Tôi cho rằng Covid-19 và mang các khó khăn đến cũng chính là thách thức để chúng tôi sáng tạo. Người Việt Nam mình là thế, càng khó khăn thì càng sáng tạo. Mục tiêu kế hoạch cho năm 2021 của chúng tôi là làm tốt từ khâu sản phẩm đến truyền thông. Hiện giờ tỷ trọng thị trường nội địa chưa cao nhưng sắp tới chúng tôi cũng sẽ tăng lên.
Ông vừa chia sẻ về việc sáng tạo trong khó khăn, điều này được thể hiện ở doanh nghiệp của ông như thế nào?
Chúng tôi đưa hàng lên bán bằng app, website bên cạnh phát triển thị trường xuất khẩu. Chúng tôi đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ có 10.000 lượt tải app. Thực tế thì sau khi ra app, kết quả đầu tiên nhìn thấy là doanh số bán hàng 10 ngày qua tăng nhanh và điều này tạo cảm hứng cho anh em.
Đầu tư công nghệ mười mấy năm, đến nay ra được thêm app, chúng tôi rất vui. Covid-19 khiến mọi thứ thay đổi và trong khó khăn công ty chúng tôi chuyển hướng, sáng tạo như vậy. Giả sử không có đại dịch, kết quả kinh doanh vẫn bứt phá thì chưa chắc chúng tôi đã đẩy nhanh app bán hàng nhưng nhờ khó khăn mà mọi việc tiến hành rốt ráo hơn.
Một điều nữa là tôi cũng muốn cho mọi người thấy làm nông nghiệp không chỉ là làm nông nghiệp mà còn là sáng tạo. Chúng tôi muốn thay đổi quan niệm của không ít người Việt Nam mà cả thế giới là công ty nông nghiệp là “chân lấm tay bùn”, nông nghiệp chỉ gắn với những thứ đơn giản mà thực ra rất thăng hoa, rất sáng tạo, công nghệ.
1 tấn tiêu thường có giá trên 3.000 USD nhưng tiêu lạnh có giá đắt gấp 5-6 lần. Ảnh minh hoạ: AP.
Nhưng công nghệ không phải cứ có tiền là làm được. Phúc Sinh có gì để tự tin với kế hoạch phát triển với công nghệ của mình ngoài app, web bán hàng?
- Công nghệ của chúng tôi không chỉ là app hay website bán hàng mà còn là tận dụng những lợi thế. Châu Âu và Mỹ không trồng được tiêu. Các nước họ không trồng tiêu nên mình đầu tư phát triển ngành tiêu. Tiêu sấy lạnh chúng tôi đang làm sẽ là mặt hàng sáng tạo duy nhất trên thế giới. Thế giới có khô sấy lạnh, chúng tôi có sấy ướt âm 60 độ dùng công nghệ Đức áp dụng cho sản phẩm Việt Nam. 1 tấn tiêu thường được bán với giá khoảng hơn 3.000 USD thì tiêu sấy lạnh khoảng 16.000 - 18.000 USD/tấn.
Có nhiều ví dụ cho bài học công nghệ và chúng tôi trải nghiệm mất rất nhiều công sức, thời gian. Marketing thì khó lắm nhưng tôi tin với mối quan hệ và lịch sử công ty gần 20 năm thì chúng tôi thuận lợi tiến vào thị trường.
Vậy với thị trường châu Âu thì sao thưa ông? Khi các FTA được ký kết, theo ông cơ hội của hồ tiêu và cà phê trong thị trường này sẽ như thế nào?
- Chúng tôi tiếp cận thị trường châu Âu gần 20 năm nay, làm với các công ty vừa và nhỏ, bán hàng lẻ trong cả 10 năm rồi. Khách mua 10 bao hồ tiêu cũng bán, 50 bao cũng bán, 100 cân cà phê cũng bán, cả tấn cũng bán. Thị trường Mỹ cũng như vậy. Tôi thấy khi có các FTA thì có thể dễ cho chúng tôi hơn ở khía cạnh hàng tiêu dùng. Nhiều khách hàng nói họ dùng một phần hàng tiêu dùng ở Việt Nam. Không chỉ EVFTA đâu, các FTA khác trong khu vực ASEAN cũng là con đường vô cùng tuyệt vời. FTA tạo áp lực cho các doanh nghiệp phải sáng tạo, tìm tòi. Chúng tôi luôn coi đó là động lực.

Nguồn: Người Đồng Hành