Cá tra tới lứa bán đúng size (cỡ) chế biến xuất khẩu 700-800 gram/con tại Cần Thơ giá bán cao nhất tại ao 19.500 đ/kg, so cùng kỳ năm trước giảm gần 10.000 đ/kg trong khi giá thành của người nuôi không dưới mức 20.000 đ/kg.
Còn cá tra quá lứa cỡ 1,2-1,3 kg/con chỉ 18.500-19.500 đ/kg, người nuôi lỗ nặng. Trong tình hình khó khăn chung XK cá tra ảm đạm, một số công ty lỡ ký hợp đồng gia công với các chủ hộ nuôi cá từ đầu vụ đã đến thương thảo chủ hộ nuôi cá giảm bớt 1.000 đ/kg so với mức đã ký. Nguyên nhân giá giảm do trong năm 2018 giá cá tra cao 30.000 đ/kg, nhiều hộ ham lời đã nuôi cá tự phát ồ ạt làm nguồn cung tăng mạnh. Vừa qua tại vùng nuôi cá đã cấp mã số định vị cho từng ao nuôi để kiểm soát sản lượng cá nuôi trong năm, từ đó cân đối mức cung-cầu theo thị trường.
Hiện nhiều bà con đã thu hoạch bán hết, chưa dám nhập cá giống về thả nuôi nối vụ sang năm sau, chưa ai đoán được tình hình đầu năm tới giá ra sao. Dù vậy lúc này giá cá tra giống rất phập phù, cách 2 tuần trước cá tra giống nhiều, ít người mua giá 17.000-18.000 đ/kg (loại cá 30-40 con/kg), đến nay cá giống đã tăng lên 25.000 đ/kg.
Theo VASEP, bắt đầu từ quý II sang quý III/2019 cá tra XK trên đà sụt giảm. Tổng XK trong 10 tháng đầu năm giảm 10% đạt 1,64 tỷ USD; trong đó XK cá tra sang Mỹ giảm mạnh trong quý II (giảm gần 42%), kéo kết quả XK nửa đầu năm giảm gần 28% đạt 141 triệu USD, do lượng tồn kho tại Mỹ còn khá lớn và ảnh hưởng của thuế chống phá giá tại thị trường Mỹ cao.
Hơn nữa, mấy năm qua XK cá tra tăng mạnh vào Trung Quốc nhưng những tháng đầu năm 2019 lại sụt giảm do Trung Quốc đang bị áp thuế thủy sản vào Mỹ tới 25%, nên lượng cá rô phi lớn nhất thế giới của họ, chủ yếu bán qua Mỹ bị sụt giảm, do đó phải tiêu thụ nội địa, nên tạm thời giảm nhập khẩu cá tra của Việt Nam. Nếu thương chiến Mỹ - Trung dịu bớt thì cá tra mới có triển vọng vào thị trường này.
Theo VASEP, từ đầu năm đến nay sản lượng tôm và cá tra nuôi không giảm, sản lượng thủy sản XK không giảm nhưng giá bán giảm mạnh nên dẫn tới tổng kim ngạch XK giảm. Tuy nhiên, trong khi cá tra xuất sang các thị trường khác có hướng xấu đi, từ quý III/2019 cá tra XK sang Trung Quốc phục hồi, đạt trên 198 triệu USD tăng hơn 56% so cùng kỳ 2018, vượt lên dẫn đầu các thị trường nhập khẩu.
Cần nắm bắt thông tin từ Trung Quốc để xuất khẩu thủy sản
Theo Bộ Nông nghiệp - Nông thôn Trung Quốc, năm 2018, kim ngạch XNK các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản của Trung Quốc đạt 216,8 tỷ USD, chiếm 5% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc. Tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc đang có xu hướng tăng, khi sản xuất trong nước đang vướng phải vấn đề môi trường. Theo dự báo của FAO, Trung Quốc sẽ trở thành nước NK thủy sản lớn nhất thế giới với kim ngạch NK khoảng 2,2 - 2,5 tỷ USD, tiêu thụ bình quân đầu người cũng tăng (từ 33,1 kg/người/năm 2010 lên 35,9 kg/người/năm 2020), trong đó tiêu thụ thủy sản tươi như cá, tôm, mực và bạch tuộc sẽ tăng bình quân 4,8%/năm. Chủng loại thủy sản hiện được XK sang Trung Quốc chủ yếu là tôm đông lạnh, cá tra, cá basa, cua, ghẹ… Riêng khu vực Tây Nam Trung Quốc (Trùng Khánh, Tứ Xuyên) có nhu cầu lớn về cá hố. Thời gian qua, liên tục xảy ra tình trạng ùn ứ thủy sản tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) sau khi hải quan Trung Quốc kiểm soát gắt gao về an toàn thực phẩm đối với thủy hải sản XK. Phía Trung Quốc đã có một số động thái siết chặt thương mại thủy sản tiểu ngạch, thắt chặt kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thủy sản xuất khẩu chính ngạch. Trong khi đó, nhiều DN nhỏ của Việt Nam vốn quen XK tiểu ngạch và thiếu thông tin về những quy định XK chính ngạch, dẫn đến bị bất ngờ, thụ động trước tình huống này.
Theo thỏa thuận của cơ quan quản lý hai nước, thủy sản XK từ Việt Nam cần phải đáp ứng điều kiện phía đối tác là Trung Quốc đưa ra. Cần thiết nhất đối với sản phẩm thủy sản là phải được sản xuất tại cơ sở có tên trong danh sách được phép XK do NAFIQAD công nhận, hiện có 137 loài có trong danh mục được phép XK. Có một lưu ý rằng, từng lô hàng thủy sản khi XK phải được kèm theo Chứng thư an toàn thực phẩm do NAFIQAD cấp.
Nguồn: VITIC