Tại miền Nam lặng sóng

Tại Đông Nam Bộ, khu vực nuôi lợn lớn nhất cả nước, ở Đồng Nai 75.000 - 82.000 đ/kg; tại Bình Dương, Tây Ninh, TP HCM 83.000 - 84.000 đ/kg. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long 80.000 - 83.000 đ/kg. Riêng Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu giá lợn hơi vẫn thấp 78.000 - 79.000 đ/kg. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng lợn về chợ trong ngày 17/1/2020 đạt 5.100 con, tình hình buôn bán của thương lái không có nhiều khởi sắc.
Tại miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục đi ngang
Giá lợn hơi tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận và Bình Thuận cùng đạt 85.000 đ/kg, trong khi các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh duy trì ở mức 78.000 - 80.000 đ/kg, có nơi lợn đẹp 81.000 - 82.000 đ/kg; Quảng Bình, Quảng Trị, Huế và Khánh Hoà cùng dừng ở mức 83.000 đ/kg. Chênh lệnh về giá giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ khoảng 3.000 - 5.000 đ/kg; tại Đắk Lắk, Lâm Đồng 76.000 - 85.000 đ/kg.
Tại miền Bắc ổn định
Giá lợn hơi tại Hưng Yên đang dao động 81.000 - 84.000 đ/kg tuỳ loại; Vĩnh Phúc, Phú Thọ đạt 78.000 - 81.000 đ/kg. Tại Nam Định, Tuyên Quang giá lợn báo ở mức 78.000 - 83.000 đ/kg; Hà Nam, Hà Nội, Ba Vì được giao dịch ở mức 81.000 - 83.000 đ/kg; tại Bắc Giang, Thái Bình 81.000 - 84.000 đ/kg; Thái Bình vẫn có nơi bán với giá 87.000 - 88.000 đ/kg đối với lợn đẹp.
Còn chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, mà giá lợn tại khu vực chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh. Vì vậy, khả năng giá sẽ duy trì ổn định từ giờ cho tới Tết.
Theo thông tin từ Bnews.vn, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống ở Hà Nội như: chợ Hôm Đức Viên, Thành Công, chợ Mùng 8-3... đang ổn định ở mức 130.000 - 160.000 đ/kg.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, đối với mặt hàng thịt lợn, nhu cầu của thành phố Hà Nội trong tháng Tết khoảng 22.300 tấn và nguồn cung trên địa bàn thành phố đáp ứng khoảng 60%, tương đương gần 14.000 tấn và còn thiếu từ 8.000 – 9.000 tấn. Trong tháng Tết này, thành phố Hà Nội cùng với Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chủ động nắm bắt nguồn cung của các tỉnh thành phố trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh thành phố vùng đồng bằng sông Hồng giáp với Hà Nội để cung ứng mặt hàng này cho thị trường Hà Nội. Các tỉnh cũng đã cam kết hỗ trợ cho Hà Nội 43.000 tấn trong dịp Tết này.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Biển Đông (DHS) tỉnh Nam Định sẵn sàng cung ứng cho thị trường Hà Nội trong tháng Tết này từ 500 – 1.000 con/ngày tương ứng từ 5.000 – 10.000 tấn/ngày. Đây là sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và sẽ cung ứng đầy đủ cho nhân dân. Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường của Hà Nội cũng đã cam kết với thành phố mức giá sẽ giảm thấp nhất 5% so với giá thị trường. Như vậy, nguồn cung thịt lợn trên địa bàn Hà Nội đến thời điểm này là không thiếu hàng và người dân sẽ được mua sắm các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua khảo sát giá thịt lợn tại hệ thống chợ truyền thống như: chợ Hôm Đức Viên, Phan Huy Chú, Nguyễn Công Trứ, Thành Công, Mùng 8-3... cho thấy, hiện thịt lợn đang giữ ổn định ở mức giá 130.000 - 160.000 đ/kg. Cụ thể giá thịt lợn loại ngon nhất như: sườn non bỏ cục, thịt ba chỉ rút xương, thịt vai gáy... hiện được bán ở mức 180.000 đ/kg, thịt loại 2 như thịt mông sấn, nạc vai, thăn cũng ở mức 130.000 -140.000 đ/kg. Trong khi đó, tại nhiều siêu thị, giá thịt cũng bắt đầu hạ nhiệt. Tại hệ thống siêu thị Co.op mart ở Hà Nội, giá thịt lợn của Công ty CP giảm 5.000 -10.000 đ/kg tuỳ loại so với cách đây một tuần. Thịt ba chỉ, nạc thăn 171.000 - 172.000 đồng, giảm 6.000 đ/kg, sườn non 198.000 đ/kg giảm 7.000 đồng.
Mặc dù, giá thịt lợn đã giảm nhẹ nhưng sức tiêu thụ mặt hàng này không tăng. Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt lợn tại hệ thống chợ truyền thống có chung phản ánh: Mặc dù giá thịt lợn đã giảm từ 7.000 - 10.000 đ/kg nhưng sức mua vẫn không tăng vì tâm lý "ngại" giá cao.
Đối với kế hoạch nhập khẩu thịt lợn, theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Chính phủ đã chỉ đạo chung trên cả nước trong quý I/2020 nhập khẩu khoảng 100.000 tấn; trong đó, có cả những doanh nghiệp của Hà Nội và cả các doanh nghiệp trên cả nước. Sở Công Thương thành phố sẵn sàng kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa khi cung ứng mặt hàng thịt lợn cho thành phố nếu như nguồn cung trong nước thiếu. Đối với địa bàn Hà Nội, qua báo cáo của Cục Hải quan Hà Nội, trong tháng 12/2019, Hà Nội nhập khẩu thịt lợn sản lượng rất ít, chưa đến 100.000 kg. Hiện nay, Hà Nội nguồn cung thịt lợn khác dồi dào nên chưa cần đến việc đặt vấn đề nhập khẩu.
Để đảm bảo bình ổn giá thịt lợn trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo cho các doanh nghiệp phân phối dự trữ nguồn hàng ngay từ đầu. Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội còn kết hợp cùng với lực lượng quản lý thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra các kho hàng và những đơn vị sản xuất chăn nuôi lớn, tránh tình trạng có biểu hiện găm hàng và để đảm bảo giá theo đúng thị trường.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, Sở Công Thương Hà Nội đã vào cuộc cùng tất cả các cơ quan chức năng, quản lý thị trường, Sở Tài chính… sẽ không còn tình trạng găm hàng, đáp ứng được nhu cầu đúng với giá thực tế của thị trường mà người sản xuất và người tiêu dùng đều chấp nhận được trong dịp Tết.
Để phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng; trong đó, đặc biệt chú trọng đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, Sở Công Thương Hà Nội đã giao cho các đơn vị trên địa bàn thành phố phối hợp với các doanh nghiệp phân phối sẵn sàng đưa hàng hóa vào các khu công nghiệp, khu chế xuất để bán hàng cho công nhân trong dịp những ngày giáp Tết khi công nhân được nghỉ Tết, dự kiến sẽ có trên 100 chuyến hàng và 5 phiên chợ Tết được tổ chức ở khu vực ngoại thành.

Nguồn: VITIC