Các nhà nghiên cứu về sức khỏe cảnh báo rằng hơn một triệu người Ấn Độ có thể sẽ bị nhiễm virus corona tính tới giữa tháng 5. Điều này buộc Chính phủ Ấn Độ phải ra lệnh phong tỏa toàn quốc 21 ngày và đóng cửa toàn bộ các đường giao thông hàng không cũng như đường sắt, các cơ sở kinh doanh và trường học. Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo, BV Krishna Rao, cho biết toàn bộ dây chuyền cung cấp bị gián đoạn do lệnh phong tỏa.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tuần này giá giảm còn khoảng 361-365 USD/tấn, thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2019, do các nhà xuất khẩu đang gặp khó vì lệnh phong tỏa. Cách đây một tuần, gạo Ấn Độ cũng đã giảm so với tuần liền trước, xuống 363-367 USD/tấn.
Đồng rupee Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tuần này.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm giá giảm xuống 468-495 USD/tấn, so với mức cao kỷ lục 6,5 năm của tuần trước (480-505 USD/tấn). Nguyên nhân do sự biến động tỷ giá đồng baht, trong khi tình hình cung – cầu không có sự thay đổi.
Thị trường Thái Lan vẫn lo ngại về nguồn cung do nước này tiếp tục bị hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng nhiều thập kỷ. Nhu cầu gạo trong nước ở Thái Lan đối với một số loại gạo tăng nhẹ, giữ cho giá gạo của nước này ở mức cao.
Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố tình trang khẩn cấp trên toàn quốc, nhưng chưa có hạn chế nào ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng hay xuất khẩu nông sản.
“Chúng tôi sẽ không thiếu gạo, nhưng giá chắc chắn sẽ tiếp tục cao do lo ngại về hạn hán làm giảm cung”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết.
Tại Việt Nam, lệnh cấm xuất khẩu gạo nên không có thương gia nào chào bán gạo ở thời điểm này. Các thương gia và nhà xuất khẩu sẽ tạm dừng mọi hoạt động.
Tại Bangladesh, giá gạo trong nước đã tăng thêm 10% so lo sợ về dịch bệnh. Thủ tướng nước này, ông Sheikh Hasina, ngày 25/3 đã kêu gọi người dân hạn chế tích trữ và cho biết nước này còn 1,7 triệu tấn ngũ cốc dự trữ.
Philippines thông báo kế hoạch sẽ giữ nhập khẩu gạo năm nay ở mức tối thiểu, chỉ đủ đáp ứng phần thiếu hụt của sản xuất trong nước, mặc dù tiếp tục thực hiện chính sách tự do hóa nhập khẩu gạo.
Trong buổi tổng kết 1 năm tình hình thực hiện Luật Thuế Gạo, Bộ trưởng Nông nghiệp William Dar cho biết, Philippines đặt mục tiêu nhập khẩu khoảng 1,5 đến 1,6 triệu tấn gạo trong năm nay, là mức tối thiểu để bù vào phần sản xuất trong nước bị thiếu hụt. Ông cũng cho biết, sau vụ thu hoạch Hè, vào khoảng tháng 6-7 tới, Philippines sẽ mở cửa nhập khẩu trở lại. Hiện tại, Philippines có lượng dự trữ gạo đủ dùng cho 80 ngày, tức là đủ cho tới sau vụ thu hoạch Hè (tháng 5 tới).

Nguồn: VITIC/Reuters