Tại Thái Lan, báo chí nước này cho biết nước này đã ký được một hợp đồng bán gạo cho Iraq – gần 10 năm sau khi để mất thị trường này vì khách hàng lo ngại về chất lượng.
Gạo 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan tuần này có giá 390 – 408 USD/tấn, so với 390 – 413 USD/tấn của tuần trước.
Các thương gia cho biết họ kỳ vọng thị trường Iraq có thể giúp đẩy tăng nhu cầu gạo Thái Lan, giữa bối cảnh nguồn cung lúa vụ mới sẽ có trên thị trường trong vài tuần tới có thể làm gia tăng áp lực giảm giá.
Xuất khẩu gạo của Thái Lan đã bị ảnh hưởng nhiều bởi giá cao hơn các xuất xứ khác, nhất là gạo Việt Nam, chủ yếu do đồng baht mạnh. Baht là đồng tiền Châu Á tăng giá mạnh nhất trong năm nay.
Reuters dẫn lời một thương gia Thái Lan cho biết, công ty của ông không bán được chút gạo nào trong suốt hơn một tháng qua do khách hàng chuyển hướng sang mua gạo Việt Nam có giá rẻ hơn.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá vững ở mức 345 – 350 USD/tấn như tuần trước trong bối cảnh giao dịch hiện cũng chậm. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức cao nhất 4,5 tháng vào tháng 9/2019. Tuy nhiên, gạo Hương Nhài giá tăng lên 520 USD/tấn do nguồn cung khan hiếm.
Nguồn cung lúc này không còn nhiều vì đã cuối vụ thu hoạch Hè Thu, điều này ngăn giá giảm. Tuy nhiên, tuần này không có hợp đồng mới nào vì hầu hết khách hàng đang chờ đợi nguồn cung vụ mới – vụ Thu Đông ở ĐBSCL, dự kiến vào tháng 12.
Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm giá ở mức khoảng 365-370 USD/tấn, giảm so với 368-372 USD/tấn tuần trước.
“Nhu cầu yếu. Chúng tôi đang chờ đợi nguồn cung vụ mới – có thể sẽ gia tăng trong tháng này”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) cho biết.
Nhiều bang trồng lúa ở nước này 2 tuần qua đã có mưa khiến vụ thu hoạch bị chậm lại, một số diện tích bị ảnh hưởng.
Tại Bangladesh, sản lượng gạo dự kiến tăng 2,27% lên 35,8 triệu tấn trong năm kéo dài từ tháng 5/2018 đến tháng 4/2019 nhờ thời tiết thuận lợi.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nhập khẩu gạo sẽ đạt 50.000 tấn trong năm tính tới tháng 4/2019, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: VITIC/Reuters