Gạo 5% tấm của Thái Lan giá 390-404 USD/tấn, FOB Bangkok, giảm so với 395-413 USD/tấn cách đây một tuần.
"Vụ lúa mới dự báo sẽ bắt đầu thu hoạch từ tháng tới, và giá sẽ giảm dần. Tuy nhiên, đồng baht mạnh lên có nghĩa là giá xuất khẩu vẫn được hỗ trợ”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết.
Nhu cầu đối với gạo Thái Lan vẫn ổn định vì đồng baht tăn so với USD. Xuất khẩu gạo Thái Lan vẫn duy trì ở mức vừa phải do đồng nội tệ lên giá.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo Thái Lan giảm 12%, bị ảnh hưởng bởi tỷ giá (baht tăng), và chắc chắn sẽ không đạt mục tiêu 9,5 triệu tấn trong năm nay.
Thái Lan đã xuất khẩu 4,2 triệu tấn gạo trong giai đoạn tháng 1 – tháng 6/2019. Đơn đặt hàng trong 2 tháng qua giảm xuống chỉ 600.000 tấn/tháng, theo thông tin từ Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan.
Đối với Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, giá loại đồ, 5% tấm tuần này khoảng 374 – 377 USD/tấn, tăng so với 371-374 USD/tấn tuần trước.
Đồng rupee Ấn Độ cũng tăng lên mức cao nhất 11 tháng, làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.
“Gần như không có khách hàng nào mua gạo trắng, nhu cầu gạo đồ từ khách hàng Châu Phi cũng chỉ ở mức vừa phải”, Reuters dẫn lời ông B V Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết.
Chính phủ nước này cũng đã nâng giá thu mua gạo thường vụ mới của nông dân thêm 3,7%.
Xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ dự kiến đạt 4,71 tỷ USD trong năm 2018 - 2019 so với 3,2 tỷ USD trong năm 2016 – 2017. Về khối lượng, xuất khẩu tăng từ gần 4 triệu tấn lên 4,4 triệu tấn trong năm 2018 - 2019. Tương tự, xuất khẩu gạo non-basmati cũng sẽ lên tới 3 tỉ USD trong năm tài chính vừa qua từ 2,52 tỉ USD trong năm 2016 - 2017.
Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cho biết việc quảng bá các sản phẩm nông nghiệp như gạo basmati là một quá trình liên tục. Theo Bộ trưởng, 10 điểm đến hàng đầu của xuất khẩu nông sản Ấn Độ gồm Mỹ, Việt Nam, Iran, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bangladesh và Arab Saudi.
Trong khi đó, Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu từ các quốc gia gồm Indonesia, Ukraine, Argentina, Mỹ, Malaysia và Brazil, theo Hindu BusinessLine.
Trong khi đó, nước láng giềng Bangladesh sẽ thu mua 400.000 tấn thóc với giá 26.000 taka (307,73 USD)/tấn trong vụ mùa này để hỗ trợ nông dân trong nước, ngăn giá giảm mạnh. Động thái này sẽ có lợi cho hầu hết nông dân vì họ đang cần tiền mặt, nhất là sau khi vụ thu hoạch đã kết thúc mà giá bán trên thị trường lại rẻ.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá tăng lên 335 – 340 USD/tấn, từ mức 330-335 USD/tấn tuần trước, khi các doanh nghiệp cố gắng tăng lợi nhuận.
“Nhu cầu đối với gạo 5% tấm tuần này vẫn yếu”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết. “Chúng tôi chỉ nhận được đơn hàng đối với gạo thơm”
Số liệu sơ bộ cho thấy, gần 60.000 tấn gạo đã đuộc bốc xếp tại cảng TP HCM trong giai đooạn 1-16/7/2019, so với 311.700 tấn trong tháng 6/2019. Hầu hết gạo đó xuất sang Iraq, Malaysia và Tây Phi.
Tại Campuchia, dữ liệu chính thức công bố hôm 8/7 cho thấy xuất khẩu gạo sang Liên minh châu Âu (EU) đã giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm, theo sau đợt áp thuế quan, nhưng bù lại doanh số bán hàng sang Trung Quốc đã tăng trong cùng giai đoạn.
Cụ thể, theo Ban Thư ký về Dịch vụ một cửa về xuất khẩu gạo Campuchia, trong nửa đầu năm 2019, xuất khẩu gạo Campuchia sang EU đã giảm 32% so với cùng kì năm ngoái xuống còn 93.503 tấn.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đã tăng 66% trong cùng thời kì lên 118.401 tấn, trong khi tổng xuất khẩu gạo tăng 3,7% lên 281.538 tấn, với Australia là thị trường mới.
Phó chủ tịch công ty Amru Rice - xuất khẩu gạo sang quốc gia khác, ông Kann Kunthy cho biết thuế quan của EU khiến loại gạo trắng hạt dài của Campuchia không còn cạnh tranh.

Nguồn: VITIC/Reuters

Nguồn: Vinanet