Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, sau thời gian giảm sâu, hiện giá tôm hùm thương phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bắt đầu tăng trở lại từ 100.000 – 300.000 đồng/kg; tôm hùm xanh nhích lên 700 – 710 nghìn đồng/kg so với 2 tháng trước.
Cụ thể, đối với tôm hùm xanh hiện ở mức từ 700 - 720 ngàn đồng kg, trước đó từ 500 - 600 ngàn đồng/kg. Còn tôm hùm sao (bông) ở mức từ 1,2 - 1,4 triệu, trước đó từ 1 - 1,1 triệu đồng/kg.
Một thương lái cho biết, sở dĩ giá tôm hùm tăng không phải thị trường Trung Quốc đang hút hàng mà do nguồn cung khan hiếm. Nghĩa là sau khi giá tôm giảm sâu, người nuôi xuất bán thua lỗ nên có tình trạng "ghim" hàng để chờ giá. Bên cạnh đó, do chi phí đầu tư lứa tôm này cũng tăng cao nên buộc giá tôm thịt phải nhích lên.
Vấn đề trên được nhiều người nuôi tôm ở xã Cam Bình xác nhận, từ khi giá tôm hùm giảm sâu người nuôi trên địa bàn cũng hạn chế xuất bán.
Một người nuôi tôm ở thôn Bình Ba Tây (Cam Bình) cho biết, mức giá tôm xanh dao động từ 700 - 720 ngàn đồng/kg mới tăng lên vài ngày nay. Song mức giá này vẫn thấp hơn thời điểm năm ngoái từ 100 - 200 ngàn đồng/kg.
Dù giá tôm thương phẩm đã tăng từ 100 - 300 ngàn đồng/kg so với cách đây 2 tháng, nhưng người nuôi không vui mừng. Bởi xuất bán với giá này người nuôi cũng không có lãi, vì chi phí đầu vào tăng cao.
Được biết, từ đầu năm đến nay toàn xã Cam Bình đã thu hoạch hơn 300 tấn, vượt chỉ tiêu được giao khoảng 100 tấn. Dự kiến, từ nay đến cuối năm người nuôi sẽ thu hoạch khoảng 100 tấn tôm thịt nữa.
Dẫn nguồn tin từ báo Pháp luật, được biết Mỹ dùng công nghệ blockchain truy xuất 'lý lịch' tôm.
Theo trang tin chuyên về thủy sản của Mỹ là Undercurrent News, Walmart sẽ triển khai dự án thí điểm đầu tiên sử dụng blockchain để truy xuất tôm từ người nuôi tôm Ấn Độ xuất khẩu tới một nhà bán lẻ ở nước ngoài.
Theo Walmart, việc này có thể giúp người nuôi thủy sản trong khu vực đẩy mạnh chuỗi cung ứng tôm và củng cố niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm, góp phần giúp Ấn Độ trở thành nguồn cung cấp thủy sản được ưa chuộng. Cùng với đó, tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm và tính minh bạch cho người tiêu dùng ở Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết từ ngày 1/1/2019, Mỹ cũng đã triển khai Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP) đối với thủy sản Việt Nam. Theo đó, yêu cầu khai báo và lưu giữ hồ sơ đối với hàng thủy sản nhập khẩu nhằm ngăn chặn các sản phẩm đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát hoặc giả mạo xâm nhập thị trường Mỹ.
Đối tượng bị ảnh hưởng chính ở Việt Nam bao gồm tôm (gồm cả khai thác và nuôi), cá kiếm, cá ngừ (mắt to, vây vàng, ngừ vằn), ghẹ xanh. Tôm và bào ngư nhập khẩu vào Mỹ sẽ bắt buộc phải tuân thủ những quy định của SIMP, gồm cấp phép, báo cáo dữ liệu và lưu giữ hồ sơ. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đều phải chuẩn bị hồ sơ truy xuất nguồn gốc cho các lô hàng tôm sang Mỹ.
Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Trương Đình Hòe cho biết, về hồ sơ truy xuất nguồn gốc cho các lô tôm, các doanh nghiệp tôm Việt Nam không e ngại lắm. Bởi để xuất khẩu tôm được bền vững sang Mỹ hay EU, lâu nay tôm Việt Nam đã thực hiện theo các tiêu chuẩn như BAP, ASC, mà trong đó đều có yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.
Đối với cá tra, nhiều thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Đại Liên… bất ngờ tiêu thụ cá tra nhập từ Việt Nam tăng mạnh.
Cũng theo nguồn tin từ báo Pháp Luật, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra đạt 1,3 tỉ USD, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra giảm, có nguyên nhân chính từ sự sụt giảm rất mạnh ở thị trường quan trọng hàng đầu là Mỹ, giảm tới 42% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, Trung Quốc lại tiêu thụ mạnh cá tra Việt Nam. Tám tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã đạt 389,8 triệu USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cá tra nguyên con sang các tỉnh phía nam Trung Quốc, thì trong năm nay, cá tra phi lê đã thâm nhập vào nhiều TP lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Đại Liên…
Dù nước này siết chặt thương mại biên mậu và kiểm soát chất lượng nhưng từ tháng 6 đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam và nhà nhập khẩu Trung Quốc vẫn bắt kịp những yêu cầu mới và có những điều chỉnh phù hợp.
Đặc biệt, trong tháng 7, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng tới 71% so với cùng kỳ. Tiếp đó, trong tháng 8/2019, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ở mức rất cao hơn 63%.
Với sự tăng trưởng mạnh trong mấy tháng qua, Trung Quốc đã trở lại vị trí là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường này vượt xa so với hai thị trường đứng tiếp sau là Mỹ và EU.
Các sản phẩm cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc hiện đã khá đa dạng: Cá tra phi lê đông lạnh, cá tra nguyên con xẻ bướm tẩm muối đông lạnh, bong bóng cá tra sấy, bong bóng cá tra đông lạnh, cá tra cắt khoanh đông lạnh, cá tra nguyên con đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh...
Hiện nay, Trung Quốc đã mở cửa thị trường cho 3 loại thủy sản của Việt Nam. Theo đó ngao hoa, ngao trắng và nghêu lụa đã được đưa vào danh mục các sản phẩm thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Phía Trung Quốc cho rằng, các sản phẩm này của Việt Nam đã được phía Trung Quốc tiến hành đánh giá hệ thống kiểm soát thủy sản, Danh mục hiện cũng đã có các sản phẩm ngao, ốc khác và nguồn gốc của 3 sản phẩm thủy sản này được khai thác tự nhiên, được phía Việt Nam quản lý và chứng nhận với quy trình tương đồng.
Thông báo của phía Trung Quốc cũng đề nghị Việt Nam triển khai việc kiểm nghiệm kiểm dịch và cấp Chứng thư theo mẫu đã được hai Bên thống nhất để các sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc được triển khai thuận lợi.
Như vậy, với việc mở cửa thêm 3 loại thủy sản nêu trên, đã có 48 loài thủy sản các loại của Việt Nam được Trung Quốc cập nhật vào Danh mục các sản phẩm thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc để làm thực phẩm và 36 loài được phép nhập khẩu làm động vật cảnh và 1 loài làm giống nuôi.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2019 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 831,81 triệu USD, tăng 14,19% so với cùng kỳ, chiếm 3,2% tổng lượng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ra thế giới. Hơn 630 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang Đài Loan.
Nguồn: VITIC