Thành phố Đại Liên là một trong những trung tâm chế biến cá thịt trắng hàng đầu của Trung Quốc và cũng là trung tâm buôn bán thủy sản nhập khẩu; trong nửa đầu năm nay đã xuất khẩu 256.000 tấn thủy sản, giảm 0,17% so với cùng kỳ năm trước - đây là lần đầu tiên xuất khẩu sụt giảm kể từ năm 2008. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại tăng 4,9%, đạt 920 triệu USD (tương đương 812,7 triệu EUR). Lượng thủy sản nhập khẩu đạt 448.000 tấn, tăng 1,35%; trị giá 700 triệu USD, tăng 9,27%.

Theo khảo sát của SeafoodSource tại trung tâm bán buôn thủy sản Heizui Zi của thành phố Đại Liên, cho thấy có mối liên quan đặc biệt giữa xuất khẩu thủy sản với tăng trưởng kinh tế và sự bất ổn tiền tệ. Lo ngại lớn nhất của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu là: nhu cầu trong nước giảm, sự bất ổn về kinh tế và nhân dân tệ mất giá đã tác động đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp.

1) Sự bất ổn về kinh tế: Các công ty thủy sản Trung Quốc vẫn lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là từ năm 2015 tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức thấp nhất trong 25 năm qua và thị trường chứng khoán đã giảm 50% giá trị. Theo ước tính, nợ của các doanh nghiệp vẫn còn cao hơn 100% GDP của cả nước (nợ chính phủ thậm chí còn cao hơn).

Quý II/2016 kinh tế Trung Quốc đang dần ổn định, nhưng phần lớn là nhờ vào các khoản cho vay của chính phủ và gói kích thích tăng trưởng, nhưng nó sẽ không bền vững do các khoản nợ lớn của các ngân hàng và khu vực doanh nghiệp. Thực tế là đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân chỉ tăng 2,3% trong nửa đầu năm nay, cho thấy các doanh nghiệp đang lo ngại về triển vọng kinh tế. Chính phủ chưa đưa ra triển vọng về cải cách kinh tế, có rất nhiều cam kết sẽ mở cửa thị trường, nhưng hiện vẫn đang bị kiểm soát bởi các doanh nghiệp nhà nước.

Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc đã hứa hẹn vào cuối tháng 7 là ưu tiên tăng vốn cho các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện doanh nghiệp tư nhân chiếm 80% lao động của Trung Quốc, nhưng do kinh tế tăng trưởng chậm, lợi nhuận sụt giảm và đồng nhân dân tệ mất giá, đã làm cho họ chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài.

2) Nhu cầu trong nước giảm: Hầu hết các công ty được khảo sát tại Heizui Zi đều cho rằng, tìm việc làm ở Trung Quốc rất khó khăn, do doanh thu ngành thủy sản giảm. Cơ hội việc làm nói chung tại Trung Quốc bị thu hẹp trong năm 2016:  tỷ lệ việc làm của các nhà máy chỉ đạt 47,9% (giảm gần 50%) trong 6 tháng đầu năm, do tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ khó khăn - vì vậy tỷ lệ việc làm của ngành dịch vụ chỉ đạt 48,7%. Thị trường bất động sản chưa hồi phục (chỉ đạt 62% trong nửa đầu năm 2016).

3) Nhân dân tệ mất giá: các công ty thủy sản đang rất lo ngại về sự mất giá của đồng nhân dân tệ sẽ làm giảm giá bán buôn hàng hóa, điều này làm khó khăn trong cạnh tranh xuất khẩu. Nhân dân tệ mất giá sẽ gây trở ngại cho kế hoạch đa dạng hóa kinh doanh trong nước và  nhập khẩu.

Hầu hết các ngân hàng đầu tư đều cho rằng nguyên nhân chủ yếu do đồng nhân dân tệ mất giá. Để ổn định nền kinh tế, Trung Quốc đã phải tăng dự trữ của chính phủ trong năm qua thêm gần 600 tỷ USD (tương đương 529,9 tỷ EUR). Ám ảnh của sự mất giá nhân dân tệ vẫn còn; trong những tháng gần đây chính phủ đã đưa ra một loạt các chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển tiền mặt từ nước ngoài về để đổi lấy nhân dân tệ. Điều đáng ngạc nhiên là tỷ giá đồng nhân dân tệ so với USD trong những năm đầu thập niên 1980 đã đứng ở mức 2,46 NDT = 1 USD, có lúc tăng lên mức 1,5 NDT = 1USD nhưng sau đó giảm mạnh xuống 8,62 NDT = 1USD vào năm 1994 do Trung Quốc tìm cách tăng khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu. Sau đó tỷ giá tăng trở lại mức 8,11 vào năm  2005, nhưng hiện nay đứng ở mức 6,5.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã điều chỉnh tỷ giá NDT ở mức hợp lý, biên độ dao động khoảng 2% so với USD. Cuối cùng, Trung Quốc vẫn muốn tự thanh toán các giao dịch quốc tế bằng tiền tệ của mình, nhưng đồng nhân dân tệ vẫn chỉ được giao dịch trên tài khoản vãng lai, giao dịch thương mại, chứ không được giao dịch trên tài khoản vốn, mà tài khoản này dành cho các dòng vốn đầu tư và ngân hàng.

Nguồn: VITIC/seafoodsource.com

 

Nguồn: Vinanet