Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết, chỉ số giá gạo FAO (2002-04 = 100) trung bình 213,8 điểm vào tháng 11, giảm 1,2% so với mức tháng 10 sửa đổi là 216,4 điểm, mức thấp trong 14 tháng.
 Sự suy giảm so với tháng trước là kết quả của việc giảm 1% gạo Indica chất lượng cao và giảm 2,4% gạo Nhật. 
Ngược lại, chỉ số giá gạo thơm tăng 1,3% so với tháng 10 được củng cố bởi những kỳ vọng về việc thu hoạch gạo thơm ở Ấn Độ và Thái Lan, cùng với việc tăng giá đồng rupee. 
Về tình hình sản xuất lúa gạo trong nước, theo báo cáo tháng 11 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến hết tháng 11, cả nước đã gieo cấy được 7,96 triệu ha lúa, tương đương với cùng kỳ; thu hoạch được 6,8 triệu ha. 
Mặc dù, diện tích gieo cấy giảm nhưng năng suất bình quân ước đạt 58,8 tạ/ha, tăng khoảng 1,3 tạ/ha nên sản lượng lúa ước đạt trên 40 triệu tấn, tăng 1,3 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2017. 
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 năm 2018 ước đạt 496 nghìn tấn với giá trị đạt 241 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,7 triệu tấn và 2,9 tỷ USD, tăng 5,6% về khối lượng và tăng 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. 
Dự báo cho tháng 12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết gạo xuất khẩu khả năng giữ vững đà tăng trưởng, kỳ vọng có thể đạt 6,15 triệu tấn. Kim ngạch đạt 3,15 tỉ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về trị giá so với năm 2017.
 Mục tiêu này có thể đạt được bởi thị trường gạo trong những tháng cuối năm đang có tín hiệu nhập khẩu của thị trường Indonesia và Philippines. Trong phiên mở thầu nhập 500.000 tấn gạo loại 25% tấm hôm 20/11 của Philippines, Việt Nam đã giành được hợp đồng xuất khẩu vào quốc gia này với khối lượng 118.000 tấn. 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, năm nay cơ cấu giống lúa thay đổi quá nhanh, hàng gạo thường (giống IR 50404) giảm mạnh, trong khi gạo thơm, gạo Đài Thơm 8… tăng nhanh nên dư thừa. Loại gạo thường thiếu, nên bị đẩy giá cao quá. Các kho mắc kẹt ở khung giá cao và không cạnh tranh được với gạo của các nước như Thái Lan. 
Mặt khác, thị trường lớn nhất của ngành gạo Việt Nam là Trung Quốc đang có những biểu hiện rất khó lường. Nhiều khả năng năm 2019, thị trường Trung Quốc sẽ rất khó khi ra nhiều hàng rào kỹ thuật, từ yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm dịch, bao bì… rất gắt gao, ngặt nghèo.

download-thi-truong-gao-thang-11_NSDE.pdf

Nguồn: Minh Anh/Vietnambiz,Kinh tế & Tiêu dùng