Bất chấp những nỗ lực của các cường quốc xuất khẩu dầu mỏ trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhằm níu giữ giá dầu, thị trường "vàng đen" thế giới vẫn có xu hướng lao dốc. Kể từ đầu mùa hè, giá dầu chỉ dao động trong khoảng 57 đến 65 USD/thùng, mức thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nước xuất khẩu dầu lớn trên thế giới. Giá dầu thô lao dốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gây tâm lý hoang mang lan rộng trên các thị trường tài chính toàn cầu. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng lo ngại về những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra giữa Iran và Mỹ, cùng diễn biến phức tạp tại vùng Vịnh, nơi có tuyến đường biển chiến lược chuyên chở dầu mỏ từ "rốn dầu" Trung Ðông ra thị trường thế giới.
Theo các nhà phân tích, căng thẳng ở eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển gần 20% lượng dầu mỏ và 30% lượng khí đốt thiên nhiên hóa lỏng của thế giới, chỉ phần nào tác động đến giá dầu mỏ. Thị trường "vàng đen" chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi khác, trong đó có hai yếu tố then chốt là việc Mỹ tiếp tục tăng sản lượng khai thác dầu và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, chỉ tính trong tháng 5-2019, sản lượng khai thác của Mỹ đã đạt 12,1 triệu thùng/ngày, tăng hơn 1,7 triệu thùng so cùng kỳ năm trước. Từ nhiều tháng qua, sản lượng dầu thô của Mỹ gần như vượt các dự báo một cách có hệ thống. Ðiều này dẫn tới việc Mỹ dù vẫn nhập khẩu một lượng nhỏ dầu thô nhưng lại xuất khẩu ngày càng nhiều, khiến nguồn cung thế giới tăng đáng kể. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ đe dọa đến nhu cầu dầu mỏ. Giới quan sát nhận định rằng, cuộc chiến thương mại này sẽ làm giảm nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung. Hiện, Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã tiêu thụ tới 20% lượng dầu nhập khẩu toàn cầu năm 2018. Quỹ đạo xuống dốc của giá dầu còn chịu sự tác động đáng kể của dấu hiệu kinh tế suy giảm. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang trở nên ngày một khốc liệt là nguyên nhân khiến Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) điều chỉnh giảm dự đoán tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu trong hai năm 2019 và 2020. Báo cáo hằng tháng của IEA mới đây điều chỉnh tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2019 giảm 0,1 triệu thùng, xuống còn 1,3 triệu thùng/ngày. Theo IEA, tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới đang ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu cũng tăng trưởng rất chậm trong sáu tháng đầu năm 2019. Tính từ tháng 1 đến tháng 5 vừa qua, nhu cầu dầu mỏ tăng 520 nghìn thùng/ngày, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn này kể từ năm 2008. Ðáng chú ý, riêng trong tháng 5 vừa qua, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu giảm ở mức 160 nghìn thùng/ngày so cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh hai yếu tố nêu trên, thị trường dầu mỏ thế giới cũng chịu tác động không nhỏ từ yếu tố địa chính trị. Bởi thế, giá dầu sẽ ở trạng thái bấp bênh, không ổn định nếu nguy cơ xung đột giữa Iran và Mỹ gia tăng. Khía cạnh này đôi khi lại có thể là yếu tố chính đẩy giá dầu tăng trở lại. Trong khi đó, OPEC và Nga còn quyết định duy trì chính sách nghiêm ngặt cắt giảm sản lượng khai thác dầu của các thành viên nhằm đẩy giá dầu lên cao. Chính sách này từng khiến thị trường dầu mỏ rơi vào tình trạng khan hiếm nhẹ trong thời gian ngắn do bị giảm nguồn cung.
Mặc dù các nước trong và ngoài OPEC đã đưa ra các chính sách nhằm bình ổn giá dầu, song thị trường dầu mỏ hiện vẫn chưa có dấu hiệu ổn định. IEA cho rằng, triển vọng khó khăn về một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Mỹ trong vấn đề thương mại có thể kéo theo việc sụt giảm hoạt động thương mại và khiến việc tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ yếu đi. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường dầu mỏ còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, trong đó có vấn đề an ninh dầu mỏ tại vùng Vịnh, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran, thành viên quan trọng của OPEC, leo thang. Hàng loạt các yếu tố khách quan đang tác động mạnh mẽ tới tâm lý các nhà đầu tư và thị trường "vàng đen" được dự báo sẽ còn bấp bênh và tiềm ẩn nhiều rủi ro trong thời gian tới.
 Nguồn: Thanh Hà/Nhandan.com.vn