Dịch Covid-19 đã xảy ra khoảng 9 tháng nay. Ảnh hưởng của dịch bệnh này đã thể hiện ở mọi ngành hàng, kể cả ngành đường, làm cho nhu cầu ở nhiều thị trường sụt giảm. Tuy nhiên, nhu cầu đường và dòng chảy thương mại mặt hàng này đến nay bị ảnh hưởng rất ít.
Dưới đây là những chia sẻ của ông Jose Orive - Giám đốc điều hành Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) về triển vọng thị trường đường toàn cầu, được đăng tải trên trang ChiniMandi News.
Về thị trường đường thế giới sau sau đại dịch Covid-19, ông Jose Orive cho biết: "Quan điểm của tôi về yếu tố cơ bản (cung – cầu) của thị trường đường toàn cầu đã có sự thay đổi, sau khi bổ sung những tác động của Covid-19 vào số liệu tiêu thụ của các quốc gia, dẫn tới mức tăng trưởng tiêu thụ đường giảm xuống, và sản lượng đường Brazil những tháng gần đây gia tăng".
Thiếu cung đường trên toàn cầu
Mỗi một trong các yếu tố kể trên đã làm cho số liệu về thiếu hụt đường thế giới giảm khoảng 3 triệu tấn. Do đó, cán cân cung – cầu đường thế giới cho thấy, thiếu cung đường toàn cầu (chênh lệch giữa mức tiêu thụ và sản lượng đường của thế giới) trong niên vụ 2019/20 theo đánh giá mới nhất ước tính là 0,136 triệu tấn, giảm so với mức thiếu hụt 9,298 triệu tấn đưa ra hồi tháng 5/2020, trong đó ảnh hưởng của Covid-19 đến thiêu thụ là khoảng 2,1 triệu tấn.
Kết quả, cán cân cung – cầu đường toàn cầu chuyển từ thâm hụt nhiều nhất trong vòng 11 năm sang thiếu hụt vừa phải.
Về niên vụ 2020/21, những đánh giá ban đầu của ISO cho rằng thâm hụt sẽ ở mức 0,724 triệu tấn. Việc Brazil tăng đáng kể tỷ lệ mía dùng sản xuất đường là yếu tố chính dẫn tới việc ISO điều chỉnh mức đánh giá về thiếu hụt đường toàn cầu trong cả niên vụ 2019/20 và 2020/21 từ mức rất lớn xuống mức vừa phải; cùng với đó là tiêu thụ đường ở một số quốc gia giảm tổng cộng 2,7 triệu tấn.
Sản lượng đường thế giới
ISO cũng điều chỉnh tăng ước tính về sản lượng đường thế giới niên vụ 2019/20 lên 169,579 triệu tấn, cao hơn 2,781 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 5, nhưng giảm 4,457 triệu tấn (2,5%) so với niên vụ trước.
Nguồn cung đường thế giới niên vụ này được bổ sung thêm 2,997 triệu tấn từ Brazil, dẫn tới cung đường vụ này tăng tổng cộng 8,364 triệu tấn so với niên vụ trước. Sự thay đổi này đã khiến cho mức thiếu hụt đường toàn cầu trở thành gần như số 0. Sự thay đổi về nguồn cung đường toàn cầu chủ yếu xuất phát từ sự ‘linh hoạt’ giữa sản xuất đường và ethanol của Brazil, và triển vọng sản lượng của một nước sản xuất đường lớn khác là Ấn Độ.
Trong niên vụ 2020/21, sản lượng đường của Brazil và Ấn Độ dự báo sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm.
Tiêu thụ đường thế giới
Tiêu thụ thế giới trong năm 2019/20 dự kiến sẽ giảm 0,968 triệu tấn, tương đương 0,53%, so với năm trước, xuống còn 169,715 triệu tấn. Tuy nhiên, sự thay đổi này không thể hiện hoàn toàn ở con số điều chỉnh của ISO, vì vì tiêu thụ đường toàn cầu năm 2018/19 đã giảm 3,097 triệu tấn so với báo cáo của tổ chức này đưa ra vào tháng 5/2020, do tiêu thụ của nhiều quốc gia ước tính giảm.
Số liệu đánh giá về tiêu thụ đường thế giới niên vụ 2019/20 có sự kết hợp của mức tăng tiêu thụ vừa phải cộng với ảnh hưởng của việc các nước phong tỏa chống Covid-19 - tương đương khoảng 2,723 triệu tấn.
Về niên vụ 2020/21, tiêu thụ đường toàn cầu dự báo là 174,186 triệu tấn, tăng 4,261 triệu tấn so với vụ trước trong giả định không xảy ra Covid-19. Còn tính cả tác động của Covid-19 thì tiêu thụ đường trong niên vụ tới sẽ chỉ còn tăng khoảng 2,436 triệu tấn so với vụ 2019/20, tương đương tỷ lệ tăng 1,97% trong giai đoạn hai năm.
Giá và dòng chảy đường toàn cầu, ông Orive cho biết: Chỉ số đồng USD (Dollar index) đã giảm 3 tháng liên tiếp, cho thấy tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế Mỹ là rất lớn. Đồng USD yếu đi hỗ trợ giá hàng hóa đi lên. Theo Ngân hàng Thế giới, giá nông sản trên toàn cầu đã tăng trong thời gian qua, ở mức vừa phải – khoảng 3%.
Đồng real Brazil tháng 5/2020 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, khoảng 6 BRL/USD. Trong khi đó, USD yếu đi trên diện rộng khiến cho EUR nghiễm nhiên tăng giá, đã tăng khoảng 8% kể từ tháng 5 đến tháng 7/2020. Tuy nhiên, do đặc thù về cung – cầu, giá đường nội địa tại các thị trường mà ISO theo dõi có kết quả rất khác nhau, cụ thể là tăng ở Brazil, EU, Ấn Độ và Nga, trong khi giảm ở Trung Quốc.
Giá dầu thô, sau khi giảm mạnh trong tháng 4/2020, đã hồi phục phần nào những gì đã mất vào những tháng sau đó. Giá dầu Brent trung bình trong tháng 7/2020 ở mức 43 USD/thùng. Việc các nước trên khắp thế giới dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và lĩnh vực tư nhân ở khắp Châu Á, Mỹ và Châu Âu hồi phục đã thúc đẩy tiêu thụ dầu tăng lên.
Cung đường thô xuất khẩu trên toàn cầu dự báo đạt tổng cộng 36,410 triệu tấn trong năm 2019/20, tăng hơn 4 triệu tấn so với 32,236 triệu tấn năm 2018/19, trong khi cung đường thô trong vụ 2020/21 dự báo đạt 36,245 triệu tấn. Sự gia tăng mạnh trong cán cân cung đường thô có thể thấy ở một số thị trường: Brazil (+5,675 triệu tấn), Australia (+795.000 tấn) và Ấn Độ (+300.000 tấn); trong khi một số thị trường khác sẽ có nguồn cung giảm, là Thái Lan (-1,879 triệu tấn) và Mexico (-665.000 tấn).
Về triển vọng xuất khẩu ở niên vụ 2020/21, xuất khẩu của Brazil dự báo tiếp tục tăng lên 23 triệu tấn (+2,2 triệu tấn) trong khi của Thái Lan giảm mạnh xuống còn 1,5 triệu tấn (-2,7 triệu tấn).
Nhu cầu nhập khẩu đường thô năm 2019/20 dự kiến tăng 3,380 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu đường của Trung Quốc dự báo sẽ tăng 1,7 triệu tấn, trong khi của nhiều thị trường khác cũng sẽ tăng, đó là: Ấn Độ, Bangladesh, Saudi Arabia, Nigeria và Algeria. EU, bao gồm cả Anh, cũng dự kiến sẽ tăng khối lượng nhập khẩu. Về năm 2020/21, nhu cầu nhập khẩu nhìn chung tương tự như vụ 2019/20, ngoại trừ Ấn Độ dự báo sẽ giảm nhập khẩu, nhưng không phải vì sản lượng trong nước tăng.
Cung đường trắng xuất khẩu trên toàn cầu dự báo sẽ giảm ở cả niên vụ 2019/20 (-1,183 triệu tấn) và 2020/21 (-11.000 tấn), mặc dù xuất khẩu của Ấn Độ dự báo sẽ tiếp tục tăng và xuất khẩu của Thái Lan sẽ giảm; tính chung xuất khẩu của 2 nước này giảm tổng cộng khoảng 189.000 tấn trong năm 2020/21. Xuất khẩu của Nga trong năm 2020/21 dự báo sẽ giảm xuống còn 300.000 tấn, từ mức 1,7 triệu tấn của năm 2019/20; của EU sẽ giảm 839.000 tấn trong cùng niên vụ, và 2 thị trường này cũng là nguyên nhân chính dẫn tới xuất khẩu đường thô thế giới giảm trong năm 2020/21. Nhu cầu nhập khẩu đường trắng năm 2019/20 tăng ở một số thị trường, đó là Pakistan (+630.000 tấn) và Mỹ (+427.000 tấn), do sản lượng giảm.
Về sản lượng ethanol thế giới, ông Orive cho biết, ISO đã điều chỉnh giảm dự báo về sản lượng ethanol toàn cầu trong năm 2020 xuống còn 100,4 tỷ lít, do các nhà máy Brazil tiếp tục tập trung vào sản xuất đường thay vì sản xuất ethanol. Tiêu thụ ethanol toàn cầu năm 2020 dự kiến đạt 99,4 tỷ lít, thấp hơn 12,7 tỷ lít so với năm 2019 là và là mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Khi các quốc gia nới lỏng các biện pháp cách ly, giao thông trên thế giới bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, dịch Covid-19 sẽ còn ảnh hưởng lâu dài tới nhu cầu nhiên liệu. Dự báo sơ bộ cho thấy, nhu cầu ethanol năm 2021 sẽ hồi phục lên 109,3 tỷ lít. Thương mại ethanol toàn cầu năm 2020 sẽ tiếp tục được chi phối bởi xuất khẩu của Mỹ, mặc dù dự kiến xuất khẩu của nước này sẽ giảm năm thứ hai liên tiếp do các thị trường nhập khẩu giảm tiêu thụ nhiên liệu. Xuất khẩu ethanol dự báo tăng do đồng BRL yếu đi.
Thị trường đường Việt Nam vụ 2020/21 dự báo sẽ tiếp tục khó khăn do giá thành sản xuất đường cao khiến đường nội khó cạnh tranh với đường nhập khẩu.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), tỷ giá thấp và giá đường thế giới giảm đang khuyến khích các nhà thương mại đẩy mạnh nhập khẩu, trong bối cảnh nguồn cung vẫn đang trong tình trạng dư thừa. VSSA cho rằng các loại đường có nguồn gốc nước ngoài sẽ tiếp tục chiếm vai trò chủ đạo trên thị trường, nên xu hướng giá sẽ vẫn ở mức thấp dưới mức giá thành sản xuất của đường sản xuất từ mía trong nước, dẫn đến khó khăn ngày càng tăng cho các doanh nghiệp mía đường và nông dân trồng mía trong hoàn cảnh chuẩn bị cho công tác vào vụ ép mía 2020/21.

Nguồn: Vân Chi / Báo dân sinh (theo ChiniMandi News)