Đến đầu tháng 4/2020, một nửa dân số thế giới đã bị cách ly. Chính sách cách ly người dân và giao thông ngưng trệ cũng như chuỗi cung ứng bị gián đoạn đã khiến thị trường thủy sản biến động mạnh, giá hầu hết các loại sụt giảm.
Điều này có thể dẫn tới việc nhiều nhà sản xuất thủy sản phải dừng hoạt động. Tại Mỹ đã có 95% người dân bị cách ly, toàn bộ các nhà hàng phải đóng cửa. Ở Mỹ, khoảng 50% tôm được tiêu thụ trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm; còn ở Châu Âu thì tỷ lệ này là 20-35%.
Ở Nhật Bản, khách du lịch sụt giảm và dịch bệnh gia tăng khiến giá cua tuyết Matsuba-gani tháng 2/2020 chỉ còn 3.602 JPY/kg, thấp hơn 20% so với mức trung bình của năm và là mức giảm trong tháng 2 mạnh nhất kể từ 2014. Ở Newlyn, Cornwall (nước Anh) giá cá minh thái đã giảm từ 3 GBP xuống còn 41pence/kg.
Giá cá hồi Na Uy giảm 26% trong 2,5 tháng đầu năm, từ 79,1 NOK/kg đầu năm 2020 xuống 58,89 NOK giữa tháng 2/2020. Nguyên nhân do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh 83% trong tháng 2/2020 so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 363 tấn.
Ở Ecuador, giá đã giảm xuống thấp hơn 30-40% so với mức trung bình của năm 2019. Trong khi đó, giá tôm thẻ loại 40 con/kg giao tại ao ở bang Andhara Pradesh (Ấn Độ) trung tuần tháng 3/2020 là 330 rupee (4,39 USD)/kg, giảm 14% so với tuần cuối tháng 2/2020; tôm loại 60 con là 240 rupee/kg, giảm 21%. Tại Việt Nam, giá thủy hải sản đồng loạt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hàng loạt các sự kiện ngành thủy sản bị hoãn lại. Triển lãm thủy sản toàn cầu năm 2020 (Seafood Expo Global/Seafood Processing Global) – lớn nhất gần 3 thập kỷ, dự kiến diễn ra từ ngày 21 đến 23/4 tại Brussels, Bỉ - đã bị hoãn. Hội chợ triển lãm ngành tôm 2020, Hội nghị và Triển lãm thương mại cá ngừ thế giới và Hội thảo về thức ăn thủy sản 2020 cũng bị hoãn lại.
Dịch Covid-19 bùng phát khiến tiêu thụ tôm tại Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán giảm so với thông lệ hàng năm, dẫn đến tồn kho tôm tại nước này ở mức cao. Trước đó, trong 3 tháng cuối năm 2019, nhằm chuẩn bị cho tiêu dùng dịp Tết vào tháng 01/2020, nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng mạnh, vượt quá mức 700.000 tấn. Do đó, tồn kho tôm của Trung Quốc ở mức rất cao và khó có khả năng giảm trong ngắn hạn. Trong khi đó, mùa thả nuôi tôm tại Trung Quốc bắt đầu vào tháng 3, tháng 4 năm 2020, và dịch Covid-19 sẽ khiến việc nuôi thả gặp nhiều khó khăn. Trung Quốc là một trong những quốc gia nuôi tôm lớn tại khu vực châu Á.
Về xuất khẩu, Trung Quốc là nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, với giá trị đạt 20 tỷ USD trong năm 2019, theo số liệu nước này cung cấp. Theo Hiệp hội Tiếp thị và Chế biến thủy sản Trung Quốc (CAPPMA), với tình hình đại dịch ngày càng nghiêm trọng, “tình hình xuất khẩu thủy sản có thể trở nên phức tạp”, và xuất khẩu thủy sản Trung Quốc trong năm 2020 có thể đối mặt tình trạng bất ổn lớn nhất trong lịch sử. Theo kết quả 2 cuộc khảo sát riêng rẽ của CAPPMA và Undercurrent News, khoảng 94% các công ty thủy sản Trung Quốc đang hoạt động sau 2 tháng đã buộc phải đóng cửa do sự bùng phát của virus corona.

Nguồn tham khảo: 

https://mainichi.jp/english/articles/20200312/p2a/00m/0na/015000c
https://www.intrafish.com/prices/norwegian-farmed-salmon-prices-sink-10-on-nasdaq-index/2-1-771504 
https://www.seafoodnews.com/Story/1156339/Shrimp-Prices-Rise-in-China-but-Suppliers-Hesitate-to-Export-to-Oriental-Market

Nguồn: VITIC tổng hợp