Các tổ chức quốc tế đều có chung nhận định giá vàng sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể tăng thêm nữa cho tới giữa năm 2021.
Bắt đầu chu kỳ tăng từ cuối năm 2018, giá vàng vừa kết thúc quý II/2020 để bước sang quý III/2020 ở mức cao kỷ lục 8 năm (ngày 7/7/2020 đã vượt 1.800 USD/ounce), sau khi tăng giá suốt 7 quý liên tiếp – đợt tăng dài nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2007. Ở trong nước, giá vàng đang ở trên 50 triệu đồng/lượng - mức cao nhất trong lịch sử.

Có hàng loạt nguyên nhân khiến cả nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng đang đổ xô đi mua vàng.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm là một trong các lý do làm tăng nhu cầu vàng. Đầu tư vào chứng khoán ở thời điểm này đem lại lợi nhuận lớn cho nhiều nhà đầu tư, nhưng hầu hết họ chỉ đầu tư "lướt sóng" do đang là thời điểm có vô số yếu tố khả năng làm đảo ngược mọi xu hướng chứng khoán. Do đó, nhiều nhà đầu tư không dốc hết hầu bao vào chứng khoán, mà dành một khoản cho vàng để phòng ngừa rủi ro.

Điều đáng chú ý ở đây là giá vàng và chứng khoán bắt đầu có mối liên hệ chặt chẽ và cùng chiều với nhau. Trước đây, vàng là tài sản an toàn, và nhà đầu tư chỉ mua vàng khi thiếu niềm tin vào những tài sản rủi ro như chứng khoán. Tuy nhiên, ngày nay mọi thứ đã khác. Hiệu suất hàng quý của thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy trong môi trường biến động mạnh như hiện nay, vàng và chứng khoán có sức hấp dẫn tương đương nhau.

Covid-19 cũng là tác nhân trực tiếp khiến người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới đổ xô đi mua vàng tích trữ để phòng chống lạm phát, nhất là ở Ấn Độ và Trung Quốc – hai nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới.
Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng toàn cầu quý I/2020 tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.083,8 tấn. Vốn được xem là kênh đầu tư an toàn nhưng lợi nhuận thấp, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, sự biến động mạnh về giá đã khiến vàng trở thành một kênh đầu tư sinh lời không nhỏ. Người dân đang có xu hướng tăng cường mua vàng vật chất hơn là các phương thức khác như mua cổ phần của các công ty đào vàng, các quỹ đầu tư chỉ số theo dõi giá vàng, hợp đồng phái sinh vàng…
Đáng lo ngại là dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Đến ngày 6/7, đã có trên 11,5 triệu người ở 213 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới bị nhiễm Covid-19. Số ca mắc mới tăng mạnh ở Mỹ Latinih và nhiều nơi ở châu Á, trong đó Ấn Độ đã trở thành nước đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc Covid-19.
Nỗi lo về làn sóng dịch bệnh thứ 2 ngày càng lớn dần khi hàng loạt quốc gia từ Mỹ tới Iran, Algeria, Israel, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… chứng kiến số ca nhiễm virus gia tăng nhanh trở lại. Để chống chọi với dịch bệnh, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tung ra hàng loạt các biện pháp kích thích kinh tế. Nếu làn sóng Covid-19 thứ 2 xảy ra, những biện pháp này sẽ vẫn tiếp tục được sử dụng, thậm chí có thể trên quy mô lớn hơn nữa.
Căng thẳng địa chính trị cũng là một trong những lý do thôi thúc người dân mua vàng. Trong khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt thì Mỹ có khả năng sẽ áp thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 3,1 tỷ USD của Anh và EU với mức thuế lên tới 100%. Những sản phẩm nguy cơ bị áp thuế là sôcôla, bia, rượu gin, ô liu, cà phê, và một số loại xe tải và máy móc.
Trước đó, cuộc chiến thương mại chưa hết nóng giữa Mỹ và Trung Quốc đã góp phần làm gia tăng sự quan tâm đến việc mua vàng của không chỉ người dân mà nhiều tổ chức. Tháng 1 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đạt được thỏa thuận mà theo đó Mỹ sẽ cắt giảm thuế quan đối với một số hàng hóa Trung Quốc, đổi lại Trung Quốc tăng cường mua nông sản, năng lượng và một số hàng hóa khác của Mỹ đồng thời giải quyết các vấn đề sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, virus corona đã khiến thỏa thuận này không được thực hiện đầy đủ. Trong khi đó, vấn đề Trung Quốc thông qua luật an ninh ở đặc khu hành chính Hongkong khiến mối quan hệ Mỹ - Trung càng trở nên xấu đi.
Quá khứ là vậy. Và hiện tại, các nhà đầu tư đều đang muốn biết liệu giá vàng sẽ đi về đâu.
Chuyên gia phân tích Naeem Aslam của Forbes dự báo giá vàng sẽ tiếp tục vững ở mức cao hoặc tăng thêm nữa trong vài quý tới, nhất là quý hiện tại, và mức tăng giá ở quý III/2020 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến Covid-19. Không thể hy vọng sẽ có vắc-xin Covid-19 trước năm 2021, có nghĩa là thế giới sẽ vẫn tồn tại tình trạng đóng cục bộ - điều hạn chế sự hồi phục kinh tế. Khi mùa Thu đến cũng là mùa cúm, tình hình vốn đã phức tạp có thể còn xấu thêm nữa.
Các nhà phân tích của RBC Capital Markets cho rằng giá vàng sẽ duy trì ở mức 1600 USD/ounce đến 1700 USD/ounce.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs mới đây đã nâng dự báo giá vàng trong 3-6 tháng tới từ mức 1.600-1.650 một ounce trước đó lên 1.800-1.900 một ounce; và giá trong một năm tới được dự báo lên 2.000 USD một ounce.
Các nhà phân tích của UBS đã nâng dự báo giá vàng cuối năm 2020 lên 1.800 USD/ounce, từ mức 1.700 USD/ounce đưa ra trước đây, và giữ nguyên mức dự báo về giá năm 2021 ở 1.800 USD/ounce. Những lý do để UBS tin rằng giá vàng sẽ cao là nhà đầu tư mua vàng như một biện pháp phòng ngừa rủi ro khi sắp bầu cử Tổng thống Mỹ, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, lo ngại về Covid-19… Những vấn đề này có thể báo hiệu về hành động của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu trong thời gian tới.
Đại dịch Covid-19 đã khiến các thị trường trở nên khó lường hơn và biến động ở nhiều khía cạnh. Sự bùng phát của dịch bệnh đã làm lu mờ triển vọng kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ sâu dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020, với mức giảm khoảng 4,9% (hồi tháng 4 dự báo là giảm 3%).
Một số vấn đề nữa cũng có tác động không nhỏ tới thị trường tài chính, trong đó có vàng. Đó là việc nước Anh và EU hầu như chưa có tiến triển trong đàm phán về Brexit, nguy cơ nước Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào.
Các nhà phân tích của ngân hàng Saxo cũng lạc quan về triển vọng giá vàng khi cho rằng giá sẽ tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm 2020 và tiếp tục tăng trong năm 2021. Chuyên gia phân tích Ole Hansen của Saxo nhận định vàng vẫn là mặt hàng chủ chốt duy nhất cho thấy sự hồi phục tích cực trong năm 2020, và ví von "Vàng sẽ đem lại trái ngọt cho những nhà đầu tư kiên nhẫn trong quí III năm nay", bởi có nhiều lí do để tin vào việc giá vàng sẽ đạt mức giá ít nhất là 1.800 USD/ounce trong năm nay và sẽ còn đạt mức giá cao kỉ lục trong những năm tới.
Lí do để Saxo tin vào giá vàng tăng cao là việc các chính phủ cần sử dụng loại tài sản này để tăng tỉ lệ lạm phát nhằm giảm mức nợ, giảm tình trạng tiết kiệm gia tăng trên toàn cầu và giảm tình trạng căng thẳng chính trị trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.
Ngân hàng Bank of America mới đây cũng đã nâng mục tiêu giá vàng trong vòng 18 tháng tới có thể tăng lên tới 3.000 USD/ounce, cao hơn 50% so với mức hiện tại. Bank of America dự báo giá vàng trung bình trong năm 2020 khoảng 1.695 USD/ounce và tăng lên 2.063 USD/ounce trong năm 2021. Mức giá kỉ lục 1.921 USD/ounce từng được thiết lập vào tháng 11/2011. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng nói thêm một số yếu tố rủi ro khiến giá vàng đi xuống như thị trường tài chính biến động, nhu cầu trang sức tại Ấn Độ và Trung Quốc có thể giảm…
Ngân hàng Natixis kỳ vọng việc FED khả năng sẽ tung thêm các biện pháp kích thích sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng tăng cho đến giữa năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận từ đầu tư vàng sẽ bị hạn chế khi áp lực lạm phát giảm dần. Trong báo cáo mới nhất, người phục trách mảng nghiên cứu kim loại quý của Natixis, ông Bernard Dahdah, dự báo giá vàng có thể đạt 1.950 USD/ounce vào quý II/2021. Lý do bởi từ nay tới lúc đó, việc kiểm soát đường cong lợi suất của các ngân hàng trung ương, giữa bối cảnh lạm phát cao, sẽ đẩy lãi suất thực tiến về vùng âm, khiến vàng trở nên hấp dẫn với vai trò tài sản trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, ngân hàng này cho rằng giá vàng sẽ hạ nhiệt từ giữa năm 2021 khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Nguồn: Vân Chi/CafeF (theo Tổ Quốc)