Giá dầu có thể điều chỉnh sâu
“Trong bối cảnh giá dầu thô hiện trên 40 USD/thùng, nguồn cung sẽ có động lực để tăng trở lại. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng nguy cơ giá xuống trở lại đang tăng đáng kể. Một đợt điều chỉnh sâu 15 – 20% sắp diễn ra, thậm chí là đang diễn ra sau phiên bán tháo khiêm tốn ngày 8/6. Vì vậy, chúng tôi khá e dè khi khuyến nghị nhà đầu tư đặt vị thế dài hạn với dầu thô từ ngay đầu chu kỳ thế này”, nhóm nghiên cứu hàng hóa của Goldman Sachs, dẫn đầu bởi ông Jeffrey Currie, cho biết.
Có một số lý do mà nhóm chuyên gia của Goldman Sachs đi đến kết luận như vậy. Thứ nhất, hàng tồn kho dư thừa vẫn ở mức rất cao, ước tính khoảng 1 tỷ thùng. Nguyên nhân là phần lớn hoạt động kinh tế và du lịch trên thế giới vẫn đang chững lại vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Theo Goldman Sachs, đà tăng của giá hàng hóa, trừ kim loại, đều không đi theo các yếu tố cơ bản của thị trường. Các chỉ số theo dõi giá hàng hóa vẫn tăng ít hơn so với giá giao ngay. Điều này dẫn tới tình trạng dòng vốn từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ vào thị trường dầu kể từ đầu tháng 4 mang về lợi nhuận -20% trong khi giá WTI giao ngay tăng 95%.  
“Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi phủ nhận đà phục hồi hiện tại của giá dầu hay không thừa nhận việc giá nhiên liệu này đang tăng vượt kỳ vọng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý giá đang tăng dù khi thị trường chưa tái cân bằng, tức là vẫn còn 1 tỷ USD thùng đầu đang tồn kho và nhu cầu tiêu thụ vẫn yếu ớt”.
Một số chuyên gia phân tích tin rằng phải tới giữa năm 2021, số hàng tồn kho này mới được giải phóng hết nếu nhu cầu phục hồi và OPEC+ duy trì giảm sản lượng. Trước mắt, câu hỏi về phía cung đã được giải quyết sau khi OPEC+ gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng lịch sử tới hết tháng 7 vào cuối tuần trước.
Trong khi đó, có sự không chắc chắn lớn về triển vọng phục hồi thực sự trong nhu cầu tiêu thụ dầu thô. Giới chức y tế đều nhấn mạnh về nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại.
Giá dầu Brent tăng gần 40% trong tháng 5 nhờ USD suy yếu, Trung Quốc tăng mua và chi phí huy động vốn giảm. Tuy nhiên, cả giá dầu WTI và Brent vẫn giảm khoảng 35% kể từ đầu năm tới nay.
Dự báo trái chiều
Moody’s là một trong số những đơn vị đưa ra báo cáo tiêu cực khi tiếp tục hạ triển vọng với thị trường dầu. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm này cho rằng giá dầu thô trung bình của năm nay sẽ thấp hơn 8 USD so với dự báo được đưa ra hồi tháng 3.
“Với cú sốc giảm sâu và kéo dài trong nhu cầu tiêu thụ dầu do dịch Covid-19 gây ra, Moody’s hạ dự báo giá dầu trong năm nay, với dầu Brent trung bình sẽ là 35 USD/thùng trong năm nay và 45 USD/thùng trong năm 2021”, theo Moody’s. Nguyên nhân là nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ dầu giảm mạnh hơn so với ước tính trước đó trong bối cảnh tất cả quốc gia phát triển đều rơi vào suy thoái kinh tế sâu và nhu cầu đi lại giảm mạnh, ông Alexander Perjessy, Phó chủ tịch Moody’s, cho hay.
Tuy nhiên, Moody’s đặt mục tiêu giá trong trung hạn là 45 – 65 USD/thùng.
Ngược lại, Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent sẽ về lại 35 USD/thùng trong vài tuần tới. Tương tự, Ngân hàng MUFG của Nhật Bản cho rằng giá chỉ loanh quanh ở mức này trong quý III dù tự tin vào đà phục hồi trong nhu cầu tiêu thụ.
Theo MUFG, đà tăng gần đây của giá dầu đã vượt quá kỳ vọng trong ngắn hạn của ngân hàng. Tuy nhiên, tiến trình tái mở cửa kinh tế tại nhiều quốc gia được dự báo sẽ diễn ra suôn sẻ, tạo điều kiện để nhu cầu và giá dầu sẽ phục hồi trong tương lai.
Còn Công ty Rystad Energy tại Na Uy dự báo giá sẽ dao động quanh 40 USD/thùng trong những phiên giao dịch còn lại của tháng 6 và cho tới khi thế giới có cái nhìn rõ ràng hơn về cách dịch Covid-19 lây lan, cách Mỹ điều phối sản lượng dầu và cách OPEC+ tuân thủ am kết giảm sản lượng. 

Nguồn: Thanh Long/Người đồng hành