Ông Lê Kỳ Anh - chuyên viên kinh tế và thương mại, Phái đoàn EU tại Việt Nam - cho biết: Một đôi giày bán tại EU có giá 100 euro, Việt Nam chỉ thu được 2 euro, trong đó bao gồm tất cả chi phí sản xuất, tiền lương... Thực trạng này không chỉ tồn tại trong ngành da giày mà còn phổ biến trong lĩnh vực dệt may, điện thoại.

Theo phân tích của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), trong cơ cấu giá trị của một đôi giày, 70% là chi phí cho nguyên phụ liệu, 15% chi phí nhân công, 9% chi phí đầu vào và chi phí quản lý gián tiếp khác, chỉ 6% là lợi nhuận của doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, chi phí cho nhân công, sản xuất ngày một cao khiến lợi nhuận của DN khó tăng, thậm chí ngày một giảm.
Gia công chiếm tỷ trọng lớn cũng là nguyên nhân khiến giá trị gia tăng của ngành thấp. Thực tế, DN trong nước không muốn làm thuê mà muốn “mua đứt, bán đoạn” nhưng do thiếu vốn, buộc phải lựa chọn hình thức sản xuất gia công, nhận 60% vốn khách hàng ứng trước để quay vòng sản xuất. Hơn nữa, hầu hết DN ký hợp đồng sản xuất với đối tác thứ 3 đến từ Hàn Quốc, Đài Loan… phần lợi nhuận theo đó bị san sẻ đáng kể.
Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu mới là nguyên nhân quan trọng nhất khiến giá trị gia tăng của ngành thấp. Đây cũng là nguyên nhân khiến DN khó đáp ứng các quy tắc xuất xứ và hưởng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do. Tỷ lệ nội địa hóa của ngành hiện chỉ đạt khoảng 50%, trong đó khối DN FDI vẫn chiếm ưu thế lớn về số lượng, mức đóng góp của DN trong nước còn rất khiêm tốn.
Ông Phạm Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Hà Nội - cho rằng: Việc cải thiện giá trị gia tăng cho ngành da giày cần sớm được thực hiện bởi dư địa phát triển chỉ còn dồi dào trong khoảng 10 năm tới. Sau đó, các nhà đầu tư sẽ chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia có trình độ phát triển kém hơn Việt Nam nhằm tận dụng nguồn nhân công giá rẻ.
Theo đó, có 3 vấn đề lớn cần giải quyết: Xu hướng sản xuất trên thế giới đang thay đổi, nhiều chất liệu mới và công nghệ tự động hóa được đưa vào sử dụng. Do đó, DN cần bắt kịp xu hướng nhằm nâng cao năng suất lao động, sản xuất đa dạng mặt hàng; áp dụng các phương pháp quản lý sản xuất mới nhằm tiết kiệm tối đa chi phí; phát triển nguyên phụ liệu trong nước, đặc biệt tạo mối liên kết giữa nhà sản xuất và nhà cung ứng để tìm ra nguyên liệu phù hợp.
Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Lefaso - nhận định: Xu hướng sử dụng da thật trong sản xuất ngày một giảm, thay vào đó là các chất liệu tổng hợp. Vì vậy, trong quy hoạch mới, vấn đề phát triển ngành công nghiệp thuộc da cần được cân nhắc, nên đầu tư ở mức độ nào; làm từ đầu hay làm từ khâu hoàn tất… sao cho phù hợp với điều kiện môi trường và khả năng đầu tư của DN.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Lefaso: Nguyên phụ liệu là nút thắt quan trọng ảnh hưởng tới giá trị gia tăng của ngành da giày Việt Nam. Đây là vấn đề cần tháo gỡ trong tương lai gần, trước khi các nhà đầu tư dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia có giá nhân công rẻ hơn.
Nguồn: Việt Nga/Báo Công Thương điện tử