Nhiều dấu hiệu cho thấy sự phản đối dữ dội của người tiêu dùng đối với dầu cọ đang lan rộng tại châu Á, qua đó khiến các công ty sản xuất dầu cọ trong khu vực đã phải hành động, từ cam kết sử dụng nguồn tài nguyên bền vững tới tham gia vào các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế.
Một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất Nhật Bản, Aeon, đã cam kết chỉ cung cấp dầu cọ bền vững cho thương hiệu riêng của tập đoàn này vào năm 2020. Trong khi đó, số lượng thành viên Trung Quốc tại một trong những chứng nhận tiêu chuẩn về dầu cọ nghiêm ngặt nhất thế giới tăng cao trong 5 năm qua.
Những động thái này diễn ra trong bối cảnh tranh cãi về việc nhập nhẩu dầu cọ để sử dụng trong nhiên liệu sinh học giữa Malaysia và Liên minh châu Âu (EU) đang trở nên căng thẳng.
Những tác động môi trường của dầu cọ, được sử dụng trong các sản phẩm tiêu dùng như kem đánh răng, thức ăn nhẹ đến mỹ phẩm, đã từ lâu là một vấn đề nóng tại phương Tây. Đây cũng là khu vực nổ ra các cuộc kêu gọi tẩy chay cũng như nhiều hành đồng khác nhằm chống lại ngành công nghiệp dầu cọ.
Một cuộc phản đối tương tự như vậy tại Châu Á có thể ảnh hưởng thậm chí tồi tệ hơn tới những người nông dân trồng dầu cọ và các công ty hàng tiêu dùng vì quy mô của thị trường này lớn hơn rất nhiều.
Trong khi lượng tiêu thụ tại EU chiếm khoảng 10% lượng dầu cọ thế giới, thì chỉ riêng 4 thị trường hàng đầu châu Á gồm Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc và Malaysia đã nắm gần 43% tổng lượng tiêu thụ vào năm 2017.
Malaysia và Indonesia có thể chịu thiệt hại nhiều nhất nếu ngành dầu cọ bị ảnh hưởng tại Châu Á vì chỉ riêng hai quốc gia này đã chiếm khoảng 85% sản lượng sản xuất dầu cọ toàn cầu.
Tầm quan trọng của sự thay đổi
Những doanh nghiệp tại Nhật Bản cũng đặc biệt bày tỏ mong muốn cải thiện hình ảnh dầu cọ trên thị trường toàn cầu.
Tổ chức về dầu cọ bền vững - Roundtable for Sustainable Palm Oil (RSPO), được thành lập năm 2004 bởi các thành viên trong ngành và nhóm hoạt động môi trường - đang tiến hành cấp chứng nhận và tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp trồng trọt và sản xuất dầu cọ. Đồng thời các thành viên trong tổ chức chỉ được phép mua dầu cọ đã đạt chuẩn của RSPO.
Tổ chức này cho biết gần đây hàng loạt các công ty Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Á khác đã đăng ký trở thành thành viên của RSPO.
“Gần 40 doanh nghiệp Nhật Bản đã tham gia RSPO vào năm 2018, trong khi những năm trước con số này chỉ dừng ở khoảng 10 doanh nghiệp mỗi năm”, theo ông Sayuri Ito, phát ngôn viên của WWF Japan, tổ chức chuyên hỗ trợ các hoạt động của RSPO tại quốc gia này.
“Tôi chưa từng nhìn thấy các doanh nghiệp Nhật Bản hào hứng xem xét và cân nhắc mua dầu cọ bền vững đến vậy”.
Một động lực lớn thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản hành động là Tokyo sẽ trở thành chủ nhà của Thế vận hội mùa hè 2020. Những yêu cầu khắt khe dành cho sự kiện này sẽ buộc các doanh nghiệp phải đảm bảo cung cấp nguồn dầu cọ bền vững, không liên quan đến nạn phá rừng hay lạm dụng lao động trẻ em.
Theo ông Tatsuaki Hirosawa, giám đốc điều hành tại Fuji Oil Holdings, một nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất tại Nhật Bản, sự chú ý của cộng đồng quốc tế cho Thế vận hội vào năm tới có thể khiến các nhóm hoạt động môi trường gây áp lực lên nhà sản xuất đồ ăn nhẹ Nhật Bản, giống như những gì đã xảy ra với Nestle.
Vào năm 2010, Greenpeace đã tiến hành tẩy chay Nestle vì cáo buộc hoạt động sản xuất các thanh chocolate KitKat có liên quan đến nạn phá rừng và gây ra cái chết của loài đười ươi.
“Những sự thay đổi này sẽ tác động trực tiếp đến cảm nhận của người tiêu dùng” ông cho biết thêm.
Fuji Oil nằm trong những doanh nghiệp tìm cách vượt lên trước những rủi ro như vậy. Nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất Nhật Bản đã tham gia RSPO ngay năm đầu tiên tổ chức này thành lập. Gần đây, Fuji Oil đã kí một dự án liên kết với Plantation United của Maylaysia, chủ sở hữu một đồn điền đạt chứng nhận RSPO đầu tiên của thế giới.
Một đồn điền trồng dầu cọ tại Malaysia của Fuji Oil. Ảnh: Nikkei Asia Review/Fiji Oil.
Tháng 10/2018, hai bên bắt đầu vận hành nhà máy phân đoạn trị giá 60 triệu ringgit (14,7 triệu USD) tại Kuala Lumpur để sản xuất dầu cọ cao cấp dùng cho các sản phẩm sô cô la, kết hợp với các khả năng truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn.
United Plantations xem yếu tố vì môi trường là tiêu chí chủ chốt để thương mại hóa sản phẩm.
“Chúng tôi muốn xây dựng vị trí độc quyền là nhà sản xuất dầu cọ bền vững nhất”, Phó giám đốc Carl Bek-Nielsen chia sẻ với Nikkei Asian Review.
Đồng tình với chia sẻ trên, ông Hirosawa của Fuji Oil đã mô tả United Plantations là đối tác không thế thiếu trong dự án.
Hàng loạt doanh nghiệp châu Á hướng tới sản xuất bền vững
Các doanh nghiệp Nhật Bản khác cũng đã bắt đầu đi theo xu hướng trên. Nhà phân phối lớn Marubeni đã thông báo vào tháng 11/2018 rằng họ sẽ bắt đầu xây dựng kho dự trữ axit béo dựa trên dầu cọ đạt chứng nhận RSPO để khách hàng, chủ yếu là các xưởng sản xuất vừa và nhỏ có thể mua lẻ với số lượng thấp.
Aeon cũng cho biết họ sẽ bắt đầu mua dầu cọ đạt chứng nhận RSPO cho thương hiệu riêng từ tháng 3/2019 và sẽ cung cấp 100% sản phẩm dầu đạt chứng nhận vào năm tài chính 2020.
Những thay đổi cũng đang diễn ra tại Trung Quốc, với 48 doanh nghiệp tham gia RSPO từ năm 2017, tăng gần như từ con số 0 khoảng 5 năm về trước. Qua đó, nâng tổng số thành viên Trung Quốc hiện tại lên con số gần 90.
Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu cọ lớn thứ ba trên thế giới sau Ấn Độ và EU, và dầu cọ tại thị trường này len lỏi vào hầu hết các ngành công nghiệp trong khu vực.
“Sự hợp tác giữa các thị trường ngày càng tăng cao”, theo Stefano Savi, trưởng ban đối tác toàn cầu tại RSPO cho biết. “Một số thành viên Trung Quốc của chúng tôi đã bắt đầu hợp tác với các nhà sản xuất Malaysia”.
Nguồn: Cẩm Tiên/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng