“Mảnh đất” màu mỡ
Cuối tháng 2 vừa qua, hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Việt Nam đã tuyển dụng nhiều vị trí làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Dù chưa chính thức công bố thời điểm gia nhập thị trường nhưng động thái này cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam nhiều khả năng sẽ chào đón thêm một “đại gia” bán lẻ và cuộc cạnh tranh trên thị trường sẽ càng khốc liệt hơn.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện chiếm khoảng 17% thị phần bán lẻ qua trung tâm thương mại, siêu thị và 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, khối FDI còn chiếm 15% thị phần của phương thức bán hàng qua siêu thị mini và khoảng 50% thị phần bán lẻ không thông qua cửa hàng (bán hàng trực tuyến qua Internet, truyền hình, điện thoại…).
Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước diễn ra mới đây, bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - cho hay, khi tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do, thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng hấp dẫn. Để nâng cao tính cạnh tranh và hấp dẫn người tiêu dùng, nhiều chính sách thu hút khách hàng được đẩy mạnh triển khai.
Ngoài việc “đánh” vào giá bán, thời gian qua, nhiều thương hiệu ngoại đã đẩy mạnh sự hiện diện của mình trong “cuộc đua” tranh giành thị trường bán lẻ. Sau khi vào Việt Nam, siêu thị Aeon đã mở cửa 4 trung tâm thương mại và tham vọng gia tăng con số này lên 20 vào năm 2020. Các tập đoàn như Lotte, Central Group… cũng tích cực mở rộng thị phần và đều có dự định tăng gấp đôi, gấp ba số cửa hàng trong vài năm tới.
Hướng tới thị trường nông thôn
Áp lực cạnh tranh trên thị trường bán lẻ ngày càng khốc liệt khiến nhiều DN bán lẻ Việt phải nỗ lực nâng cao thị phần để tăng tính cạnh tranh, trong đó mở rộng kênh phân phối về khu vực nông thôn là một giải pháp.
Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho rằng, cơ cấu dân số đông, đang ở thời điểm dân số “vàng”, thu nhập người dân ngày càng cao… là những yếu tố hấp dẫn của thị trường nông thôn. Bình quân sức mua ở vùng nông thôn tăng trưởng 15% qua các năm, tăng gấp 3 lần so với khu vực thành thị. Nếu có được các sản phẩm phù hợp, giá thành hợp lý, hiểu biết thói quen mua sắm của người tiêu dùng nông thôn, DN bán lẻ Việt sẽ chiếm lĩnh được thị trường này.
Mục tiêu tập trung phát triển về thị trường nông thôn đã và đang được nhiều DN tích cực triển khai. Đơn cử, trong khi nhiều kênh bán lẻ khác đang khó khăn, phải bán hoặc sáp nhập với các các siêu thị nước ngoài thì cuối năm 2016, Lan Chi Mart vẫn tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối về khu vực ngoại thành và chính thức “cán mốc” cho số 18. Tập đoàn Vingroup trong chiến lược mở rộng thị phần năm 2017 đã đặt mục tiêu mở thêm 70- 80 siêu thị Vinmart và 1.500 cửa hàng Vinmart+ ở các huyện vùng sâu, vùng xa để gia tăng độ phủ của mạng lưới. Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng đã xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường nông thôn bằng cách đưa các mặt hàng nhu yếu phẩm tiêu dùng cần thiết thông qua mô hình siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN:
Khu vực nông thôn là phân khúc thị trường còn nhiều tiềm năng cho hàng hóa. Nếu DN phân phối trong nước không tranh thủ chiếm lĩnh thị trường này thì các nhà bán lẻ ngoại sẽ khai thác.
Nguồn: Bảo Ngọc/Báo công thương điện tử