Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), chỉ số giá gạo FAO (2002-04 = 100) đạt 223 điểm trong tháng 2/2019, giảm 0,13% so với tháng 1 và thấp hơn 1,1% so với cùng kỳ năm trước. 
Trong đó, giá gạo thị trường châu Á cuối tháng 2 không thay đổi nhiều. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vẫn chi phối thị trường, người mua dần quay trở lại hỗ trợ các thị trường có mức giá cạnh tranh. 
Về thị trường trong nước, Tổng cục thống kê cho biết, thời tiết tháng 2 nắng ấm, sâu bệnh được kiểm soát tạo điều kiện thuận lợi cho lúa và hoa màu vụ Đông xuân phát triển tốt. Tính đến trung tuần tháng 2, cả nước gieo cấy được 2.765,9 nghìn ha lúa đông xuân, tăng 3,2% (tăng 86,5 nghìn ha) so với cùng kỳ năm trước. 
Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 2/2019 đạt 446 USD/tấn, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong tháng 2, giá lúa trên thị trường có chiều hướng giảm từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg (so với đầu tháng 1) và có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới khi bước vào vụ thu hoạch. Nguyên nhân là một số doanh nghiệp lớn chưa ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo với đối tác bên ngoài.
 Dự báo thị trường gạo tháng 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, xuất khẩu gạo tháng 3 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do các thị trường lớn của Việt Nam như Philippines và Indonesia chưa có kế hoạch nhập khẩu năm 2019. Các doanh nghiệp cần tăng cường tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác ở khu vực Châu Phi.
Thị trường xuất khẩu gạo đang đối mặt với nhiều khó khăn khi các quốc gia thu mua lớn có xu hướng giảm nhu cầu, tiến tới tự chủ nguồn lương thực; trong khi đó các nước xuất khẩu gạo tăng cường xuất ra thị trường.
Nguồn: Minh Anh/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng