Nửa đầu tháng 9/2019, thị trường phân bón tiếp tục ảm đạm, giao dịch trầm lắng bởi nhu cầu yếu.
Cụ thể, giá Ure giữ ở mức thấp, bình quân giảm 7-12% so với cùng kỳ năm 2018 xuống 7.000 – 6.700 đồng/kg. Ure Cà Mau được các đại lý cấp 1 chào bán giảm còn 7.000 – 7.100 đồng/kg; Ure Phú Mỹ giảm giá xuống mức 7.100 – 7.200 đồng/kg.
Tại chợ Trần Xuân Soạn, chào bán Ure Phú Mỹ ở mức 6.850 – 6.950 đồng/kg và Ure Cà Mau giá 6.950 – 7.000 đồng/kg.
Thị trường Sóc Trăng giá Ure giảm xuống mức 7.000 – 7.100 đồng/kg, Ure Phú Mỹ có giá từ 7.100 – 7.200 đồng/kg.
Giá giảm xuống mức thấp bởi nhu cầu bón phân cho lúa chưa cao do một số khu vực đang thu hoạch lúa thu đông như Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung (Đồng Tháp), Cần Thơ… và vụ Đông Xuân chưa bắt đầu.
Dự kiến một số khu vực xuống giống sớm nhất từ giữa hoặc cuối tháng 10 như Đồng Tháp, Cần Thơ… các khu vực khác xuống giống muộn hơn. Tuy nhiên, một số khu vực khác như Tiền Giang, Bến Tre đang có nhu cầu cho cây ăn trái, chủ yếu phân NPK.
Như vậy, kết thúc quý 3/2019 giá phân bón xu hướng giảm. Lũy kế từ đầu năm đến hết quý 3/2019, thị trường phân bón nhìn chung ảm đạm, nếu như quý 1/2019 giá ở mức thấp do trong quý có tháng 2/2019 đúng vào dịp Tết Nguyên đán và các vùng ĐBSCL đã gần thu hoạch xong lúa vụ Đông Xuân, tại miền Bắc đang trong vụ thu hoạch, các vùng Tây Nguyên thời tiết nắng nóng, chuẩn bị bước vào giai đoạn chuyển mùa nên nhu cầu phân bón không cao.
Sang đến quý 2/2019, thị trường ổn định tuy nhiên đến tháng 6/2019 giá có biến động tùy theo từng chủng loại do nhu cầu vẫn thấp bởi thời điểm này các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống vụ Hè Thu; miền Trung chưa vào vụ, khu vực Đông Nam Bộ nắng nóng và giá nông sản thấp, tại Tây Nam Bộ một số khu vực đang thu hoạch lúa Hè Thu. Và xu hướng giảm kéo dài cho đến hết quý 3/2019.
Thị trường phân bón 9 tháng đầu năm 2019 biến động bởi nhu cầu phân bón vẫn ở mức thấp; nhập khẩu phân Ure ước tính tăng sau khi tạm ngưng trong hai tháng 7 và 8/2019; ngành phân bón trong nước cạnh tranh mạnh mẽ giữa thương hiệu phân bón trong và ngoài nước trên thị trường.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tình hình sản xuất phân bón trong tháng 9/2019 tăng ở phân hỗn hợp NPK nhưng sụt giảm ở phân Ure. Cụ thể, phân Ure ước đạt 139,4 nghìn tấn, giảm 24,52% so với tháng 8/2019 và giảm 29,77 so với tháng 9/2018. Tính chung 9 tháng năm 2019 đạt 1,6 triệu tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Phân hỗn hợp NPK tháng 9/2019 ước đạt 255,1 nghìn tấn, tăng 1,5% so với tháng 8/2019 và tăng 9,6% so với tháng 9/2018. Nâng lượng phân hỗn hợp NPK sản xuất 9 tháng năm 2019 lên 2,1 triệu tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Tình hình sản xuất phân bón 1 năm qua
ĐVT: Nghìn tấn

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ Tổng cục Thống kê
Xuất khẩu
Số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, trong nửa đầu tháng 9/2019 Việt Nam đã xuất khẩu 24,26 nghìn tấn phân bón các loại, trị giá 7,56 triệu USD, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/9 đã xuất khẩu 549,7 nghìn tấn phân bón các loại, trị giá 178,12 triệu USD.
Cũng theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, trước đó tháng 8/2019 Việt Nam cũng đã xuất khẩu 114,9 nghìn tấn phân bón các loại, trị giá 37,11 triệu USD, tăng 75,6% về lượng và tăng 63,8% về trị giá so với tháng 7/2019, nâng lượng phân bón xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2019 lên 525,5 nghìn tấn, trị giá 170,55 triệu USD, giảm 14% về lượng và giảm 14,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất bình quân 324,5 USD/tấn, giảm 1,07% so với 8 tháng năm 2018.
Về thị trường, phân bón của Việt Nam đã góp mặt tại hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Campuchia là thị trường chủ lực, chiếm 47% tổng lượng phân bón xuất khẩu, đạt 176,44 nghìn tấn, trị giá 64,08 triệu USD, giảm 32,11% về lượng và giảm 29,17% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, giá xuất bình quân 363,18 USD/tấn, tăng 4,32% so với 8 tháng năm 2018. Riêng tháng 8/2019, Việt Nam cũng đã xuất sang Campuchia 26,52 nghìn tấn phân bón các loại, trị giá 10,37 triệu USD, giảm 13,02% về lượng và giảm 9,57% trị giá so với tháng 7/2019, giá xuất bình quân 391,21 USD/tấn, tăng 3,97%. Nếu so với tháng 8/2018, thì phân bón xuất sang thị trường này giảm 19,09% về lượng và giảm 11,22% trị giá, nhưng giá xuất bình quân tăng 9,73%.
Thị trường đứng thứ hai là Malaysia đạt 55,79 nghìn tấn, trị giá 10,63 triệu USD, giảm 38,36% về lượng và giảm 42,65% trị giá so với cùng kỳ 2018. Giá xuất bình quân giảm 6,95% chỉ với 190,6 USD/tấn. Riêng tháng 8/2019 cũng đã xuất sang Malaysia 3,25 nghìn tấn, trị giá 1,05 triệu USD, giảm 46,59% về lượng và giảm 26,18% về trị giá, giá xuất bình quân tăng 38,22% đạt 323,75 USD/tấn so với tháng 7/2019, so với tháng 8/2018 giảm 44,78% về lượng và giảm 35,53% trị giá, giá xuất bình quân tăng 16,76%.
Kế đến là thị trường Lào, Hàn Quốc, Mozambique, Myanmar, Thái Lan, Nhật Bản…
Đáng chú ý, trong cơ cấu thị trường xuất khẩu phân bón 8 tháng đầu năm nay có thêm hai thị trường là Mozambique và Myanmar với lượng xuất đạt lần lượt 20,6 nghìn tấn; 18,03 nghìn tấn, giá xuất bình quân tương ứng 339,53 USD/tấn và 355,23 USD/tấn.
Nhìn chung, lượng phân bón xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2019 sang các quốc gia và vùng lãnh thổ đều sụt giảm, số này chiếm tới 56%, trong đó giảm nhiều ở thị trường Angola, giảm 95,55% về lượng với 71 tấn, trị giá 82,88 nghìn USD giảm 89,61% so với cùng kỳ 2018, tuy nhiên giá xuất bình quân tăng mạnh gấp hơn 2,3 lần (tương ứng 133,48%) đạt 1.167,41 USD/tấn.
Ở chiều ngược lại, xuất sang Thái Lan tăng mạnh vượt trội, tăng 84,23% về lượng và 95,91% về trị giá, đạt 16,11 nghìn tấn, trị giá 5,06 triệu USD, giá xuất bình quân tăng 6,34% so với cùng kỳ 2018 đạt 314,34 USD/tấn.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu phân bón 8 tháng đầu năm 2019

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ TCHQ
Nhập khẩu
Số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, trong nửa đầu tháng 9/2019 Việt Nam đã nhập khẩu 131,5 nghìn tấn phân bón các loại, trị giá 37,77 triệu USD, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/9 lượng phân bón nhập về đạt 2,65 triệu tấn, trị giá 745,3 triệu USD.
Trước đó, tháng 8/2019 Việt Nam đã nhập khẩu 231,75 nghìn tấn phân bón các loại, trị giá 61,76 triệu USD, giảm 23,4% về lượng và 28,1% về trị giá so với tháng 7/2019.
Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 8/2019, Việt Nam đã nhập khẩu 2,52 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 710,72 triệu USD, giảm 9,5% về lượng và 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, chủng loại phân SA nhập về nhiều nhất đạt 630,93 nghìn tấn, chiếm 30% thị phần với trị giá 79,82 triệu USD, giảm 0,14% về lượng và giảm 1,94% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; kế đến là phân Kali 581,57 nghìn tấn, chiếm 27% trị giá 79,82 triệu USD, giảm 15,05% về lượng và giảm 6,95% về trị giá; tiếp theo là DAP, Ure và NPK chiếm thị phần lần lượt 16%, 14% và 13%.
Cơ cấu chủng loại phân bón nhập khẩu 8 tháng năm 2019

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ TCHQ
Về thị trường, là quốc gia có vị trí và khoảng cách địa lý không xa và thuận lợi trong việc giao thương hàng hóa với Việt Nam, Trung Quốc trở thành nguồn cung cấp chính phân bón cho Việt Nam, chiếm 40% tổng lượng phân bón nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2019, đạt 951,29 nghìn tấn, trị giá 239,94 triệu USD, giảm 0,55% về lượng và 2,3% về trị giá, giá nhập bình quân 252,24 USD/tấn, giảm 1,77% so với cùng kỳ 2018. Riêng tháng 8/2019, cũng đã nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc 120,76 nghìn tấn, trị giá 29,99 triệu USD, tăng 28,03% về lượng và tăng 39,34% về trị giá, giá nhập bình quân 248,33 USD/tấn tăng 8,83% so với so với tháng 7/2019; so với tháng 8/2018 giảm 15,15% về lượng và giảm 2,3% về trị giá, giá nhập bình quân giảm 1,77%.
Thị trường nhập nhiều đứng thứ hai là Nga đạt 213,9 nghìn tấn, trị giá 74,06 triệu USD, giá nhập bình quân 346,24 USD/tấn, giảm 45,34% về lượng và giảm 40,15% về trị giá so với cùng kỳ 2018, giá nhập bình quân 346,24 USD/tấn, tăng 9,51%.
Riêng tháng 8/2019, Việt Nam cũng đã nhập từ Nga 14,27 nghìn tấn phân bón các loại, trị giá 5,42 triệu USD, giá nhập bình quân 380,17 USD/tấn, giảm 46,66% về lượng và giảm 44,72% trị giá, giá bình quân tăng 3,65% so với tháng 7/2019.
Kế đến là các thị trường Indoneisa, Belarus, Nhật Bản, Lào với lượng nhập đạt lần lượt 157,89 nghìn tấn; 157,42 nghìn tấn và 142,95 nghìn tấn.
Ngoài những thị trường kể trên, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác nữa như: Malaysia, Canada, Hàn Quốc….
Nhìn chung, 8 tháng đầu năm nay lượng phân bón nhập về từ các thị trường hầu hết đều suy giảm, số thị trường này chiếm tới 56%. Trong đó, phải kể đến các thị trường như Canada, Nga đều giảm mạnh và Canada là thị trường có lượng giảm nhiều nhất 52,37% tương ứng với 67,52 nghìn tấn. Ngược lại, Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu từ các thị trường Philippines và Thái Lan, đều tăng gấp hơn 2 lần trong đó Thái Lan tăng nhiều nhất 2,6 lần (tương ứng 161,52%) với giá nhập bình quân 188,13 USD/tấn, giảm 61,22% so với cùng kỳ 2018.
Cơ cấu thị trường nhập khẩu phân bón 8 tháng 2019

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ TCHQ
Trên thế giới, nửa đầu tháng 9/2019, thị trường phân bón tiếp tục ảm đạm, giá giảm tuy nhiên mức độ giảm đã chậm lại. Cụ thể, trong tuần thứ hai của tháng 9/2019, 8 chủng loại phân bón đều giảm – đây là tuần giảm lần thứ năm liên tiếp, với mức giảm tối đa 5% như sau: Anhydrous giảm 27 USD (tương ứng 5%) so với tháng trước xuống 516 USD/tấn; MAP giảm 21 USD (tương ứng 4%) xuống 482 USD/tấn.
Sáu loại phân bón còn lại giảm nhẹ so với tháng trước, theo đó DAP giảm 7 USD xuống 486 USD/tấn; Kali giảm 2 USD còn 385 USD/tấn; Ure giảm 6 USD ở mức 407 USD/tấn; phân hỗn hợp 10-34-0 giảm 4 USD còn 471 USD/tấn; UAN28 có giá 253 USD/tấn, giảm 5 USD và UAN32 giảm 6 USD xuống 289 USD/tấn.
Với mức giá này, những người nông dân cho biết họ có thể chấp nhận được và sẵn sàng đầu tư phân bón cho cây trồng trong thời gian tới cũng như chưa có ý định thay đổi kế hoạch nếu giá có tăng trở lại.
So với cùng thời điểm này năm 2018, giá MAP thấp hơn 7% và DAP 1%. Sáu loại phân bón còn lại có giá cao hơn, cụ thể UAN tăng 4%; 10-34-0 tăng 5%; Kali, Anhydrous, UAN28 đều tăng 6% và Ure tăng 7%.
Diễn biến giá phân bón năm qua
ĐVT: USD/tấn

Nguồn: dtfn.com
Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), chỉ số giá phân bón tháng 8/2019 giảm 1,78% so với tháng 7/2019 (83,23 điểm) và giảm 3,36% so với tháng 8/2018 (84,59 điểm) xuống còn 81,75 điểm.
Chỉ số giá phân bón tính từ tháng 9/2018 đến tháng 8/2019

Nguồn: Vinanet tổng hợp số liệu từ World Bank
Như vậy, kết thúc quý 3/2019 thị trường phân bón xu hướng giá giảm. Nếu giảm trong quý 1/2019, thì sang quý 2/2019 thị trường đã có sự khởi sắc, giá tăng trở lại tuy nhiên mức tăng này không bền vững và giảm trở lại ở quý 3/2019.
Tháng 8/2019, chỉ số giá phân bón đạt mức 81,75 điểm, thấp hơn 5,8% so với đầu năm 2019, giảm 8,5% so với tháng cuối năm 2018 và giảm 3,35% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Trung Quốc tính đến ngày 11/9/2019, giá Ure tại thị trường nội địa đã tăng 3 - 5% so với cuối tháng 8/2019 do nguồn cung giảm nhẹ.
Dự báo thời gian tới giá phân bón trong nước tiếp tục cùng chiều với giá thế giới bởi ngành phân bón vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, vì vậy ít nhiều cũng bị tác động của giá thế giới, tuy nhiên nguồn cung trong nước cũng khá dồi dào nên phần nào đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa.

Nguồn: VITIC