Cụ thể, vào cuối phiên giao dịch hôm 24/7 tại New York, giá kim loại quý này đã tăng vọt lên 1.902,02 USD/ounce, cao hơn khoảng 30% so với mức được ghi nhận hồi tháng 3/2020.
Được coi là “nơi trú ẩn an toàn” trong thời kỳ bất ổn, vàng đã trở thành lựa chọn ưu tiên của giới đầu tư trên khắp thế giới. Ở khắp nơi, người ta lo ngại về khả năng các chính phủ tiếp tục thực hiện biện pháp phong toả, các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa ra nhiều gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có và các ngân hàng trung ương sẽ quyết định in tiền nhanh hơn để tài trợ cho những khoản chi tiêu này.
Ngoài ra, xu hướng sụt giảm xuống mức âm của lợi suất trái phiếu Mỹ, đi kèm với việc đồng USD giảm đột ngột so với đồng euro và đồng yen và căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục gia tăng, cũng là những nguyên nhân khiến giới đầu tư đổ xô đi mua vàng.
Mặc dù đây không phải là điều khó nhận biết, song giới tài chính đang lo ngại rằng tình trạng đình trệ kinh tế (hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao, từ đó khiến giá trị đầu tư giảm sút), có thể sẽ xuất hiện tại các nền kinh tế phát triển của thế giới.
Ở Mỹ, nơi virus SARS-CoV-2 vẫn hoành hành và đà phục hồi kinh tế đình trệ, sự quan ngại đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Mức lạm phát hiện nay tại Mỹ đang là 1,5%, mặc dù vẫn thấp hơn mức được ghi nhận trước đại dịch và nằm dưới ngưỡng mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chỉ số này vẫn cao hơn đến gần 1 điểm phần trăm so với mức lãi suất 0,59% của trái phiếu kho bạc Mỹ có kỳ hạn 10 năm.
Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại công ty chứng khoán Oanda Corp, cho rằng “việc lãi suất thực sự đang giảm mạnh và không có bất cứ dấu hiệu cải thiện sớm nào” là một trong những động lực chính đẩy giá vàng tăng phi mã trong những ngày gần đây, bởi điều giới đầu tư cần hiện nay là nơi trú ẩn không có nguy cơ mất giá mạnh.
Hiện tại, quỹ ETF về vàng đã ghi nhận tuần giao dịch tăng thứ 18 liên tiếp, là chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2006. Trong khi đó, giá vàng cũng ghi nhận tuần tăng thứ bảy và xu hướng này được cho là sẽ không dừng lại trong thời gian ngắn.
“Trong bối cảnh môi trường lãi suất được duy trì ở ngưỡng 0 hoặc gần 0, vàng sẽ trở nên hấp dẫn hơn, bởi khi sở hữu vàng, bạn sẽ không phải lo lắng về việc không nhận được lãi đầu tư”, chuyên gia Mark Mobius, nhà đồng sáng lập của công ty quản lý tài sản Mobius Capital Partners, cho biết.
Các nhà phân tích đã dự đoán giá vàng tăng trong vài tháng qua. Hồi tháng Tư, Ngân hàng Bank of America (BofA) thậm chí đã nâng dự đoán về giá vàng trong 18 tháng sau đó lên ngưỡng 3.000 USD/ounce.
Trưởng phòng nghiên cứu về hàng hóa và phái sinh của BofA Francisco Blanch nhận định “đại dịch toàn cầu đang cung cấp một lực đẩy bền vững cho vàng”, bởi những yếu tố như môi trường lãi suất thấp, tình trạng bất bình đẳng gia tăng và năng suất lao động giảm. 
Cũng theo chuyên gia này, một kịch bản khác có thể xảy ra khiến giá vàng tiếp tục mất kiểm soát, đó là khả năng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tiệm cận gần hơn với quy mô kinh tế Mỹ, từ đó mở ra một sự thay đổi địa chính trị.
Dự đoán táo bạo của ngân hàng nước Mỹ được đưa ra sau khi giá vàng giảm hồi tháng Ba, giữa bối cảnh giới nhà đầu tư đang “khát” tiền mặt để bù lỗ cho các tài sản rủi ro. 
Tuy nhiên, sau đó giá vàng đã nhanh chóng phục hồi sau khi Fed bất ngờ hạ lãi suất, cùng những dấu hiệu cho thấy các chương trình kích thích lớn từ chính phủ và ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ diễn ra.
Đây không phải lần đầu tiên giá vàng biến động mạnh sau những động thái của các ngân hàng trung ương. Trong giai đoạn tháng 12/2008 đến tháng 6/2011, Fed đã mua 2.300 tỷ USD nợ và duy trì môi trường lãi suất gần bằng 0 để thúc đẩy tăng trưởng. Diễn biến này đã khiến giá vàng tăng cao kỷ lục lên 1.921,17 USD/ounce vào tháng 9/2011.

Nguồn: Phương Nga (Theo Bloomberg)