Hy vọng về sự phục hồi của thị trường phân bón châu Âu

Mặc dù doanh số phân bón tại châu âu của Công ty sản xuất phân bón Yara International (Na-uy) khá yếu, khiến cho lợi nhuận của Công ty trong năm 2015 giảm 12%, nhưng Công ty vẫn hy vọng nhu cầu phân bón của nông dân tại đây sẽ phục hồi.

Đầu năm nay, Yara International dự báo nhu cầu phân đạm tại châu âu sẽ tăng tốc trong nửa đầu năm 2016, nhưng đến nay Công ty công nhận là sự phục hồi của thị trường đã không trở thành hiện thực trong thời gian đó.

Trên thực tế, trong quý I-2016 doanh số phân bón của toàn ngành sản xuất phân bón tại châu âu đã giảm 6% so với năm trước, xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Sự suy giảm nhu cầu này phản ánh tình trạng thời tiết bất lợi gây cản trở cho hoạt động canh tác nông nghiệp và ảnh hưởng của giá nông sản thấp đối với sức mua của người nông dân.

Tuy nhiên, Yara International lặp lại dự báo là nhu cầu phân bón sẽ phục hồi và người nông dân sẽ mua bổ sung phân bón trong thời gian tới. Công ty cũng hy vọng doanh số phân bón của toàn bộ ngành sản xuất phân bón tại châu âu sẽ đạt mức của năm trước, nhưng cũng công nhận là có thể sẽ phải thực hiện một số biện pháp giảm giá để kích thích nhu cầu. Hiện tại, Công ty đã giảm giá phân đạm tại một số thị trường trong khu vực.

Yara International cũng nhấn mạnh lượng phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc vào châu âu đã giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2016, đặc biệt lượng phân urê nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm khoảng 30%, xuống còn 2,1 triệu tấn.

Sản lượng phân bón của Trung Quốc có những ảnh hưởng lớn đến giá phân bón trên thị trường thế giới. Sản lượng và giá xuất khẩu urê của quốc gia này vẫn tiếp tục là yếu tố tham chiếu chính cho giá phân đạm toàn cầu, vì đây là nước sản xuất urê với giá thành cao nhất nhưng đồng thời cũng là nước xuất khẩu urê lớn nhất thế giới.

Tương tự như phân đạm, lượng phân lân nhập khẩu từ Trung Quốc vào châu âu đã giảm 42%, xuống còn khoảng 300.000 tấn. Giá xuất khẩu phân lân của Trung Quốc hiện tại đạt khoảng 200 USD/tấn, gần sát mức hòa vốn đối với các nhà sản xuất giá thành cao.

Theo Yara International, trong thời gian tới giá phân bón sẽ tiếp tục dao động mạnh theo mùa vụ của sản xuất nông nghiệp và do ảnh hưởng của nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thị trường phân bón Ấn Độ cải thiện nhờ mùa mưa

Công ty PotashCorp, nhà sản xuất phân lân có trụ sở tại Canađa, dự báo nhu cầu phân bón Ấn Độ sẽ tăng nhờ lượng mưa trong năm trước được cải thiện.

Sau khi trì hoãn nhập khẩu do nhu cầu nội địa yếu trong bối cảnh thời tiết khô hạn, các công ty kinh doanh phân lân của Ấn Độ đã bắt đầu quay lại đàm phán với các nhà sản xuất phân lân.

Một nhà kinh doanh phân bón Ấn Độ cho biết, sau hai năm với lượng mưa dưới mức trung bình nhiều năm, triển vọng sản xuất nông nghiệp trong năm 2016 tại đây đã trở nên thuận lợi hơn nhiều. Hiện tại, mưa đã bắt đầu xuất hiện ở vùng cực nam Ấn Độ, dự kiến các đợt mưa mùa sẽ sớm tiếp nối.

Tuy đã quay trở lại đàm phán để mua phân lân, các nhà kinh doanh phân lân của Ấn Độ đang đòi hỏi giảm giá mạnh so với mức giá 332 USD/tấn của năm ngoái.

Những hợp đồng đã ký giữa các công ty nhập khẩu phân lân của Ấn Độ, Trung Quốc và các nhà sản xuất phân lân lớn trên thế giới (đặc biệt là liên minh Canpotex giữa các nhà sản xuất phân lân Bắc Mỹ) thường được sử dụng làm mốc tham chiếu để định giá phân lân trên thị trường quốc tế.

Trong năm nay, một số công ty Trung Quốc đã trì hoãn việc ký các hợp đồng mua phân lân, một số công ty nhập khẩu phân lân khác cũng tìm cách chờ đợi để thỏa thuận được mức giá tốt nhất.

Cung cầu phân lân trên thế giới

Công ty PotashCorp dự báo nhu cầu phân lân trên toàn thế giới đang tăng và lượng nhập khẩu phân lân của hầu hết các thị trường sẽ tăng trong năm 2016 nhờ những động lực chính như sự tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ, lượng hàng tồn kho của các nhà phân phối đang ở mức thấp và giá phân lân cũng đã giảm.

Theo PotashCorp, nhu cầu phân lân tại Bắc Mỹ đang tăng do các nhà kinh doanh bổ sung lại kho chứa, còn người nông dân cũng tăng cường mua để được hưởng lợi từ nguồn cung dồi dào với giá giảm.

Lượng phân lân nhập khẩu vào châu Mỹ La tinh được dự báo cũng sẽ tăng nhờ lợi nhuận của người nông dân gia tăng, nhưng nhu cầu phân bón của Braxin có thể bị hạn chế do nguồn cung tín dụng eo hẹp đối với nông dân.

Nhưng trong bối cảnh nhu cầu phân lân gia tăng, Công ty PotashCorp lại đang đứng trước những khó khăn về công suất sản xuất, vì trước đó một số nhà máy với lợi nhuận thấp đã bị đóng cửa. Giữa tháng 5-2016, nhà máy của PotashCorp tại New Brunswick (Canađa) đã bị đóng cửa do đạt lợi nhuận thấp.

Dựa trên ước tính về nhu cầu phân lân toàn cầu, PotashCorp tin rằng tình trạng cung vượt cầu nhìn chung trên thế giới sẽ được cải thiện trong những năm thời gian.

Theo những công bố chính thức, trong thời gian từ 2016 đến 2020 các dây chuyền sản xuất phân lân với công suất tổng cộng gần 7 triệu tấn sẽ bị ngừng hoạt động. Trong khi đó, nhu cầu phân lân được dự báo sẽ tăng 2,5-3% /năm và đạt khoảng 70 triệu tấn vào năm 2020.

Tuy nhiên, một số dây chuyền sản xuất mới hoặc đang sửa chữa cải tạo sẽ vẫn tiếp tục được đưa vào vận hành tại Canađa và các nước thuộc Liên Xô cũ.

Nguồn: Vinachem/Tạp chí Công nghiệp hóa chất số 8-2016