Ông Hồ Quốc Lực - Anh hùng Lao động, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, thành viên Tập đoàn PAN.

* Ngày 12/11 vừa qua, tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức tại Philippines, gạo ST25 của VN đã lần đầu tiên vượt qua các giống gạo của Thái Lan, Cambodia, Mỹ... để giành giải cao nhất. Người Đồng Hành giới thiệu bài viết của ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), thành viên của Tập đoàn PAN (HoSE: PAN), khi ông là người trực tiếp có mặt tại sự kiện này:
Tôi không dính dáng gì cây lúa, hạt gạo, chỉ biết con tôm. Nhưng nghe tin anh tôi (PV: Kỹ sư, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua) bỏ tiền túi đi dự hội nghị lúa gạo thế giới và dự thi gạo ngon thế giới, khiến tôi hơi tò mò.
Tôi từng dự hội nghị ngành tôm toàn cầu, thấy nội dung họp luôn quan tâm làm sao để con tôm được nuôi, chế biến đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và người tiêu dùng. Do đó, tôi cũng muốn coi hạt gạo được quan tâm ra sao theo cách tiếp cận nêu trên. Vả lại, có hôm anh tôi rủ ăn cơm gạo mới, tôi bất ngờ khi cảm nhận hương vị khi cơm vào miệng. Một cái gì mới mẻ trong hạt cơm, món song hành cả cuộc đời, cảm giác ngon hơn hẳn những gì đã trải nghiệm, khiến tôi có lòng tin khi anh nói gạo này đem đi thi. Đó là gạo ST25!
Hội nghị gạo thế giới lần thứ 11 diễn ra tại Manila, Philippines trong 3 ngày (11 - 13/11). Năm 2019, Việt Nam đẩy mạnh bán gạo cho Philippines, đạt hơn 1 triệu tấn. Philippines trở thành thị trường gạo lớn nhất của Việt Nam.
Nhân hội nghị quan trọng nhất của ngành, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo Việt có mặt đông đủ nhằm gặp gỡ khách hàng và tìm kiếm thêm cơ hội. Gian hàng của gạo Thành Tín Sóc Trăng tuy đơn giản nhưng khá đẹp, thu hút khách; ngoài ra còn có Vinafood I, Hapro, Tân Long...
Hội nghị có rất nhiều tham luận của các Hiệp hội gạo các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Cambodia, Myanmar, Bangladesh... Qua đó, các nước đang nỗ lực thực hiện chương trình SRP (sustainable rice platform) xoay quanh xây dựng nền tảng sản xuất gạo theo chuẩn mực đạt sự an toàn cho người tiêu dùng, bền vững cho môi trường. Nông dân phải thực hiện đúng quy trình canh tác được đề ra, hạn chế sử dụng nông dược và phân vô cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học... Nội dung này không mới nhưng việc triển khai còn chậm. Đây cũng là chương trình chúng ta phải đề cao và vận động nông dân thực hiện để nâng cao chất lượng, sự an toàn, uy tín cho gạo Việt.
Ngoài ra hội nghị còn bàn những giải pháp mới hỗ trợ quá trình canh tác như viễn thám; kiểm soát các rủi ro khi vận chuyển, giảm giá trị chuỗi lúa gạo nói chung; nâng cao giá trị gạo như giới thiệu các cách thức chế biến từ gạo và thêm vào gạo các khoáng chất, vitamin… Quan trọng nhất là đưa ra cái nhìn về tình hình gạo cho năm 2020 sẽ lệ thuộc vào thời tiết và các xung đột chính trị trên thế giới. Nhưng nhìn chung sản xuất gạo sẽ cao hơn nhu cầu tiêu thụ, giá tiêu thụ sẽ ở mức thấp hiện nay. Tôi so sánh, hạt gạo đang hướng tới an toàn, bền vững. Con tôm còn thêm yếu tố truy xuất, có phần khó khăn hơn.
Trong khuôn khổ hội nghị có cuộc thi cơm ngon thế giới. Từ trong nước, các đơn vị dự thi phải gửi trước bản thuyết minh về gạo của mình cho Ban tổ chức xem xét, có đủ chuẩn mới được tham dự thi. Ngày diễn ra hội nghị, đơn vị dự thi phải gửi mẫu để kiểm tra các tiêu tiêu chí gạo ngon. Cuối cùng gạo được nấu lên để các thành viên giám khảo thực nghiệm... Giữa ngày thứ 2 là công bố kết quả.
Ở phần này, Ban tổ chức thông báo sẽ xướng danh tên 3 nước có kết quả cao hàng đầu nhưng chỉ nước có gạo đạt giải cao nhất mới có giải thưởng. Việt Nam được nêu tên sau Philippines và trước Thái Lan. Thái Lan nổi tiếng gạo thơm 50-60 năm qua và gần như chiếm lĩnh thị trường gạo cao cấp trên thế giới. Trong khi gạo thơm Việt dù đã được gieo trồng vài chục ngàn hecta nhưng chủ yếu để đáp ứng nhu cầu trong nước, chưa có tiếng tăm quốc tế, đây là điểm bất lợi.
Khoảnh khắc Việt Nam được xướng tên có loại gạo ngon nhất thế giới. Ảnh: Hồ Quốc Lực
Trong suy nghĩ, với tình hình này và với thứ tự lên sân khấu, tôi cho là gạo Việt chắc chỉ mức hạng thứ 2. Ban tổ chức, sau khi mời các đoàn lên sân khấu, bắt đầu thuyết minh, khen ngợi gạo các nước có tên. Khoảng thời gian này bị kéo dài, như là cố tình của Ban tổ chức nhằm tăng tính hồi hộp, chờ đợi. Cuối cùng hai tiếng Việt Nam vang lên, vỡ oà cảm xúc.
Thành viên hai nước trên sân khấu bắt tay chúc mừng đoàn Việt Nam, gồm Giáo sư Võ Tòng Xuân; Phạm Văn Hoàng, Phó Chủ tịch HH Lương thực Việt Nam (đơn vị đưa gạo Việt dự thi) và nhóm tạo ra giống lúa gồm Kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sĩ Trần Tấn Phương, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, người từng học tập làm việc ở Philippines trên 10 năm, cảm tưởng: “ST25 là thành quả kế thừa những nghiên cứu trên 20 năm của nhóm tác giả, những người đã tạo ra nhiều giống lúa nổi tiếng ở Việt Nam. Giống lúa này có nhiều ưu điểm như thơm bền, cơm dẻo, để nguội lâu khô, thời gian sinh trưởng ngắn, có thể trồng 2 vụ mỗi năm. Về lâu dài, giống dễ phổ biến và tất cả người tiêu dùng từ bình dân tới cao cấp đều có thể tiếp cận, thưởng thức thành quả vừa được vinh danh này...”.
Các đại diện đoàn Việt Nam nhận giải thưởng.
Phát biểu của giáo sư đã được sự vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt của người dự. Ngay sau khi nhận giải, 3 khách hàng buôn bán gạo lớn đã tới gặp gỡ đoàn Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đưa gạo ngon nhất thế giới này ra thị trường cao cấp quốc tế.
Ba ngày tròn ở Manila, mệt nhoài với thời gian làm việc cả ngày. Đây là lần đầu tiên tôi tới đất nước này. Khi bước ra hội nghị, phố đã sáng đèn từ lúc nào. Thủ đô cũng hay kẹt xe, nhưng người Phi tuân thủ luật lệ tốt và khá thân thiện. Hành trình của tôi khá xứng đáng với trải nghiệm và thông tin có được. Hơn nữa, tôi đã kịp ghi lại những hình ảnh quan trọng, lưu dấu vào lịch sử ngành lúa gạo Việt, khoảnh khắc vinh danh lần đầu tiên gạo Việt có tên trong danh sách những giống gạo ngon nhất thế giới.
Hạt gạo đó được làm ra từ nhiệt huyết, từ bàn tay khối óc cần cù, chịu khó luôn kiên trì trước bao khó khăn của những kỹ sư chân đất, bắt đầu từ con số không. Con số không trên 20 năm trước bây giờ là những cái tên ST đỏ, ST tím, ST3, ST5, ST20, ST24, ST25 đầy tự hào, chất chứa bên trong bao hoài bão và khát vọng!
ST25 là giống gạo nằm trong dòng lúa thơm ST được nhóm nghiên cứu của kỹ sư, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua nghiên cứu, lai tạo trong hơn 20 năm qua. Trước đó, một loại gạo ST là ST24 đã đoạt giải nhất cuộc thi gạo ngon Việt Nam lần đầu tiên do Hiệp hội Thực phẩm Việt Nam (VFA) tổ chức ngày 4/11. Năm 2017, gạo ST24 đã lọt vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới trong cuộc thi World's Best Rice tại Macau (Trung Quốc).
2019 là năm thứ 11 cuộc thi nói trên được tổ chức. Trước đó trong 10 lần thi gạo ngon nhất thế giới, Thái Lan là nước dẫn đầu với 5 lần đạt giải nhất, tiếp đến là Cambodia với 4 lần, Mỹ có 2 lần và Myanmar 1 lần (có những năm hai quốc gia đồng giải gạo ngon nhất).

Nguồn: Người đồng hành/ Ông Hồ Quốc Lực (Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta)