Giá cả
Giá lợn hơi liên tục giảm từ đầu tháng 10/2020, đến nay đã giảm 10 - 15% so với đầu tháng 10 và giảm 30 – 35% so với mức giá 100.000 đ/kg hồi đầu tháng 8/2020. Hiện giá tại miền Bắc thấp nhất và tại miền Nam đạt mức cao nhất cả nước; tại miền Bắc 65.000 – 67.000 đ/kg; tại miền Trung - Tây Nguyên 70.000 - 72.000 đ/kg; tại miền Nam 73.000 – 75.000 đ/kg.
Mặc dù giá lợn hợi giảm mạnh, nhưng giá thịt lợn tại các siêu thị và giá bán lẻ vẫn chỉ giảm 10.000-20.000 đồng/kg so với tháng 9/2020. Giá thịt lợn tại Vinmart 146.000 - 157.000 đồng/kg, sườn già 111.000 đồng/kg, sườn non 157.000 đồng/kg, thịt ba rọi 142.000 đồng/kg... Giá thịt lợn mát Meat Deli 139.900 - 270.900 đồng/kg; trong đó, cốt lết và sườn non 149.900 và 270.900 đồng/kg, thịt ba rọi 219.900 đồng/kg, nạc vai 171.900 đồng/kg.
Giá liên tiếp giảm làm nhiều hộ chăn nuôi lo lắng vì những tháng trước giá lợn tăng, họ đã mua lợn giống giá cao để đầu tư, với hy vọng bù đắp thiệt hại do dịch bệnh trước đó.
Nguyên nhân giá lợn hơi liên tục giảm do nguồn cung tăng vì thời gian qua người dân đẩy mạnh tái đàn và nhiều đơn vị, doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu lợn sống, thịt lợn. Đặc biệt, gần đây khi bệnh dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu tái phát trở lại tại một số địa phương trong nước, người chăn nuôi chủ động xuất bán cả lợn non chưa đạt 100kg/con. Hơn nữa, tại miền Trung đang bị lũ lụt, người dân chuyển lợn vào Nam bán chạy lũ, làm tăng nguồn cung, trong khi tiêu thụ thịt lợn đang khá chậm bởi người tiêu dùng chuyển sang sử dụng thịt gia cầm và thủy sản có giá rẻ hơn, miền Trung bão lụt, TP.HCM mưa nhiều, cộng thêm dịch COVID-19, người dân giảm chi tiêu.
Cung – Cầu
Theo Bộ NN&PTNT, mặc dù đàn lợn cả nước đang dần khôi phục, tuy nhiên việc tái đàn nhìn chung vẫn chậm so với kỳ vọng, tổng số lợn tăng khoảng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2019; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2020 ước đạt 2,48 triệu tấn, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 (riêng quý 3/2020 ước đạt 846.200 tấn, tăng 9,7%).
Hiện cả nước đã có khoảng 25,5 triệu con lợn, tương đương với 82% so với trước khi dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31/12/2018). Đối chiếu với số liệu công bố trước đó (đến cuối tháng 7/2020 tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi) cho thấy tỷ lệ tái đàn đang chậm lại và dự báo đến cuối quý 4/2020 mới đảm bảo cân đối cung - cầu thịt lợn.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có thuốc chữa nên một số địa phương chưa dám tái đàn nhiều. Đến nay có 22/63 tỉnh, thành phố, tỷ lệ tái đàn dưới 70% (trung bình 55,5%), trong đó vùng ĐBSCL tái đàn thấp nhất cả nước với tỷ lệ 60,9%. Ở các vùng, mức độ tái đàn đến tháng 9/2020 cao nhất là vùng Đông Nam bộ tái đàn trên 100%; thấp nhất là vùng ĐBSCL đạt 60,9%; còn lại vùng Tây Nguyên đạt 96%; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đạt 93,9%; Trung du miền núi phía Bắc đạt 80,2% và đồng bằng sông Hồng tái đàn đạt 68%.
Về thịt lợn nhập khẩu, theo Bộ NN&PTNT, 8 tháng đầu năm 2020 tổng lượng thịt nhập khẩu (cả lợn sống và thịt lợn đông lạnh) là 156.000 tấn, chiếm 4,5% so với nhu cầu 3,8 triệu tấn thịt/năm, riêng thịt lợn tươi ướp lạnh và đông lạnh 64.660 tấn, trị giá 152,5 triệu USD, tăng 272,6% về lượng và tăng 352,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, nhập nhiều nhất từ thị trường Nga, Brazil, Canada, Mỹ và Ba Lan. Mặc dù nhập khẩu tăng mạnh nhưng tổng lượng nhập khẩu chỉ chiếm 3,5% do đó hiện nay nguồn cung vẫn chủ yếu từ tái đàn, với tốc độ tái đàn như hiện nay nguồn cung sẽ tăng 14% vào quí 4/2020.
Hiện trong nước có khoảng 2,95 triệu con lợn nái đáp ứng 11,5 - 12,5 triệu con giống/quý, sẽ cho sản lượng khoảng 910.000 - 920.000 tấn thịt/quý. Đến thời điểm này, tuy đã có gần 3 triệu lợn nái nhưng số lợn nái không sản xuất được ngay mà phải nuôi đến 7-8 tháng mới phối giống được. Khi phối giống, phải mất thêm 3-4 tháng mới có lợn con, do vậy thời gian qua giá lợn giống cao, sắp tới với cơ cấu đàn nái này sẽ sản xuất và tung ra thị trường số lợn con lớn hơn, giúp áp lực giá giống giảm.
Với tình hình giá lợn hơi trong nước liên tục giảm, các doanh nghiệp đã ngừng nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan từ giữa tháng 10/2020, do giá lợn nhập khẩu từ Thái Lan đang ở mức 81.000 đồng/kg cao hơn giá trong nước.
Về tiêu thụ thịt lợn tại TP HCM, hiện chỉ ở mức 5.600 - 5.700 con/ngày, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2019 (10.000 - 11.000 con), lượng lợn về chợ đầu mối Hóc Môn đạt 4.530 con/ngày, tăng 1.000 con so với hai tháng trước đó.
Tính đến ngày 29/9/2020, cả nước không có dịch tai xanh; có 2 ổ dịch cúm gia cầm tại Thái Bình, Bạc Liêu; 9 ổ dịch lở mồm long móng tại 5 tỉnh Cao Bằng, Quảng Trị, Đắk Lắk, Kon Tum, Đồng Nai; Có 268 xã thuộc 95 huyện của 29 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy là 15.769 con.
Dự báo
USDA dự báo sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2021 sẽ tăng 4%, đạt mức 41,5 triệu tấn, thấp hơn gần 25% so với mức trước dịch bệnh ASF. Trung Quốc được dự báo tăng 9%, sản lượng của Mỹ sẽ tăng 1%, Việt Nam và Philippines cũng tăng, Brazil dự báo tăng gần 4%. Xuất khẩu thịt lợn toàn cầu được dự báo không đổi ở mức 10,8 triệu tấn, xuất khẩu của Mỹ không thay đổi ở mức 3,3 triệu tấn do nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc. Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm 6% do sản xuất trong nước phục hồi. Nhập khẩu thịt lợn của các nước Mexico, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đều được dự báo tăng.
Với thị trường trong nước, Vụ Thống kê Nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính, số lượng lợn tiêu thụ 3 tháng cuối năm 2020 là hơn 1 triệu con, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Lượng lợn sống giết mổ nhập khẩu từ Thái Lan theo đăng ký từ trước sẽ tiếp tục được đưa về, thị trường thịt lợn sẽ không tăng đột biến, thậm chí giảm trong quý 4/2020. Tuy nhiên, giá lợn hơi không thể giảm dưới 60.000đ/kg như thời điểm trước dịch do chi phí chăn nuôi, đặc biệt là giá lợn giống vẫn ở mức cao, khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/con.
Ảnh hưởng của mưa lũ miền Trung đối với thị trường thịt lợn
Theo các chuyên gia và cơ quan quản lí, giá lợn hơi sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình mưa lũ khu vực miền Trung, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không nhiều.
Tình hình mưa lũ vừa qua khiến 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Riêng đối với lĩnh vực chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng, Cục Chăn nuôi cho biết, theo thống kê sơ bộ 4 tỉnh này thiệt hại khoảng 700.000 con gia súc, gia cầm; riêng đàn lợn thiệt hại 50.000 con. Theo nhận định giá lợn hơi trong thời gian tới có thể bị ảnh hưởng nhưng chưa được đánh giá cụ thể.
Ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Thư kí Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định mức độ ảnh hưởng không nhiều bởi mức độ chăn nuôi ở các tỉnh miền Trung không lớn. Số lượng thiệt hại 50.000 con có thể bao gồm cả lợn choai, lợn giống, lợn thịt. Nhưng giả sử toàn bộ 50.000 con đó là lợn thịt, xét về tổng thể nguồn cung của cả nước, cũng không ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh tương đối an toàn cộng với lợn hơi được giá đã thu hút các công ty lớn tái đàn. Thời điểm này là lúc nguồn cung của đợt tái đàn đầu năm “bung” ra đáng kể. Do đó, lượng thất thoát 50.000 con không đáng ngại.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến cuối tháng 9, tổng đàn lợn cả nước khoảng 25,5 triệu con, tương đương 82% so với trước dịch tả lợn Châu Phi. Đàn lợn đến cuối tháng 9 ước tăng 3,6% so với cùng kì, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt khoảng 2,5 triệu tấn, bằng 96,8% cùng kì. Như vậy lượng lợn bị thiệt hại chỉ chiếm khoảng 0,2% tổng đàn của cả nước.
Ông Nguyễn Văn Hưng Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam phụ trách miền Trung cho biết nhiều khu vực có địa hình cao nên đàn lợn vẫn được duy trì. Riêng Quảng Bình chỉ thiệt hại 70 con lợn. Do đó, đợt mưa lũ vừa qua sẽ không ảnh hưởng nhiều đến giá lợn hơi.

Nguồn: VITIC