Tỉ lệ sinh lời của vàng vượt xa các kênh đầu tư khác
Trước tác động mạnh của đại dịch COVID-19 và sự leo thang của cuộc chiến Mỹ - Trung cộng hưởng với các chỉ báo kinh tế bi quan khiến thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa toàn cầu liên tục biến động mạnh từ đầu năm đến nay. Trong bối cảnh đó, vàng và các kim loại quí nổi lên như một kênh đầu tư hấp dẫn khi tâm lí e sợ rủi ro dâng cao.
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng quốc tế đã tăng khoảng 20% và chạm ngưỡng 1.890 USD/ounce vào ngày 23/7. Giá vàng quốc tế tăng mạnh khiến giá vàng trong nước liên tục leo thang và đạt mức kỉ lục 54,6 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 56,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra vào sáng 24/7, tương ứng tăng khoảng 30%.
Với đà tăng giá trên, mức sinh lời của vàng đã vượt xã các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, bất động sản, tiền gửi và USD.
Diễn biến giá vàng quốc tế từ đầu năm đến nay. (Nguồn: Bloomberg)
Theo TS. Nguyến Trí Hiếu, vàng nổi lên là một kênh đầu tư có lợi nhất ở thời điểm hiện tại. Bởi nếu gửi tiền ngân hàng sẽ nhận được một mức lãi suất rất thấp. Thị trường chứng khoán thì không có gì bảo đảm, đang loanh quanh ở ngưỡng 850 điểm.
Còn với bất động sản, thị trường đang trầm lắng và chưa biết khi nào sẽ hồi phục hoàn toàn. Tương tự, bỏ tiền vào ngoại tệ cũng không hiệu quả vì ngoại tệ từ đầu năm đến nay gần như vẫn giữ giá và không có nhiều thay đổi.
Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quí I/2020, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội chỉ tăng khoảng 1,02% và tại TP HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,5% so với cùng kì năm 2019.
Còn theo báo cáo của Savills, tính chung 6 tháng đầu năm, giá bán trung bình sơ cấp ổn định theo quí và tăng 7% theo năm, đạt 1.460 USD/m2.
Đối với kênh đầu tư chứng khoán, đây chỉ là kênh đầu tư chỉ mang lại thành công với những người có kiến thức và chuyên nghiệp.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động tương đối mạnh trước ảnh hưởng của dịch bệnh và các biện pháp cách li xã hội của Chính phủ. Cụ thể, chỉ số VN-Index chốt ngày 24/7 ở mức 829,16 điểm giảm gần 14% so với cuối năm 2019; trong đó, riêng chỉ số VN-30 (chỉ số đại diện cho 30 cổ phiếu đứng đầu về vốn hóa, thanh khoản) giảm hơn 12%.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, đối với chứng khoán, các tổ chức, các quĩ đầu tư buộc phải tham gia đầu tư để phân bổ tài sản của mình nhiều hơn chứ không phải là kênh hiệu quả của nhà đầu tư cá nhân ở giai đoạn này. 
Diễn biến chỉ số VN-Index từ đầu năm đến nay. (Nguồn: VnDirect)
Không chỉ những kênh đầu tư mang tính "mạo hiểm", các kênh đầu tư mang tính "phòng thủ" như ngoại tệ và tiền gửi cũng có mức sinh lời kém hấp dẫn trong những tháng đầu năm nay.
Tại kênh đầu tư ngoại tệ, tỷ giá USD/VND gần như đi ngang và thậm chí giảm so với cuối năm 2019. Bên cạnh đó, giá trị của VND đang được củng cố vững chắc khi ổn định tỷ giá là một trong những ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách của Việt Nam cộng thêm với nguồn cung ngoại tệ dồi dào và dự trữ ngoại hối ở mức kỉ lục.
Nguồn: BVSC
Kênh gửi tiết kiệm được nhiều người lựa chọn để tạm cất giữ tiền khi chưa tìm được phương án đầu tư hiệu quả tiếp theo. Tuy nhiên gửi tiết kiệm ngân hàng thường chỉ được coi là kênh bảo toàn vốn, do đó khó mang lại lợi nhuận cao trong thời gian ngắn cho nhà đầu tư. Đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, lãi suất tiết kiệm đang có xu hướng giảm mạnh trong bối cảnh các ngân hàng dư thừa thanh khoản.
Đến giữa tháng 7, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kì hạn 6 tháng tại các ngân hàng lớn đã xuống dưới 4,5%/năm và kì hạn 12 tháng cũng chỉ còn khoảng 6%/năm. Nếu trừ đi mức lạm phát bình quân của 6 tháng đầu năm là khoảng 4,19% thì gửi tiết kiệm chưa phải là "cửa sáng" cho nhà đầu tư hiện nay.
Vàng sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn?
Kết quả thăm dò của Reuters với 42 nhà phân tích và nhà kinh doanh công bố ngày 21/7 cho thấy, giá vàng trung bình năm 2020 sẽ là 1.713 USD/ounce và năm 2021 sẽ ở mức 1.800 USD/ounce, cao hơn nhiều so với các mức trung bình lần lượt 1.639 và 1.655 USD/ounce trong cuộc khảo sát hồi tháng 4/2020.
Michael Hewson, nhà phân tích thị trường thuộc CMC (Anh) dự báo giá vàng có thể chạm mốc 1.900 USD/ounce trong vài ngày hoặc vài tuần tới.
"Thực tế là các chính phủ và ngân hàng trung ương đang nỗ lực kích thích tài chính tiền tệ là nguyên nhân đẩy giá vàng tăng nhanh", và "Chỉ có sự cải thiện về tình hình đại dịch và về kinh tế mới có thể chặn được đà tăng của giá vàng", Michael Hewson nhận định.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, với diễn biến tăng như hiện nay, các nhà đầu tư có thể xem xét mua vàng. Tuy nhiên, giống như một qui luật, giá vàng không dừng ở mức như hiện nay và cũng không thể tăng mãi, có lúc nó sẽ giảm.
Ông giả thiết, từ nay đến cuối năm, giá vàng có thể tăng 10% hoặc cũng có thể rơi xuống 10%. Nếu ai chấp nhận được mức rủi ro đó thì nên chơi vàng.
"Với những nhà đầu tư không chuyên nghiệp, đừng nên lướt sóng mà nên đầu tư dài hạn. Bởi chỉ có những nhà kinh doanh vàng, họ mới có nhiều công cụ để quản lí rủi ro và bảo toàn tiền vốn của mình. Với một người bình thường, chỉ có một cách là mua vàng để đó và nên giữ vàng từ 3 - 6 tháng vì mua đi bán lại rất rủi ro", vị này chuyên gia này khuyến nghị.
Nói cụ thể hơn, ông Hiếu cho biết, quan sát diễn biến thị trường vàng khoảng 4 tháng nay có thể thấy giá vàng sẽ tiếp tục tăng. Yếu tố tác động nhiều nhất đến thị trường vàng là tình hình dịch bệnh COVID-19, nhưng lúc này vẫn chưa có vắc xin.
Do đó, các nhà đầu tư nếu muốn đổ tiền vào đầu tư vàng thì có thể xem xét mua vàng trong lúc này nhưng phải tính đến rủi ro. Quan trọng hơn nữa, tiền mua vàng phải là tiền tiết kiệm, tiền để dành. Không nên đi vay hoặc dùng chính thu nhập hàng ngày của mình để mua vàng.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng nhà đầu tư nên hết sức lưu ý nếu muốn tranh thủ để lướt sóng, đầu cơ cũng phải hết sức cân nhắc vì giá vàng sẽ giảm mạnh nếu tình hình diễn biến về địa chính trị tốt lên.
Theo ông Lực, các nhà đầu tư cần biết đến nguyên tắc phân tán rủi ro, đa dạng hóa kênh đầu tư, tránh bỏ trứng vào một giỏ.

Nguồn: Quang Hưng - Thu Hà / Kinh tế & Tiêu dùng