Năm 2019, giá tiêu thế giới chạm mức thấp nhất 12 năm. Tại Việt Nam, giá tiêu tại các địa phương giảm từ mức khoảng 50 – 52 nghìn đồng/kg đầu năm 2019 xuống 39 – 41 nghìn đồng vào cuối năm 2019. So với mức đỉnh cao 230 nghìn đồng/kg của năm 2015, giá tiêu hiện đã mất gần 4/5.
Theo tính toán sơ bộ của Ủy ban Hạt tiêu Quốc tế (IPC), sản lượng hạt tiêu thế giới năm 2019 giảm lần đầu tiên sau mấy năm liên tiếp tăng, chủ yếu do thời tiết bất lợi ở Việt Nam. Cụ thể, sản lượng hạt tiêu toàn cầu thấp hơn 74.000 tấn so với năm 2018. Tuy nhiên, nguồn cung hạt tiêu thế giới vẫn cao hơn khoảng 60.000 – 70.000 tấn so với nhu cầu.
Về xuất khẩu hạt tiêu, năm 2019, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới. Theo ước tính của IPC đưa ra cuối năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 215.000 tấn (con số xuất khẩu cao hơn sản lượng là do xuất khẩu cả một phần hạt tiêu dự trữ từ năm trước); Brazil xuất khẩu khoảng 57.600 tấn, Indonesia 37.000 tấn, Sri Lanka 20.200 tấn, Ấn Độ 17.000 tấn, Malaysia 14.000 tấn và Trung Quốc 1.000 tấn.
Trong khi đó, theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố đầu năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu nước ta năm 2019 đạt 283.836 tấn, tăng 22% so với năm 2018 và là năm thứ 3 liên tiếp tăng. Trị giá hạt tiêu xuất khẩu năm 2019 giảm 5,4%, chỉ đạt 714,14 triệu USD do giá tiêu toàn cầu năm qua giảm (giá xuất khẩu bình quân của Việt Nam năm 2019 giảm 22,8% so với năm trước, chỉ còn 2.516 USD/tấn).
Theo IPC, vị trí sản xuất hạt tiêu lớn thứ 2 thế giới trong năm 2019 sau Việt Nam là Brazil với 67.000, bao gồm 64.000 tấn tiêu đen và 3.000 tấn tiêu trắng. Giống như Việt Nam, sản lượng hạt tiêu Brazil cũng giảm trong năm 2019 so với 2018 do một số vườn tiêu cây đã cỗi, trong khi những nông trường tiêu trắng mới trồng chưa cho thu hoạch.
Indonesia giữ vị trí nước sản xuất lớn thứ 3 trong năm 2019 với 25.000 tấn tiêu đen và 40.000 tấn tiêu trắng. So với năm 2018, sản lượng của Indonesia năm 2019 ước tính cũng giảm bởi nhiều vườn tiêu ở các khu vực trồng tiêu chính không đầu tư nhiều cho loại cây này từ mấy năm nay khi giá trên thế giới giảm thấp. Sản lượng hạt tiêu Ấn Độ trong năm vừa qua ước tính giảm còn khoảng 45.000 tấn tiêu đen và 1.500 tấn tiêu trắng. Nguyên nhân do sản xuất ở nhiều nông trường thuộc bang Kerala bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt hồi giữa tháng 8/2019. Thời tiết xấu cũng gây nấm hại cây trong thời gian sau đó.
Sản lượng hạt tiêu Trung Quốc năm 2019 vào khoảng 33.000 tấn, trong đó có 1.000 tấn tiêu đen và 32.000 tấn tiêu trắng, tính chung là giảm 6% so với năm trước. Riêng sản lượng của Sri Lanka và Malaysia năm 2019 tăng, trong đó sản lượng tiêu đen của Sri Lanka ước đạt 26.000 tấn, còn tiêu trắng khoảng 700 tấn, đưa tổng sản lượng lên 26.700 tấn, tăng 44% so với năm 2018; của Malaysia đạt 17.872 tấn tiêu đen và 6.128 tấn tiêu trắng, nâng tổng sản lượng lên 24.000 tấn. Một số vùng trồng tiêu của Malaysia đang trong giai đoạn cho năng suất cao, do đó sản lượng của nước này đã tăng nhẹ so với năm trước.
Dự báo từ nay tới cuối năm, giá tiêu sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức thấp, thậm chí có thể giảm nữa do những diện tích tiêu trồng từ năm 2016 – 2017 ở các nước sản xuất lớn nay đến lúc cho sản lượng cao. Một số chuyên gia trong ngành dự báo giá tiêu Việt Nam có thể giảm xuống chỉ 36-38 nghìn đồng/kg trong năm nay, thậm chí có thể xuống 35 nghìn đồng.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 giá có thể bắt đầu hồi phục khi cung – cầu trở về mức cân bằng và nhiều doanh nghiệp tăng cường mua tích trữ nhân lúc giá tiêu thấp. Từ năm 2021 khả năng giá bắt đầu tăng lên khi sản lượng của hầu hết các nước đều giảm mạnh, kể cả ở Việt Nam. Chất lượng hạt tiêu tăng lên và chi phí lao động cao cũng sẽ góp phần đẩy giá tiêu đi lên kể từ năm tới.

Nguồn: CafeF/Nhịp sống kinh tế